"Cá Linh đi học" - hành trình gian nan và đẹp đẽ

NGUYỄN HIÊN 23/04/2023 08:27

“Cá Linh đi học” (truyện dài của nhà văn Lê Quang Trạng vừa được NXB Kim Đồng ấn hành) đem đến cho bạn đọc những hình dung thú vị về vùng đất Tây Nam Bộ cùng hành trình đến trường đầy xúc động của chú cá linh bé nhỏ mà kiên cường.

Bìa sách “Cá Linh đi học”.
Bìa sách “Cá Linh đi học”.

Ước mơ và thử thách

Mới đọc nhan đề, tưởng chừng tác giả đưa bạn đọc đến một ngôi trường xinh xắn, kỳ lạ của loài cá linh. Hóa ra, trường học của cá linh rộng lớn, bao la hơn nhiều, ấy là Biển Hồ, là dòng sông lớn, là ruộng đồng mênh mông.

Những nơi Linh Ống đi qua và học bài về cuộc đời thật gian nan và luôn khiến độc giả lo lắng, giật mình thon thót về những hiểm nguy đang chực chờ trên đường đi: có thể bị loài cá khác tấn công, bị đánh lưới, xiệt điện, thậm chí là nổ mìn bất cứ lúc nào.

Thiên nhiên nghĩa tình nhưng lòng người nhiều lúc đã bị sự tham lam lấn át, nhấn chìm. Sự vênh lệch ấy rõ ràng phải khiến cho người đọc, những người có lương tri phải suy nghĩ về cái cách chúng ta đang đối xử với thiên nhiên.

Câu hỏi được nhắc tới không dưới hai lần trong tác phẩm: “Khi nào thì cá linh nhà chúng ta sẽ không bị giăng lưới bắt điện nữa?” như một niềm đau đáu và cũng là một lời cảnh tỉnh. Tất nhiên, đó không chỉ là thắc mắc của riêng loài cá linh. Chú cá Linh Ống chỉ đang thay mặt cho tất cả các loài khác nói lên nỗi niềm của chúng. Chỉ tiếc, chẳng ai biết chính xác câu trả lời.

Thú thật, khi mới đọc tôi cảm thấy hơi… “giận” tác giả. Linh Ống còn nhỏ mà sao tác giả lại bắt cậu phải trải qua chuyện buồn sớm thế? Nhưng rồi, cảm giác cứ nhẹ nhõm, nhẹ nhõm dần vì Linh Ống đã ngày càng bớt đi sự non nớt, sợ hãi.

Chúng ta chẳng thể nào trốn tránh được nỗi buồn ngay cả khi mới chỉ là một đứa trẻ. Đối diện với nghịch cảnh dù trong đời thường hay trên trang sách đều cần có sự dấn thân. Sau mỗi cuộc dấn thân, ai cũng sẽ lớn lên như chú cá Linh Ống ngày càng vững vàng: “Những mất mát vốn dĩ phải xảy ra, chúng không mất đi mà hóa thành ý nghĩa gì đó trong đời”.

“Cá Linh đi học” không chỉ viết về nỗi buồn, về những giọt nước mắt đớn đau, bất lực mà còn có những điều đẹp đẽ khác khiến người đọc cảm thấy ấm lòng. Ấy là khi tác giả viết về tình yêu thương, sự che chở và đùm bọc lẫn nhau của các loài sinh sống trên sông nước, đã hết lòng hết dạ bảo vệ Linh Ống: Cụ Rùa, Tôm Bọc, ông Cá Hô, chú cá Ba Đuôi…

Trong truyện phép màu nhiều lần xuất hiện: Cụ Linh Tía với khả năng chữa bệnh sánh ngang thần y, cụ Rùa có thể bấm đốt đoán trước được mọi chuyện, điều ước trở thành hiện thực trong nháy mắt của Linh Ống ở những trang sách cuối cùng…

Ăm ắp yêu thương

Có những lúc ngòi bút của Lê Quang Trạng trở nên đặc biệt dịu dàng. Đó là lúc tác giả viết về lòng nhân hậu, sự thiện lương của cô bé nơi Biển Hồ xa xôi. Cô bé ấy có “đôi mắt long lanh”, thỉnh thoảng vẫn thả những cọng rong đuôi chó xanh mướt xuống cho loài cá linh vì biết chúng thích món ăn này.

Yêu thương loài cá còn có cậu bé thường nuôi cá trong chiếc chậu nhỏ xinh. Cậu đã lo lắng và “khóc òa lên” khi tưởng cá Linh và bạn cậu xảy ra chuyện. Khi biết mọi thứ vẫn ổn, cậu bé đã sẵn sàng thả chúng về nơi sông nước với khuôn mặt có “nụ cười thật tươi rồi vẫy tay chào… nói những lời tiễn biệt tốt đẹp nhất”.

Tác giả Lê Quang Trạng.
Tác giả Lê Quang Trạng.

Dưới sự dẫn dắt khéo léo của Lê Quang Trạng, chú cá nhỏ đã trải qua một hành trình đáng nhớ, những ngày đi học không hề bình yên. Đôi lúc tôi tự hỏi: Tại sao phải cố chấp đi học cho bằng được khi biết điều đó không hề dễ dàng, thậm chí là quá đỗi khó khăn?

Tự hỏi rồi lại tự trả lời: Cuộc đời này có bao giờ là dễ dàng. Khát khao hoàn thiện bản thân, vươn tới ước mơ, lý tưởng có thể khiến mỗi người sẵn sàng trả một khoản “học phí” không hề rẻ. Tôi cũng biết, người ta có thể mơ và sẵn sàng cho lý tưởng của mình từ khi còn là một đứa trẻ với những bước chân đầu tiên trên con đường đầu tiên trong cuộc đời.

Cách kể chuyện của tác giả sinh động, hấp dẫn, đậm chất Nam Bộ với những phương ngữ, địa danh miền Tây thường xuyên xuất hiện; xây dựng tính cách nhân vật nhất quán, miêu tả nội tâm khá tinh tế; sách được in màu xinh xắn, dễ thương là những điểm cộng tiếp theo.

Bên cạnh những thông điệp nhân văn tích cực ẩn đằng sau hàng loạt chi tiết, sự kiện, chợt nhận ra sự gắn bó và tình yêu tha thiết của Lê Quang Trạng với quê hương miền Tây: “Sau này đi rong ruổi nhiều nơi, tôi nhận ra thêm rằng, không nơi nào bình yên như quê hương mình (…) nơi quê nhà (…) không có sóng gió nào làm chúng tôi nản chí!”.

Đó không chỉ là nỗi lòng của cá Linh Ống mà còn là nỗi niềm của chính tác giả, một người sinh ra, lớn lên ở miền Tây và biết mình chỉ thuộc về duy nhất nơi này.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Cá Linh đi học" - hành trình gian nan và đẹp đẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO