Nông nghiệp

Cả nước xảy ra hơn 62.000 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

P.GIANG 08/04/2024 12:10

(QNO) - Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ năm 2018 đến năm 2023, cả nước phát hiện hơn 62.000 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, liên quan nhiều lĩnh vực.


images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-8-8-146204-_tnb-59832.jpg
Bộ NN&PTNT chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp bảo vệ công trình thủy lợi. Ảnh: Thi công xây dựng hệ thống kênh mương trên địa bàn Tam Kỳ (Ảnh: L.T)

Bộ NN&PTNT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Theo số liệu báo cáo, từ năm 2018 đến hết năm 2023, trên cả nước đã phát hiện 62.299 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; trong đó năm 2023 số vụ phát sinh giảm so với năm 2022 (4.248/5.388 vụ), số vụ đã xử lý được tăng so với năm 2022 (2.163/1.212 vụ).

Các hành vi vi phạm liên quan đến nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, môi trường, gồm: xây dựng nhà ở kiên cố, nhà tạm, nhà xưởng, kho tàng, lều lán, chuồng trại chăn thả gia súc, xây tường bao, xây dựng bến, bãi bốc dỡ hàng hóa; tập kết nguyên liệu, vật liệu, vật tư phương tiện; đào ao nuôi trồng thủy sản; khai thác vật liệu xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình còn tồn đọng nhiều, chưa xử lý dứt điểm.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi đặc biệt trong mùa mưa lũ 2024, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo triển khai giải pháp để xử lý hiệu quả đối với vi phạm về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi (xây dựng nhà ở, nhà tạm, nhà xưởng, kho tàng, lều lán, xây tường bao, …), cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi...

UBND các tỉnh, thành phố được yêu cầu tiếp tục tổ chức thống kê, phân loại các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; trong đó làm rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân, hướng xử lý và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý. Đồng thời chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp sở, ngành liên quan xây dựng, trình UBND cấp tỉnh ban hành Quy chế phối hợp, xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn. Trong đó, quy định cụ thể nội dung về quy trình xử lý, trách nhiệm xử lý của Sở, ngành, UBND các cấp, đơn vị khai thác công trình thủy lợi.

Song song với chỉ đạo về việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, chỉ đạo tổ chức khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở, ngành triển khai các giải pháp, tổ chức thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung; nước thải từ các làng nghề, cơ sở chăn nuôi; Rà soát, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của công trình thủy lợi, trường hợp công trình thủy lợi không còn khả năng chịu tải thì không cấp giấy phép theo quy định.

Các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm gây ô nhiễm chất lượng nước trong công trình thủy lợi; chú trọng công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc bảo vệ môi trường, chất lượng nước trong công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, làm tốt công tác quản lý việc xả thải và thu gom chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Liên quan đến chỉ đạo trên, UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT yêu cầu đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam và các ngành, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nội dung theo đề nghị của Bộ NN&PTNT; kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý đối với các nội dung liên quan thuộc thẩm quyền theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cả nước xảy ra hơn 62.000 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO