(QNO) - Ông Đỗ Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam cho biết, sau 10 năm thành lập, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đã có 85 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển trên cả nước.
Số đoàn viên đã tham gia vào nghiệp đoàn nghề cá trên cả nước là 18.690 đoàn viên (chiếm 3,4% số lao động khai thác hải sản trên biển xa) sản xuất trên số 5.387 tàu cá (chiếm 17,9% tổng số tàu cá xa bờ cả nước).
Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đã phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố kịp thời ban hành các văn bản phản đối việc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của nước ngoài; phản đối các hành vi cản trở, xua đuổi, tấn công, bắt giữ người, cướp phá ngư lưới cụ, tài sản của đoàn viên, ngư dân; chỉ đạo nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tàu cá và ngư dân bị tai nạn khi đang hoạt động trên biển.
Ông Đỗ Tiến Dũng cho biết, đơn vị đã kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến chính sách hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá khai thác thủy sản vùng biển xa bờ. Công tác an toàn vệ sinh lao động và quyền của người lao động trên tàu cá luôn được Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Đơn vị phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội từ thiện trong và ngoài nước xây nhà tình nghĩa, trao tặng cờ Tổ quốc, áo phao, tủ thuốc y tế… cho ngư dân các tàu cá khai thác hải sản trên biển; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang bị máy ICOM cho các nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa. Kịp thời nắm thông tin, tổng hợp tình hình đoàn viên, lao động nghề cá gặp nạn để hỗ trợ cho đoàn viên, ngư dân.