Cả làng vượt sông

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC 14/03/2015 08:42

Nằm hun hút trên núi cao chót vót, làng Tắc Rối xã Trà Tập (Nam Trà My) bao đời biệt lập với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của đồng bào Ca Dong lạc hậu, cách trở như chính cái tên gọi: Tắc Rối.

Phiêu lưu với sóng nước

Tháng 3, dòng sông Tranh xanh thẳm. Nước thượng nguồn chảy về trôi dập dềnh những cây gỗ mục. Qua một đoạn nước nông, tảng đá trồi lên lởm chởm án ngữ giữa dòng. Trưa, đại ngàn hoang vu bỗng xuất hiện một nhóm 5  thôn nữ, trai làng từ trên đường ĐT616 xuống bến sông Tranh (đoạn cắt qua xã Trà Mai, Nam Trà My) í ới gọi đò vang cả góc sông. Khoảng 10 phút sau, từ  bụi rậm, xuất hiện một cậu bé tầm 10 tuổi trên vai đeo một cái săm (ruột) ô tô bơm căng lội xuống sông làm sứ mạng đưa đò. Lòng sông sâu, chảy xiết, rộng hơn 70m nhưng chỉ mất vài phút là cậu bé đã đến phía bên kia bờ, lần lượt đưa từng người lướt sóng trên chiếc săm. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, đồng bào phần lớn không có ghe thuyền mà sử dụng ruột ô tô để vượt sông. “Con đò” đặc biệt này sau khi xuống nước, sẽ được đặt chéo lên trên vài khúc gỗ đủ làm chỗ cho một người ngồi, kèm theo các đồ dùng cá nhân cần thiết. Sau khi giữ trạng thái cân bằng cho khách trên ruột xe, cậu bé bắt đầu dùng hai tay bơi vừa đẩy “con đò” vượt sông, bất chấp những lớp sóng nhấp nhô.

Nóc Tắc Rối lọt thỏm giữa khu rừng nguyên sinh.Ảnh: HỮU PHÚC
Nóc Tắc Rối lọt thỏm giữa khu rừng nguyên sinh.Ảnh: HỮU PHÚC

Ôm chặt ba lô ngồi trên ruột xe chuẩn bị vượt sông về lại làng Tắc Rối, Hồ Thị Hang (21 tuổi), đồng bào Ca Dong vui vẻ: “Mùa khô qua lại bằng cái này bình thường thôi chứ không sợ ướt áo quần. Làng ni từ già đến trẻ, đi làm, xuống huyện hay đi học, tất cả đều vượt sông bằng cách này. Đi làm thuê bên xã Trà Mai nên mỗi ngày em phải vượt sông 4 lần”. Đang lúi cúi sửa lại tư thế ngồi của Hang cho khỏi lắc lư trên chiếc ruột xe, anh trai Hồ Văn Tiêm nói chen vào: “Ruột xe bơm căng là phương tiện chính của nóc Tắc Rối khi qua sông. Cả làng nhiều nhà có phương tiện này để giúp người dân, cán bộ giáo viên qua lại, tuyệt đối không lấy tiền. Mùa này gió lặng, sông cạn thuận lợi hơn chứ vào mùa lũ tai nạn rớt nước xảy ra thường xuyên”. Trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên và để sinh tồn, người dân đã nghĩ ra cách vượt sông đơn giản này. Trước đây, để qua bên Trà Mai, hoặc về trung tâm hành chính huyện Nam Trà My, đồng bào Ca Dong chỉ có cách bơi lội, nhưng lòng sông nông sâu khó dò, nhiều cái chết thương tâm ập đến. Còn nhớ cách đây không lâu, trong lúc qua nóc Tắc Rối dạy học, một giáo viên tiểu học bị chết đuối. Năm học 2013-2014, hai nữ sinh Tắc Rối đang học lớp 8 là Hồ Thị Hưng và Hồ Thị Thơ cũng bỏ mạng trong lúc vượt sông đi học. Tháng 10.2013, hà bá còn cướp đi sinh mạng ông Hồ Văn Tiến (49 tuổi), ở nóc Tắc Rối.

Anh Hồ Văn Tiêm dùng ruột xe đưa em gái Hồ Thị Hang vượt sông trở về lại nóc Tắc Rối.Ảnh: HỮU PHÚC
Anh Hồ Văn Tiêm dùng ruột xe đưa em gái Hồ Thị Hang vượt sông trở về lại nóc Tắc Rối.Ảnh: HỮU PHÚC

Ông Hồ Văn Máu – Trưởng nóc Tắc Rối xác nhận: “Nóc có hơn 30 hộ đều là đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong. Nguyên thủy của làng nằm trên đỉnh núi cao nhưng bây giờ đã dịch chuyển xuống lưng chừng núi vài trăm mét, người dân sống phụ thuộc vào rừng. Để tìm kế sinh nhai, không còn cách nào khác bà con phải đi làm thuê làm mướn, bất chấp hiểm nguy vượt sông kể cả trong mùa lũ dữ”. Hành trình vượt sông phiêu lưu bao nhiêu thì con đường leo núi xuyên rừng lên nóc Tắc Rối càng hiểm trở bấy nhiêu.

