(QNO) - Cá kình không phải đặc sản riêng có của một xứ nào, nhưng vừa ngự thiện đài các vừa dân dã nôm na thì có lẽ đây cũng là một biệt đãi riêng có của giống loài. Dấu hiệu những ngày mưa tháng mười đang bắt đầu khi buổi sớm dọc những con chợ nhỏ Tam Kỳ, lẫn trong mấy dẹt cá kình sắc màu sặc sỡ là rổ rá sáng trưng của biết bao loài cá ức nước.
Trong tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai, vua Minh Mạng sau nhiều ngày bận rộn triều chính, ăn ngủ không yên vì lo chọn người kế ngôi trước sự tranh giành quyền lực ngầm giữa hai phe Hiền phi và Thái hậu, ngài ốm nặng. Biết mình không qua khỏi, vua truyền gọi Trương Đăng Quế tới để bàn việc lớn. Hoàng tử trưởng của vua, Miên Tông vừa qua được bao cửa ải để vào vấn an phụ hoàng thì gặp ngay cuộc khẩu chiến nội cung bèn tức tốc lui ra, trong lòng vô cùng buồn bã. Miên Tông là người nhân hậu, may mắn thay gặp được vợ là Phạm Thị Hằng tâm đầu ý hợp nên cuối cùng đã tìm ra một món ăn dân dã thuần hậu để dâng lên vua.
"Từ Dụ thái hậu" là tiểu thuyết lịch sử, món ngự thiện trong truyện cũng có thể chỉ là hư cấu nhưng cá kình, với người Huế cho đến nay vẫn được xem như là một thức đặc sản vừa đài các vừa dân dã.
Mùa hè năm trước, tôi cùng ba đi Huế giữa ngày nắng nóng ngốt ngát. Quý ba tuổi cao, người bạn đồng môn đã không ngại đưa hai cha con đi thăm thú nhiều nơi, từ Lăng Tự Đức đến chùa Linh Mụ, tận tâm kể chuyện Quốc Học, Đồng Khánh rồi sắp xếp giờ nào buổi nào đi Đại Nội, qua chợ Đông Ba…
Món ăn đầu tiên mà bạn mời hai cha con trong một nhà hàng thanh lịch tôi còn nhớ là cá kình nấu mồng tơi. Bạn nói hôm nay đi nhiều, nắng nóng, ăn chén canh cá kình phá Tam Giang người sẽ khỏe lại ngay. Tiếc hôm đó tôi bị sốc nhiệt, chưa kịp ăn món từng đi vào lịch sử ngự thiện của thiên tiểu thuyết cùng người bạn thân thương...
Cá kình không phải là món ăn xa lạ đối với người Quảng, thậm chí nó còn dân dã tới mức bất cứ người mẹ nào đi chợ cũng có thể mua được món cá kình nấu chua cho cả nhà cùng ăn. Những ngày trời dịch chuyển sang mùa mưa là những ngày mà cá kình sông, cá kình biển đều được nhiều hơn cả.
Tôi thường ưa loại cá kình cửa sông, mình nhỏ màu hơi có chút sặc sỡ. Đi chợ sớm gặp mớ cá này, tưởng đến bữa trưa có tô canh cá kình nấu thơm cà hoặc bắt chước kiểu Huế, nấu với mồng tơi xanh lá bốc khói nghi ngút, tinh thần và vị giác tôi không tránh khỏi bị kích thích.
Sống ở Huế một thời gian khá dài mà tháng mười năm trước tôi mới được dịp đi rừng ngập mặn Rú Chá. Phong cảnh thơ mộng, màu sắc quyến dụ kỳ lạ của Rú Chá càng đượm mùi thi vị khi được ghé qua cồn Tè ăn đĩa bánh xèo cá kình trong ấn tượng khó quên.
Bạn vốn cực kỳ xởi lởi hào phóng mà trưa hôm ấy, bụng đói cồn cào nhưng ngoài những món ăn khác chỉ kêu đúng cho mỗi người một đĩa bánh xèo. Có lẽ sự thất vọng của tôi hiện rõ lên mặt nên cả nhóm mười mấy người ai cũng hứa sẽ nhường phần mặc dù không tin tôi ăn được quá cái thứ hai.
Tôi đọc sách, được nghe muốn ăn món bánh xèo cá kình “chính hiệu” phải từ chợ sớm Tam Giang. Món ấy dân dã trong chợ thì năm nghìn đồng một đĩa, lều quán tươm tất hơn thì mươi nghìn một cái. Nhưng cái chính là thực khách phải tự đi trong buổi sớm chợ trên đầm phá Tam Giang, tự tay mua mớ cá kình ưng ý rồi ghé vào một quán nhỏ bất kỳ nhờ bà chủ “xèo” qua một làn bột mỏng thì cái ngon ngọt của món ăn mới đúng thực là.
Tôi chưa từng được ăn món cá kình mấy mươi đời cháu chắt dâng vua đó nhưng đĩa bánh xèo cồn Tè giữa trưa tháng mười trong khung cảnh vui tươi ấm áp cùng bạn bè đã trở thành số một.
Cá kình không phải đặc sản riêng có của một xứ nào, nhưng vừa ngự thiện đài các vừa dân dã nôm na thì có lẽ đây cũng là một biệt đãi riêng có của giống loài. Dấu hiệu những ngày mưa tháng mười đang bắt đầu khi buổi sớm dọc những con chợ nhỏ Tam Kỳ, lẫn trong mấy dẹt cá kình sắc màu sặc sỡ là rổ rá sáng trưng của biết bao loài cá ức nước.