Triet’s Coffee – quán cà phê rau sạch của Nhân có lẽ là một trong những mô hình khởi nghiệp lạ ở Quảng Nam. Và cũng vì mới lạ, độc đáo nên khá hấp dẫn khách hàng.
Anh Nguyễn Trịnh Nhân chăm sóc vườn rau thủy canh.Ảnh: C.NỮ |
Từng là cán bộ Phòng Tài nguyên - môi trường TP.Tam Kỳ, nhưng giờ đây, chàng trai sinh năm 1985 Nguyễn Trịnh Nhân lại trở thành ông chủ của Triet’s Coffee (lô 7, đường Lê Thánh Tông, TP.Tam Kỳ). Ngay sau quán cà phê bài trí nhẹ nhàng, trang nhã là vườn rau thủy canh. Vừa bán cà phê vừa trồng rau sạch, tuy nhiên công việc chính của Nhân vẫn là ở vườn rau. Diện tích vườn rau không lớn (tổng diện tích quán và vườn 460m2, trong đó vườn rau khoảng hơn 250m2) nhưng từ sáng đến tối, chàng cử nhân công nghệ sinh học này hầu như chỉ ở vườn rau, ăn, ngủ cùng rau. Vì như Nhân bảo, là anh đã trót say mê rồi. Mà không riêng gì Nhân, bất cứ khách hàng nào, một khi đã đến đây thì không thể không mê vườn rau sạch và xanh mướt mát này. Triet’s coffee chỉ mới khai trương vài tháng và từ ấy đến nay, quán luôn đông khách. Quán cà phê “2 trong 1” này xem ra khá tiện lợi. Khách sau khi thưởng thức cà phê, có thể dạo vườn chọn mua rau sạch; cũng có nhiều người chỉ đến tham quan vườn rau, chụp ảnh selfie…, dù không mua rau, Nhân vẫn vui vẻ và không thấy phiền lòng. Chị Nguyễn Thị Thu (ở phường An Mỹ, Tam Kỳ) cho biết, hầu như ngày nào chị cũng ghé Triet’s Coffee, dù phải đi một quãng hơi xa, chủ yếu để ngắm vườn rau, còn uống cà phê chỉ là phụ. Tất nhiên, cà phê ở đây cũng khá ngon. Cà phê rang xay nguyên chất, trà sữa “nhà làm” nên khách yên tâm về chất lượng. Nhưng rau vẫn là ưu tiên của nhiều khách hàng khi đến với Triet’s Coffee.
Mời bạn đọc xem clip. THANH THẮNG thực hiện:
.
Triet’s Coffee liên tục có sản phẩm cung cấp ra thị trường nhưng không nhiều do diện tích vườn nhỏ, sản phẩm ít nên khó có thể cung ứng hàng sỉ. Sản phẩm từ vườn rau sạch của Nhân chủ yếu bán lẻ, bán cho khách hàng đến uống cà phê; một số khách đặt mua online, Nhân giao hàng tại nhà. Cũng vì sản phẩm rau thủy canh của Nhân hoàn toàn sạch, theo quy trình khép kín nên giá bán nhỉnh hơn chút ít so với giá thị trường. Sau tết, cải bó xôi Nhân bán 80 nghìn đồng/kg; cần tây 50 nghìn đồng/kg, rau dền đỏ 30 nghìn đồng/kg... nhưng vẫn được khách hàng chấp nhận. Bởi họ chứng kiến quy trình chăm sóc rau thủy canh sạch của Nhân, Nhân không dùng thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật. Để chống sâu bệnh, Nhân làm nhà lưới bảo vệ. Khách hàng sau khi ra vào vườn rau đều phải đóng kín cửa lưới để đề phòng côn trùng xâm nhập. Nhân chia sẻ, mặc dù đã đầu tư hệ thống thủy canh hồi lưu (là dùng một hệ thống thùng chứa dung dịch dinh dưỡng và bơm tuần hoàn lên những ống trồng rau thủy canh, dung dịch sẽ được luân chuyển qua hệ thống ống trồng rau và thu lại phần dư về thùng chứa ban đầu), hoàn toàn tự động, tiết kiệm được thời gian chăm sóc, nhưng phương pháp thủy canh không đơn giản, đòi hỏi tính tỉ mỉ, chịu khó, phải thường xuyên chăm sóc rau. Nhân dành thời gian cho vườn rau nhiều hơn phục vụ ở quán cà phê là vì vậy.
Mỗi quán cà phê có một dạng thức thu hút khách, nhưng cà phê rau sạch như cách làm của Nhân là hướng đi mới ở Quảng Nam. Lượng khách hàng đến uống cà phê, dạo vườn ngắm rau, mua rau khá đông mỗi ngày cho thấy, bước đầu Nhân khá thành công với mô hình này. Trước mắt, khi chưa có điều kiện mở rộng diện tích trồng rau sạch để cung cấp nhiều sản phẩm hơn ra thị trường, Nhân nghiên cứu tìm những loại rau phù hợp với thời tiết từng mùa để đa dạng hóa sản phẩm và cho hiệu quả cao. Hiện nay, trong khu vườn của Nhân có xà lách, cải bó xôi, rau dền, rau cần, rau muống, các loại rau gia vị… “Cũng vì đây là hướng đi mới, cách làm mới nên mình cần thường xuyên học hỏi, nghiên cứu để phục vụ khách hàng tốt hơn” – Nhân chia sẻ.
CHÂU NỮ