Cả làng dựng moong

LĂNG A CÚI 19/07/2013 08:03

Thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, có đến 12 moong (nhà văn hóa cộng đồng) được dựng theo từng hộ. Văn hóa moong vì thế được khôi phục, giúp đồng bào Cơ Tu giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống trước nguy cơ mai một.

Moong trở thành điểm sinh hoạt, đón tiếp khách của người dân thôn Bút Tưa. Ảnh: A CÚI
Moong trở thành điểm sinh hoạt, đón tiếp khách của người dân thôn Bút Tưa. Ảnh: A CÚI

Nhà nhà dựng moong

Gần 5 năm trước, thôn Bút Tưa, nằm ẩn mình dưới ngọn núi Chooih, từng được biết đến với những hủ tục. Cả thôn có đến 230 người nhưng không làm nổi một gươl làng. Trăn trở mãi, cuối cùng một số hộ dân trong thôn có tâm huyết với văn hóa bản địa đã bắt tay vào việc dựng moong, khôi phục nét văn hóa truyền thống.

Ông Alăng Điều - Trưởng thôn Bút Tưa cho biết, bắt đầu từ năm 2011, lần lượt các hộ trong thôn làm moong theo mô hình gia đình nhưng đảm bảo quy trình chuẩn, không làm sai lệch kiến trúc moong truyền thống. “Moong, dù kiến trúc không kỳ công như gươl, nhưng xét về mặt văn hóa tâm linh thì giống nhau. Do vậy, moong được xem như “người em” của gươl” - ông Điều cho hay.

Moong có kích thước nhỏ hơn gươl, khuyết cột giữa và không trang trí hình thù cầu kỳ như gươl. Nhờ kiến trúc cao ráo, thoáng mát nên moong thường được dùng trong việc đón tiếp khách, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí... Ngày nay, ở nhiều vùng đồng bào Cơ Tu, văn hóa moong không còn được gìn giữ nguyên vẹn.

Là người tiên phong trong việc làm moong, ông Alăng Tới khiến nhiều người nể phục bởi tài năng và sự chăm chỉ. Ngồi bên trong ngôi moong vừa dựng xong, ông Tới cười bảo: “Lúc đầu chỉ nghĩ làm cho vui. Nhưng sau được nhiều người khuyến khích nên gắng sức nghiên cứu”. Riêng moong nhà ông Tới được xem là rộng nhất làng khi có thể chứa 10 - 15 người trong các buổi gặp mặt, ngày vui gia đình. Ông Tới kể, khi moong của gia đình hoàn thành, rất nhiều người dân trong thôn đến xem và học cách làm. Về sau, khi phong trào làm moong “nở rộ”, ông Tới cũng là một trong số người được mời đến giúp sức thực hiện ở những công đoạn khó. “Thông thường, mỗi moong phải mất khoảng gần một tháng mới dựng xong. Moong có tuổi thọ khoảng 3 - 5 năm, tùy theo công trình và vật liệu xây dựng” - ông Tới chia sẻ.

Theo Trưởng thôn Alăng Điều, tính đến thời điểm này, cả Bút Tưa có 12 moong được dựng với nhiều kích thước khác nhau. Trong đó, nhiều moong đẹp, thể hiện sự dày công, tính thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người làm. Để dựng được moong, đồng bào phải tự vào rừng tìm vật liệu gỗ, mây, tre nứa, lá cọ,... đưa về, rồi cắt gọt sao cho phù hợp với kích thước công trình. Ông Alăng Ngơơr, một người dân trong thôn, nói: “Điều khó khăn nhất là tìm kiếm vật liệu cho moong. Đường sá xa xôi, hiểm trở, vật liệu khan hiếm,… khiến việc tìm kiếm vật liệu trở nên rất vất vả. Tuy nhiên, khó mấy chúng tôi cũng làm vì gia đình, vì đó là văn hóa truyền thống của làng”.

Bảo tồn văn hóa bản địa

Cựu chiến binh Alăng Đàn nay đã ở tuổi “xế chiều” nhưng luôn đau đáu trước văn hóa moong đang dần mai một của làng mình. Không dừng ở việc khuyến khích giới trẻ, ông miệt mài cùng con cháu dựng moong theo phong cách riêng độc đáo. Gặp khi ông đang cần mẫn cho công đoạn cột mái moong, chuẩn bị lợp cọ để hoàn tất công trình, ông bảo xem nhiều moong trong thôn nhưng vẫn thấy thiếu cái gì đó, không thể diễn tả được bằng lời. “Mỗi người một tay nghề nhưng nét truyền thống là cần phải đồng nhất” - ông Đàn bộc bạch. Có lẽ, chính vì trăn trở sự “thiếu đồng nhất” của giới trẻ khi dựng moong nên ông đã cố gắng “quy chuẩn” thông qua moong mà ông sắp sửa hoàn thành.

Bí thư Chi bộ thôn Bút Tưa - ông Alăng Bê cho biết, cùng với việc dựng moong, cán bộ và nhân dân trong thôn đã thống nhất xây dựng gươl làng trong năm nay, khôi phục văn hóa truyền thống. “Moong chỉ để phục vụ cá nhân cho từng gia đình thôi, nên việc dựng gươl là vấn đề cấp thiết chung của cả thôn. Theo kết quả họp thôn, trong năm nay đồng bào sẽ dựng gươl mới” - ông Bê cho hay. Còn già làng Alăng Văng tự hào: “Không chỉ riêng gươl, moong cũng cần được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Do vậy, dựng moong cũng là góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của đồng bào”.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - cán bộ văn hóa xã Sông Kôn cho rằng, việc dựng moong ở từng gia đình là một sáng kiến hay của đồng bào Cơ Tu thôn Bút Tưa, tạo nét mới trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từ đó, nhân rộng và khuyến khích dựng moong ở các thôn khác trên địa bàn xã. “Việc dựng moong không chỉ làm nơi nghỉ mát, vui chơi, mà còn giúp đồng bào từng bước khôi phục nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình” - ông Dũng nói.

LĂNG A CÚI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cả làng dựng moong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO