Ra đời từ cuối năm 2013, quán cà phê Sách - với gần 1.000 đầu sách, trong khuôn viên rộng hơn 100m2 của Thư viện huyện Bắc Trà My, đã trở thành quán cà phê sách duy nhất ở huyện miền núi này và có lẽ là một trong số rất ít quán cà phê sách Quảng Nam.
Đến cà phê Sách - đúng như tên gọi của quán - khách hàng được đọc sách tại chỗ miễn phí, hoặc được mượn mang về nếu thích, thấy cần. Khách của quán đủ mọi lứa tuổi, thành phần nên chủ quán cũng trang bị sách ở nhiều lĩnh vực: khoa học kỹ thuật, lịch sử, đời sống, tâm lý, truyện tranh, sách văn học... và các báo, tạp chí của trung ương và địa phương, trong đó có cả Tạp chí Đất Quảng, Tạp chí Văn hóa Quảng Nam, Báo Quảng Nam.
Khách đọc sách ở cà phê Sách. |
Nhiều khách hàng của quán nhận thấy đây là mô hình hay, góp phần phát triển văn hóa đọc cho đồng bào miền núi, đã tự nguyện mang sách của mình đến góp. Không như các quán cà phê khác, thường đông khách vào buổi sáng và khá ồn ào, khách của cà phê Sách lai rai từ sáng tới chiều, không gian của quán cũng rất tĩnh lặng. Buổi trưa, nhân viên văn phòng, công chức cũng thường đến đây nghỉ ngơi, thư giãn với sách. Một cán bộ của Văn phòng Huyện ủy Bắc Trà My cho biết, chị thường xuyên đến với cà phê Sách vì ngoài sách báo và không gian nhẹ nhàng, thoáng đãng, quán còn có những góc riêng dễ thương với cách bài trí lạ và độc đáo. Vừa nhâm nhi cà phê, vừa thong thả lật từng trang sách trong không gian yên tĩnh, xem ra thật thú vị. Còn với các cụ cao tuổi không có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin, không thể đọc báo, xem sách trên internet nên cà phê Sách trở thành điểm hẹn mỗi chiều của họ. Quán còn có một góc riêng dành cho trẻ em với gần 300 đầu sách thiếu nhi và truyện tranh. Thường cuối tuần, sau những ngày học bài căng thẳng, các em đến đây để đọc sách thư giãn. Ngoài ra, quán còn có một góc trưng bày sản phẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số như gùi, nỏ, cồng, chiêng, ché, đàn tơ-rưng… Nói như chủ quán Mai Nguyễn Hoàng Lân, là để khách là đồng bào các dân tộc thiểu số mỗi lần ghé quán, dù không đọc sách, dù chỉ để uống cà phê, vẫn thấy đây là góc nhỏ gần gũi với mình. Hoặc nếu không muốn đọc sách, thì đây vẫn là một không gian thư giãn yên tĩnh... Về ý tưởng hình thành quán cà phê này, anh Lân tâm sự: “Khi Internet và truyền hình kỹ thuật số len lỏi vào đời sống đồng bào thì văn hóa nghe nhìn dần dần lấn át văn hóa đọc. Tuy nhiên, theo tôi, đọc sách in, báo giấy dễ “thẩm thấu” hơn và tôi mong muốn qua việc kinh doanh quán cà phê sách, sẽ góp phần tạo dựng thói quen và niềm đam mê đọc sách cho cộng đồng”.
BẢO LÂM