Kẹp giữa núi rộng, sông dài

Số phận kỳ lạ của ngôi làng trong khu rừng già làm chúng tôi tò mò, đành liều mình đánh đu trên ruột xe vượt sông dò đường về nóc. Ngỡ rằng Tắc Rối lồ lộ trước mắt cứ đi rồi sẽ đến nhưng chặng đường vất vả hơn những gì chúng tôi tưởng. Tại thôn 4 - xã Trà Tập có 6 nóc đồng bào dân tộc sinh sống, mỗi nóc “ôm” một quả núi; trong số đó Tắc Rối là nóc xa xôi, nghèo khó nhất. Cả nóc tìm không ra một căn nhà xây, nhà chỉ lợp mái bằng tranh hoặc tôn. Lối mòn kiểu con lươn bò leo lên nóc hẹp chừng 1m, làng chênh vênh giữa rừng già. Một bãi tập kết gỗ cưa xẻ thành phách nằm sát đường, Tắc Rối nằm ngay cửa vào cánh rừng nguyên sinh. Mấy năm nay, dân bản địa triệt hạ rừng quý vừa để bán lấy tiền vừa để mở rộng diện tích đất rẫy. Thanh niên Tắc Rối thật thà bảo, trên này không có ruộng lúa nước, dân phải xẻ gỗ bán cho các vùng lân cận và người Kinh để đổi gạo, mắm muối. Ngày trước, nóc Tắc Rối chơ vơ trên đỉnh cao, nhưng vì thiên nhiên khắc nghiệt, thiếu đất rẫy canh tác nên đồng bào Ca Dong bỏ làng cũ xuống vị trí gần sông, suối làm nơi dừng chân sinh sống cho đến ngày nay. Tuy vậy, do tập tục canh tác lạc hậu, đường sá bị cô lập nên người làng luẩn quẩn trong đói nghèo.

Ruột xe bơm căng là phương tiện đưa đò chủ yếu của làng Tắc Rối.
Ruột xe bơm căng là phương tiện đưa đò chủ yếu của làng Tắc Rối.

Nhiều năm đi làm thuê, tiếp xúc với người Kinh dưới thị trấn Tắc Pỏ nên Hồ Thị Hang có vẻ dạn dĩ hơn khi trò chuyện với khách. Hang bảo, làng hiện còn sống phụ thuộc vào rừng như săn bắn động vật, bứt mây, đốt và lấy mật ong. Một số thói quen sinh hoạt ăn uống, làm rẫy của đồng bào Ca Dong trên này còn khá lạc hậu. “Những sản vật lấy từ rừng, đồng bào xuống thị trấn Tắc Pỏ đổi chác mang về các loại thực phẩm, áo quần cần thiết. Trước mùa lũ, dân tranh thủ mua hàng, chở về dự trữ theo kiểu kiến tha lâu đầy tổ” – Hang chia sẻ. Đò ngang cách trở nên hành trình tìm cái chữ cũng rất lận đận. Hầu hết học sinh từ lớp 6 trở lên ở làng đều phải vượt sông mới đến điểm trường học do Tắc Rối chỉ có mỗi điểm trường tiểu học. “Nhiều thanh niên cái chữ  bẻ làm đôi cũng không biết. Cả làng đỏ mắt tìm không ra một học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông” – cán bộ xã Trà Tập chua chát.

“Mặc dù bỏ làng cũ hun hút xuống lập làng mới gần đường giao thông hơn, nhưng Tắc Rối vẫn có một vệt trên bản đồ các ngôi làng quạnh quẽ, lạc hậu nhất ở xứ cao sơn ngọc quế”.
(Ông Lê Ngọc Kích – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My)

Bí thư Đảng ủy xã Trà Tập – ông Nguyễn Thanh Lũy thông tin, thôn 4 xã Trà Tập có 6 nóc, với hơn 76% là hộ nghèo, 10% hộ cận nghèo; trong đó nóc Tắc Rối xa xôi nghèo khó nhất. Làng “trắng” hệ thống điện, đường, trường, trạm và không ruộng lúa nước. Lâu nay, các giải pháp giảm nghèo cho đồng bào Ca Dong phía bên kia sườn núi luôn rơi vào bế tắc. Thời gian qua, đường giao thông đã đầu tư đến trung tâm xã Trà Tập, cây cầu bê tông bắc qua sông Tranh dài gần 100m, rộng hơn 4m đã đưa vào sử dụng song nhiều bản làng ở miền cao vẫn chưa được hưởng lợi. Núi rộng, sông dài chia cắt khiến đồng bào không có con đường nào thuận lợi, giảm thời gian nhất bằng việc… đánh đu tính mạng trên sông. “Nhiều hộ nghèo ở Tắc Rối được hỗ trợ bò giống, trồng cây chuối mốc, rau lủi để cải thiện đời sống. Trong khi đó, vốn của chương trình mục tiêu quốc gia phần lớn ưu tiên cho phát triển hệ thống giao thông của xã, song nguồn lực đầu tư hạn hẹp, nhiều nóc làng của xã vẫn chưa có dấu hiệu tích cực trong giảm nghèo” – ông Lũy cho biết. Còn theo chính quyền huyện Nam Trà My, chỉ có cây cầu bắc qua sông Tranh mới có thể giúp đồng bào thay đổi phương thức làm ăn và xích lại gần hơn với thế giới bên ngoài. Dự án đầu tư cầu qua sông Tranh đoạn thôn 4 Trà Tập đã khảo sát, phê duyệt vốn. Tất cả đang chờ đợi…

Rời rừng núi Tắc Rối, chiếc ruột xe nhỏ chở chúng tôi tròng trành trên dòng sông Tranh lởm chởm đá. Hoàng hôn buông xuống thẫm một khúc sông. Hy vọng ngày trở lại làng sẽ hết cảnh lụy đò.

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cả làng vượt sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO