Cả một đời hát cho người, người yêu ơi!

DƯƠNG QUANG 19/02/2018 03:53

1. Giữa cuối tháng 9.2016, tôi từ TP.Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng giảng dạy. Hay tin nhạc sĩ - nhà báo Vũ Đức Sao Biển cũng từ TP.Hồ Chí Minh về quê, đang ở Duy Xuyên giao lưu, tặng sách cho học sinh và nói chuyện với cán bộ trong huyện, tôi gọi điện thoại hẹn ông. Ông nói, gọn, chắc: “Mai gặp”.

Nhạc sĩ - nhà báo Vũ Đức Sao Biển. Ảnh: HỒNG HẢI
Nhạc sĩ - nhà báo Vũ Đức Sao Biển. Ảnh: HỒNG HẢI

Nửa buổi hôm sau, tôi phóng về. Rủ thêm vài chiến hữu ở huyện, bọn tôi ra quán ngồi chờ. Chờ mãi, thằng em Duy Xuyên là tôi nôn gặp ông anh đồng hương ngay tại quê nhà quá, bèn gọi điện thoại cho ông liên tục. Lần nào nghe điện thoại, ông cũng từ tốn, xưng “qua”: “Ngồi đó đi, qua qua liền”. Rồi: “Tí nữa qua qua”. Tiếp: “Qua qua chừ đây”… Qua liền, tí nữa, chừ đây, năm bảy chặp như vậy, thoáng cả hai tiếng đồng hồ, bọn tôi đã chừng lâng lâng.

Nhưng, xong buổi “diễn thuyết” cả tiếng rồi vẫn chưa thấy ông qua. Tôi lại gọi, từ đầu bên kia, ông cười “hè… hè”: “Hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua…”. Trời, anh em chờ “thấy cha” mà ông cứ trêu bỡn. “Nói chứ, qua đau cánh tay quá, đang bó bột, nên qua kiêng bia rượu, hè… hè, thông cảm!”.
Tàn cuộc, tôi ra lại Đà Nẵng. Trưa hôm sau, không hẹn thì lại gặp. Thấy ông ngồi ở sân bay chờ vào TP.Hồ Chí Minh, tay đang bó bột, cột dây vải néo qua cổ, tôi sà tới. Đang mệt, giọng yếu song ông vẫn đùa về chuyện hôm trước: “Hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua. Hôm nay qua không nói qua qua mà qua qua, hè… hè”. Còn lạ gì Vũ Đức Sao Biển, hơn nửa cuộc đời con người Quảng ấy gắn với đất phương Nam nên lối nói chơi chữ rặt Trung lẫn Nam đó như đã ngấm vào hồn, vào máu, đụng tình huống là bật ra. “Hôm nay… qua qua” là giờ đây chúng tôi đang gặp nhau ở chốn này. Và, trong mấy mươi phút chờ đợi, tôi kịp khơi lại trong ông những ký ức chưa dễ phai mờ…
2. Tôi dò chuyện: “Vài năm nay, trên mạng và bên bàn trà dư tửu hậu lưu truyền câu chuyện tình ly kỳ, ngang trái giữa nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển và cô gái tên Thu trong nhạc phẩm lừng danh “Thu, hát cho người” mà anh là tác giả. Những câu hát như là “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt, mùa thu nào cho người về thăm bến xưa...” được cho là bằng chứng của chuyện đó. Vậy đâu là sự thật?”.

Ông trần tình: Đó là sự thêu dệt, có lẽ bắt đầu từ một thông tin trên tờ Thế giới nghệ sĩ ở California (Mỹ), viết rằng Vũ Đức Sao Biển và nhà thơ đồng hương Đ.T.C cùng yêu một cô gái tên Thu. Thu yêu người này nhưng gia đình cô mến người kia, cuối cùng cả ba đều lỡ làng, cô Thu bỏ đi “biền biệt” còn kẻ si tình thì “Ta vẫn chờ em, dưới gốc sim già đó, để hái dâng người một đóa đẫm tương tư...”.

Sau khi bài viết trên lan truyền thì nhiều nhà báo, trang mạng và các đài truyền hình cứ nói chắc rằng hình ảnh người con gái trong “Thu, hát cho người” là cô H.T.T. ở Hà Lam (Thăng Bình). Có ý khác nói rằng khi Vũ Đức Sao Biển học ở Đại học Sư phạm Sài Gòn (1966 - 1968), được cô N.T.Y.T. yêu mến nên ông sáng tác bài này cho cô N.T.Y.T.

Sự thật không phải như vậy!

“Thu” trong ca khúc nói trên là một nữ sinh xinh đẹp, học Trường Trần Quý Cáp (Hội An) từ năm 1961 - 1968. Người ấy học dưới ông hai lớp, ở cùng làng, thường đi học chung trên con đường từ quê Duy Vinh (Duy Xuyên) qua Cẩm Kim (Hội An). Cứ chiều thứ Bảy, họ từ Hội An về lại làng, chiều Chủ nhật lại từ làng qua Hội An. Đường xa chừng 5 cây số, qua hai lần đò, họ cùng đi bộ với nhau 4 năm.

Cô gái này luôn luôn giành đi trước nên trong nhạc phẩm “Đôi mắt”, Vũ Đức Sao Biển mô tả: “Đường tre xanh mát qua bãi dâu/ Em giành đi trước bỏ tôi lại sau/ Những chiều qua sông không có nhau/ Tôi về bên bãi dâu xanh chờ em, em có biết”.

Vũ Đức Sao Biển nhấn mạnh: “Thu” chỉ là tên hai chúng tôi gọi nhau, đó là tên ở nhà. Tên thật đi học của cô gái này là H.

Do vậy, “Thu, hát cho người” là niệm khúc cuối của một mối tình trong sáng, hồn nhiên, kết thúc không có hậu. Khi từ Sài Gòn trở về cố hương vào năm 1968, Vũ Đức Sao Biển không tìm ra người bạn gái cũ được nữa. Danh tác “Thu, hát cho người” đã ra đời ngay sau đó, vào năm 1968, trong nỗi nhớ khôn nguôi ấy.

Không vơi tình xưa, tác giả còn sáng tác tiếp bài “Phố giáng hương” với những câu êm đềm, da diết: “Phố giáng hương tôi về/ Ngàn thu mắt biếc em đang ở đâu?/ Lá vẫn xanh bên đời/ Mùa xuân vẫn hát vang bên ngàn dâu”.

Sự thật là vậy, Vũ Đức Sao Biển nói: “Kệ, mình chẳng cần phải cải chính vì có muốn cũng chẳng biết cải chính ở đâu!”.

Tôi hỏi tiếp: “Cô Thu ấy bây giờ ra sao?”. Ông bảo: “Hai người xa nhau  53 năm nay, chưa hề gặp lại nhau...”.

Thôi thì, “Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi”. Có lẽ người ấy không muốn gợi lên lại một mối tình dù riêng và sâu kín nhưng đã trở thành phổ quát vì nhẹ nhàng đi vào âm nhạc gần 50 năm qua, trở thành tài sản chung của công chúng yêu ca hát.
3. Tháng 9.2017, tuổi 70, ông trở bệnh nặng. Đi khám, bác sĩ nói bệnh này không dễ trị. Bạn bè, đồng nghiệp, học trò, người hâm mộ… loan tin nhau, cùng giúp ông theo nhiều cách.

Một ngày cuối tháng 11.2017, tôi cùng mấy anh em tới nhà ông ở quận 12 (TP.Hồ Chí Minh) để thăm và tặng quà. Tôi gọi điện thoại hẹn trước, trong đầu cứ đinh ninh rằng sau ca phẫu thuật vòm họng, ông sẽ thều thào. Nào ngờ, Vũ Đức Sao Biển giọng vẫn rổn tảng: “Qua khỏe, ở sẵn nhà đây, lên đi!”.

Trong những lúc khó khăn nhất, dường như con người trở nên mạnh mẽ hơn. Vũ Đức Sao Biển là một trường hợp như vậy. Ông vẫn nhanh nhẹn, thần thái tốt dù đang trong những ngày “vào thuốc”. “Anh lạc quan không?”, tôi hỏi nhẹ nhàng. Ông chậc lưỡi, cười vang: “Qua không chết đâu, tin đi!”.

Phận người khó nói trước nhưng tác giả “Quảng Nam hay cãi” (tiểu phẩm, 2010) chứng minh sức lao động bền bỉ và nghị lực khó tin của mình ngay trong những ngày… nằm trên giường bệnh. Ông kể: “Mấy tuần rồi, qua viết như “điên”, có số báo đăng tới sáu bài của qua. Còn đây là hai bài hát mới toanh”.

Ông mở laptop, bật cho chúng tôi nghe bài “Chuyện một người Quảng Nam”, qua tiếng hát của Khánh Trâm (Đà Nẵng). Ca khúc có những câu nói thay cho cốt cách con người Quảng chính trực: “Rặng Trường Sơn che khuất bóng hình em. Mà Biển Đông sao cứ mãi gọi tên. Như cây tùng trong gió. Ta không chịu cong lưng. Nên đời như sông mãi xa nguồn”.

“Đây cũng là hoài niệm về tính ngang bướng trong thời trai trẻ của tôi. Có lẽ. Nếu không ngang bướng như vậy, cuộc đời của tôi đã êm đềm hơn, hạnh phúc hơn. Thế nhưng, tôi chấp nhận sự ngang bướng đó như là một thuộc tính của đời mình” - ông tự sự.

Còn “Trăng miền hạ” là hoài niệm về người bạn cũ. Miền hạ là vùng duyên hải cuối sông Thu của huyện Duy Xuyên. Cả hai bài được viết theo dạng boléro mới, giai điệu cách tân và đẹp, lối viết ca từ cũng mới so với nhiều tác phẩm boléro khác. Ông sáng tác trong những ngày thọ bệnh, gửi nhạc sĩ Văn Phú (quận 3, TP.Hồ Chí Minh) làm hòa âm. “Tôi viết mà chơi, hát cho mình nghe thôi…” - ông chia sẻ.

Vũ Đức Sao Biển nói thế thôi chứ ai cũng biết ông không chỉ và không thể viết riêng cho bản thân mình. Ông viết cho đời, cho tình yêu, cho một hình bóng cũ trong ông và cho những “người yêu” nào đó, của bất cứ ai trên cõi này:

Thu, hát cho người.

Thu, hát cho người. Người yêu ơi…!

DƯƠNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cả một đời hát cho người, người yêu ơi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO