Ca khúc thiếu nhi đã lỗi thời?

PHAN VĂN MINH 23/07/2017 08:38

Một hôm tôi tới thăm nhà một người bạn, anh giới thiệu đứa cháu gái vừa từ Sài Gòn về chơi. Cháu mới 8 tuổi nhưng đã có một giọng hát thật đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, cháu chỉ thích những bài hát tiếng Anh dành cho người lớn, nhất là bài “I will always love you”. Anh bạn bảo: “Bài ruột của nó đấy! Tôi nghe nó ngân nga “I love you I love you” suốt ngày”. Nghe một cô bé tí xíu run rẩy những giai điệu đầy kỹ thuật cùng với giọng ca truyền cảm và chuẩn xác về ngữ âm, tôi thực sự sửng sốt, tưởng chừng như gặp được đệ tử truyền nhân của ca sĩ… Whitney Houston. Hỏi ai dạy cháu hát bài này, cháu bảo học được từ gameshow “The Voice Kids” còn gọi là “Giọng hát Việt nhí” trên youtube.

Cùng tập hát với trẻ thơ. Ảnh: Phan Văn Mẫn
Cùng tập hát với trẻ thơ. Ảnh: Phan Văn Mẫn

Phải công nhận rằng trong những năm vừa qua, các cuộc thi ca hát dành cho  thiếu nhi như The Voice Kids hay Đồ Rê Mí đã đem lại những sân chơi âm nhạc đầy hứng khởi trên sóng truyền hình. Với cách tổ chức và điều hành chuyên nghiệp, các gameshow này đã tập hợp được nhiều giọng ca nhí có năng khiếu vượt trội trên mọi miền đất nước. Một số em đến nay tuy chưa trưởng thành nhưng đã bước hẳn sang con đường học tập hoặc biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp, thậm chí có em như Phương Mỹ Chi còn “hái ra tiền” nuôi cả gia đình. Tuy nhiên, vấn đề đang có nhiều ý kiến trái chiều hiện nay là nên chăng cho phép các em hát những ca khúc người lớn quá sớm? Và trong mục đích của các cuộc thi có tiêu chí nào hướng đến việc góp phần bồi dưỡng tâm hồn và nhân cách cho trẻ thơ không?

Trước hết, xin phân tích đôi nét về sự quá tải của một ca khúc dành cho người trưởng thành đối với thiếu nhi. Sự quá tải này biểu hiện trên cả hai phương diện sinh lý và tâm lý. Trẻ em vốn có bộ máy phát âm còn non yếu, chưa hoàn thiện. Khi gắng sức hát những giai điệu có cao độ vượt quá “tầm cử” giọng, hoặc gồng mình vận động thanh quản nhằm tạo nên những âm rè hoặc âm giả thanh cho giống các ca sĩ, dây thanh các em chắc chắn sẽ bị tổn thương. Bên cạnh đó, một ca khúc người lớn thuộc loại kỹ thuật cao thường có những câu hát khá dài. Khi cố gắng thể hiện những giai điệu như thế, bộ máy hô hấp của các em sẽ phải vận động theo cơ chế… cưỡng bức khổ sai. Trong gameshow The Voice Kids năm 2016, khi nghe cháu Thụy Bình hát “Ngọn lửa cao nguyên” hoặc cháu Thảo Nguyên hát “Mái đình làng biển”, nhiều người đã ngồi nghe trong tư thế… há mồm nín thở. Nhưng cũng có người trấn an rằng: “Hát được tuốt hết. Các thầy huấn luyện viên đã bảo hát được thì không thể không được. Các hợp đồng quảng cáo đã ký hết rồi!”. Và chúng ta cũng nên biết rằng biểu giá quảng cáo trong các chương trình này thường cao ngất ngưởng, khoảng từ 100 triệu đến 250 triệu đồng cho 20 giây!

Về mặt tâm lý, ai cũng hiểu rằng khi đã hát thì ít nhiều phải hiểu và cảm được những gì mình đang hát. Nhưng liệu một cậu bé 11 tuổi trông như hạt mít (Huỳnh Hữu Đại - The Voice Kids 2013) có thể  và có cần cảm nhận được niềm khao khát yêu đương khi hát bài “Marry you” với điệp cú “I think I wanna marry you”, dịch nghĩa là “Anh nghĩ rằng anh muốn cưới em thôi”? Các nhà tâm lý - giáo dục từng cảnh báo rằng trẻ em hiện nay đang có hội chứng dậy thì và biểu hiện luyến ái giới tính quá sớm. Vậy việc khuyến khích các em hát những bài như thế phải chăng là chúng ta đang “tiếp sức” cho hội chứng trên?

Còn một lý do khác khiến trẻ em và những người dàn dựng chương trình thường tìm đến các ca khúc người lớn, là thuộc về trách nhiệm và nhiệt tâm của các nhạc sĩ sáng tác. Ca khúc thiếu nhi ngày càng thiếu về lượng và bất cập về chất. Những ca khúc mà các thế hệ trẻ em yêu thích khi xưa thì nay đã cũ mòn,  không còn là sự ưu tiên trong lựa chọn, nếu có thì chủ yếu là trong các dịp lễ lạt. Các nhạc sĩ cao tuổi phần lớn đã cạn chất thiếu nhi. Còn các nhạc sĩ trẻ, ngay cả những người đang dàn dựng chương trình ca nhạc trẻ em cũng ít khi mặn mà với việc sáng tác cho lứa tuổi này bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố về thu nhập.

Khoảng 5 năm về trước ở hầu hết tỉnh thành, mỗi mùa hè luôn là khoảng thời gian rộn ràng nhất với các cuộc hội thi Tiếng hát thiếu nhi Hoa phượng đỏ được tổ chức đều khắp từ trường học đến các cấp địa phương. Đó cũng là cơ hội để những sáng tác mới ra đời, trong đó có một số tác phẩm đã vượt cả không gian và thời gian để tồn tại trong kho tàng bài hát thiếu nhi cả nước. Không hiểu sao phong trào này đột nhiên bị xóa sổ. Các nhạc sĩ không còn nhiều động cơ để sáng tác, nếu có thì cũng không đầu tư tâm hồn và trí tuệ để làm nên những tác phẩm đầy đặn cả truyền thống lẫn hiện đại, vừa đáp ứng được thị hiếu vừa mang tính giáo dục cho trẻ thơ.

Thiết nghĩ cho dù những ai đó có đang cãi nhau về sứ mệnh của văn học - nghệ thuật, thì trẻ em vẫn luôn luôn cần đến sự chăm sóc và giáo dục của người lớn ở mọi phương diện, trong đó có âm nhạc. Vậy nên chăng, các cơ quan hữu trách thay vì ngồi nghĩ đến việc cấp phép cho… Quốc ca, hãy nghiên cứu và ban hành một quy chế cho việc sáng tác và biểu diễn ca hát đối với trẻ em, trong đó quy định cụ thể các giới hạn về giai điệu, tiết tấu, thời lượng, nội dung ca từ… trong mỗi tác phẩm. Nếu trong bóng đá ở các độ tuổi U15 trở xuống, người ta có quy định thời lượng mỗi hiệp chỉ từ 20 - 25 phút thì tại sao trong âm nhạc lại thiếu những ràng buộc tương tự?

Mặt khác, nhằm cứu vãn tình trạng khan hiếm bài hát mới và hay dành cho thiếu nhi, các cơ quan, tổ chức sử dụng tác phẩm âm nhạc cần phải nâng cao các khoản thù lao cho mảng thể tài này, ít ra là trong một giai đoạn nào đó. Ngoài ra, cũng nên khôi phục lại phong trào Tiếng hát thiếu nhi Hoa phượng đỏ, hoặc một cái gì đó tương tự ở các địa phương để trẻ em có cơ hội tham gia ca hát trên bình diện rộng, và cũng để các nhạc sĩ có điều kiện thể hiện trách nhiệm, kỳ vọng của mình trong việc bồi dưỡng tâm hồn cho thế hệ tương lai.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ca khúc thiếu nhi đã lỗi thời?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO