Tháng 12.2019, tại số 20 rue Drouot 75009 Paris diễn ra cuộc bán đấu giá của nhà buôn Rudondy và Chamla (R&C), để kỷ niệm 2 năm ngày thành lập nhà đấu giá mang tên hai ông. Đây là một trong những cuộc đấu giá với số lượng lớn hiện vật nghệ thuật Việt Nam, mà theo chủ nhân, để chứng minh rằng đã đến lúc “cá chép hóa rồng”! Nhà đấu giá R&C nói:
Trong thần thoại rồng là con vật được sinh ra bởi sự kết tinh giữa khí biển và khí mây. Do đó, rồng có thể vùng vẫy dưới nước, lại có thể bay lên trời, phun nước xuống trần gian thành những cơn mưa. Còn cá không thể như rồng được. Nhưng theo truyền thuyết thì có loài cá có thể hóa thành rồng. Đó là loài cá chép, nếu loài cá này vượt được long môn. Việt Nam sau bao biến thiên, đã tìm lại hòa bình. Nhiều tài năng nghệ thuật nảy mầm và thời cơ cho cá hóa rồng đã đến.
Các nhà sưu tập bản địa hiểu là đã vướng tình yêu với mỹ thuật, nhưng để tránh mạo hiểm, họ nối gót chân các nhà sưu tập quốc tế, chỉ mua tranh của các bậc thầy ở Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương và bỏ qua các trường phái khác ở miền Nam. Trong khi, Trường vẽ Gia Định được thành lập năm 1913, trước cả Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Khi tiếp cận tranh của Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Văn Minh, Lê Văn Đệ, Ngô Viết Thụ, Lê Văn Mậu…, ít ai nghĩ rằng họ được đào tạo từ Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn - được thành lập năm 1954. Ở miền Trung, Trường Cao đẳng mỹ thuật Huế được thành lập năm 1957, kém tuổi đời nhưng không kém tài năng. Và bao nhiêu người vẫn còn nhớ những tên tuổi lẫy lừng của trường này như Tôn Thất Đào, Đinh Cường, Nguyên Khai, Phạm Đăng Trí, Phan Xuân Sanh và Mai Trung Thứ (cả hai được triệu hồi về từ Pháp quốc), Mai Lan Phương, Lê Yên, Lê Ngọc Huệ, Trương Đình Ý, Vĩnh Phối, Trịnh Cung, Lâm Triết, Rừng, Mai Chửng, Tôn Nữ Kim Phượng, Hoàng Thị Diệm Phương, Trương Đình Quế, Trương Văn Ý... Họ một thời đã hâm nóng bầu không khí mỹ thuật Huế và miền Nam…
* Theo ý kiến của nhà đấu giá, đến hiện nay độ bền vững thị trường tranh Việt ra sao?
Romain Rudondy: Lịch sử đích thực là đã gắn liền 2 nước Pháp - Việt, và chúng tôi không cảm thấy ngạc nhiên khi kết quả là nhiều người gần gũi với nước này hay nước kia tùy thuộc vào nền tảng của họ. Một cuộc di dân đáng kể từ Việt Nam của trí thức, văn nghệ sĩ... đã tạo ra một cộng đồng thực thụ và có sự pha trộn đa văn hóa giữa hai nước. Chúng tôi nghĩ rằng nghệ thuật Việt Nam sẽ chỉ phát triển với thế hệ thứ 3 đã đến tuổi chín mùi để trở thành chủ sở hữu của những món vật gợi lại lịch sử của tổ tiên và câu chuyện của họ.
* Xin cho biết cách thức tuyển chọn tác phẩm để thiết lập một cuộc buôn đấu giá chuyên đề châu Á?
Nhà bán đấu giá R&C được thành lập vào cuối năm 2017. Romain Rudondy và Yonathan Chamla là hai nhà đấu giá trẻ và năng động gốc Marseille. Hiện nay họ đã có chân đứng tại Paris và những cuộc buôn đấu giá tại số 20 đường Drouot 75009 Paris, hứa hẹn sẽ gặt hái nhiều thành công tốt đẹp.
Để trở thành giám đốc điều hành nhà bán đấu giá R&C, ông Romain Rudondy cũng như ông Yonathan Chamla tốt nghiệp cử nhân luật và cử nhân lịch sử nghệ thuật. Những chuyên khoa của nhà buôn là Art nouveau (Tân nghệ thuật), Art déco (nghệ thuật và trang trí), mỹ thuật cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nghệ thuật Á châu, đồ nữ trang, đồng hồ và thời trang cổ; đặc biệt, một người trong họ là chuyên gia về kim cương.
Được biết, ở Pháp có tất cả 350 đấu giá viên, mỗi năm có thêm 20 thành viên mới nhưng chỉ có 5 người dám lội ra “biển cả” để thành lập công ty. Cần nên biết, nước Pháp là nước có nhiều nhà buôn đấu giá nhất.
Romain Rudondy: Chúng tôi làm rất nhiều quảng cáo trên mạng, mạng xã hội, trên các báo địa phương của miền Nam nước Pháp, Paris và các khu vực để truy tìm kho báu. Từ các cuộc di dân Việt Nam đến Pháp, nhiều sản phẩm đã được mang theo và vì vậy chúng tôi có thể quả quyết rằng có một nguồn cung cấp dồi dào ở Pháp. Nhưng không giới hạn ở Pháp mà chúng tôi cũng có những chuyến điền dã đến Anh, Benelux, Ý, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha để tìm các mặt hàng để bán. Có một văn hóa truyền thống đấu giá ở Pháp và điều này trấn an người bán nước ngoài giao phó lô hàng cho các nhà đấu giá Pháp.
* Làm thế nào có thể giải thích sự thành công của một bức tranh này hơn một bức tranh khác? Tên họa sĩ này hơn tên họa sĩ khác?
Yonathan Chamla: Thị trường đấu giá là một thị trường cung và cầu thuần túy. Bạn có thể đạt được giá cao với một nghệ sĩ hoặc một sản phẩm nào đó nếu giao tiếp đã được phối hợp hoàn hảo. Nhưng điều chắc chắn là ngày nay, đối với một thị trường như nghệ thuật Việt Nam, một người họa sĩ được đánh giá cao hay thấp là tùy vào tài năng và tư duy hiện đại của họ. Đây là một thị trường mà tranh đã có tuổi đời và các nghệ sĩ đỉnh cao đã lần lược qua đời. Không có sự đầu cơ như chúng tôi thường thấy trong nghệ thuật đương đại của một nghệ sĩ đang sống hoặc nghệ sĩ trẻ.
* Nếu có thể, theo đánh giá của quý ông, hiện nay, nhà sưu tập nào dành nhiều quan tâm đến nghệ thuật Việt Nam?
Yonathan Chamla: Chúng tôi từng đọc quyển sách với tựa đề Art Business 2 của tác giả Judith Benhamou-Huet nói rằng, người Pháp mua đồ vật của Pháp, người Nga mua đồ Nga, người Trung Quốc mua đồ Trung Quốc và chúng tôi chắc chắn điều đó cũng giống với nghệ thuật Việt Nam. Nhưng may mắn thay, ở châu Âu, chúng tôi thu thập và sưu tập mọi thứ và vì vậy cả Pháp và châu Âu đều trong tư thế có thể sưu tập các nghệ phẩm Việt Nam. Việt Nam gợi lên cảm hứng như giấc mơ đồng lúa, cảnh quan và cư dân Việt.
* Nhà đấu giá R&C dùng các kênh quảng cáo nào để đảm bảo khả năng hiển thị của vựng tập tác phẩm Việt Nam/Châu Á?
Romain Rudondy: Chúng tôi hiện diện trên các trang web khác nhau được tham khảo trên toàn thế giới (Barnebys.com, Auction.com, Drouotlive.com, Maisonrc.com...) và cho mỗi cuộc buôn, chúng tôi cho ấn hành một vựng tập giấy, xuất bản 2 tuần trước khi bán và chúng tôi gửi nó qua đường bưu điện để có thể đến các thị trường như Việt Nam, các nước châu Âu và Bắc Mỹ...
* Lời khuyên nào dành cho các nhà sưu tập Việt Nam về khả năng truy tìm nguồn gốc của bộ sưu tập của họ?
Romain Rudondy: Chúng tôi khuyên họ nên lưu giữ tối đa thông tin về các tác phẩm của mình: nguồn gốc, hình ảnh, tài liệu, hóa đơn... Điều này sẽ đảm bảo tính trung thực của tác phẩm và cho phép truy tìm trong trường hợp giao lưu buôn bán.