(QNO) - Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, cần có các biện pháp phòng lây nhiễm.
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh cúm gia cầm lây sang người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A/H5, cúm A/H7... gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm gia cầm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), con người có thể bị nhiễm virus cúm gia cầm, cúm lợn và các loại virus cúm khác như:Cúm gia cầm A/H5N1, A/H7N9 và A/H9N2; các virus cúm lợn như: A/H1N1, A/H1N2 và A/H3N2.
Nhiễm virus cúm gia cầm, cúm động vật ở người chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm, những virus này không có khả năng lây truyền bền vững giữa người và người.
Phần lớn các trường hợp nhiễm virus cúm A/H5N1 và A/H7N9 ở người có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh. Sự lây nhiễm có thể xảy ra qua các đường như qua tiếp xúc trực tiếp: giết mổ, vận chuyển, mua bán hoặc cầm, sờ vào gia cầm bị nhiễm bệnh.
Qua ăn, uống: Thịt và các sản phẩm của gia cầm bị nhiễm bệnh. Thịt và các sản phẩm của gia cầm không được nấu chín kỹ như trứng, tiết canh...
WHO nhấn mạnh, kiểm soát bệnh ở động vật rất quan trọng để giảm nguy cơ nhiễm virus cúm gia cầm hoặc cúm động vật ở người.
Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.
Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.