|
* Đã khắc phục đảm bảo thông xe trên đường Hồ Chí Minh
* Tìm thấy thi thể 3 người mất tích trong lũ
(QNO) - Hôm nay 17.12, mưa đã tạm ngưng, mực nước các sông của Quảng Nam xuống chậm, các địa phương đã bắt đầu giúp dân khắc phục hậu quả do lũ và thống kê tình hình thiệt hại ban đầu.
Hội An cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng bị lũ cô lập Đến chiều nay 17.12, mực nước lũ tại Hội An xuống chậm, vẫn còn ở mức báo động III, làm chia cắt nhiều địa phương. Sau 3 ngày bị lũ cô lập, nhiều xã vùng ven bị ngập sâu đang thiếu lương thực và nước uống. UBND TP.Hội An dã điều động tàu cứu hộ Biên phòng Cửa Đại và thuyền chuyên dụng của lực lượng quân sự Hội An chở 400 thùng mì tôm, nước uống cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng rốn lũ là xã Cẩm Kim và phường Thanh Hà.
“Xã chúng tôi có 5 thôn với 1.039 hộ/ 4.400 nhân khẩu. Đợt lũ này lên nhanh nên bà con không kịp trở tay, hơn 90% hộ bị ngập sâu, hơn phân nửa số hộ này đều bị ướt hết lúa gạo và lương thực dự trữ, hiện nhiều người rất khó khăn” - ông Phan Trọng Nhân, Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho biết. Phóng viên chiều nay đã có mặt tại thôn Trung Châu, xã Cẩm Kim - đây là thôn bị ngập sâu nhất, nhiều nhà cửa bị chìm sâu trong lũ. Mặt dù lũ đã xuống, nhưng nơi cao nhất mực nước vẫn còn cao trên 1,5m. “Nước lên nhanh quá, nhà tui chỉ kịp kê gường để đưa chồng tui bị tai biến nằm chỗ 4 năm nay, còn mọi thứ lúa gạo, kể cả giống các loại bị ướt sạch”, - bà Phạm Thị Bé than vãng.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam online, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định. “Dù khó khăn đến mấy, chính quyền không để người dân vùng lũ bị thiếu đói, thiếu nước uống. Chúng tôi đặc biệt quan tâm những gia đình khó khăn, neo đơn, người nghèo, gia đình chính sách... Điều lo nhất hiện tại là môi trường và khắc phục đời sống ổn định cho người dân sau khi lũ rút”. Theo thống kê sơ bộ của UBND TP.Hội An, đến chiều ngày 17.12, đợt lũ đã khiến gần 13 nghìn hộ/60 nghìn nhân khẩu bị ngập chìm trong lũ, 172 hộ phải di dời cùng 550 du khách; gần 1.745ha đất sản xuất bị ngập, hư hại trắng. Ước tính thiệt hại ban đầu trên 20 tỷ đồng, trong đó rau màu thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ đồng. (MINH QUÂN) |
* Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, đợt mưa lũ từ ngày 12.12 đến ngày 16.12.2016 trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn gây thiệt hại tài sản, nhà ở và cơ sở hạ tầng… Đặc biệt, các tuyến đường giao thông của huyện bị chia cắt. Tuyến quốc lộ 40B từ thị trấn Trà My đi các xã vùng cao của huyện bị cô lập hoàn toàn do mực nước Sông Trường (xã Trà Sơn), Sông Oa (xã Trà Tân) nước lũ lên cao làm cô lập 6 xã hiện vẫn chưa lưu thông được. Tại tuyến đường Nam Quảng Nam thuộc tổ Minh Đông và tổ Đồng Bàu mưa lũ làm sạt lở nhiều khối lượng đất, đá gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Ngôi nhà của anh Nguyễn Hữu Phước, tổ Đoàn Nước, thị trấn Bắc Trà My đã bị một khối lượng lớn đất đá đổ ập xuống làm sập hoàn toàn ngôi nhà. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
“Mưa lũ cũng đã làm làm sạt lở đất gây sập nhà của 3 ngôi nhà của người dân, rất may là không có thiệt hại về người. Hiện tại UBND huyện đã huy động lực lượng để dời vật dụng, đồ đạc của người dân đến nơi an toàn. Đối với các hộ nằm trong diện có nguy cơ sạt lở núi, sông suối cao mặc dù chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ di dời của UBND tỉnh nhưng UBND huyện đã chủ động chỉ đạo các địa phương tổ chức di dời đến vị trí an toàn”- ông Thiệu cho hay.
Tuyến đường ĐH8 từ xã Trà Đốc đi Trà Bui mưa lũ làm xói lở, đứt 1 đoạn đường dài khoản 25m, hiện tại giao thông tuyến ĐH8 từ xã Trà Đốc đi Trà Bui này bị chia cắt hoàn toàn; cũng trên tuyến ĐH8 còn có nhiều vị trí sạt lở khối lượng thực tế đang được các cơ quan, đơn vị kiểm tra. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
* Đến chiều tối ngày 17.12, tại Điện Bàn vẫn còn hàng trăm ngôi nhà của người dân đang bị ngập khoảng từ 0.5 - 1 mét, như các xã Điện Nam Đông, Điện Phương, Điện Phong, Điện Trung... Tuyến đường từ Vĩnh Điện đi Hội An vẫn đang tiếp tục bị chia cắt ngày thứ 4 liên tiếp.
Tuyến đường ĐT609 từ Điện Bàn đi Đại Lộc cũng còn ngập sâu tại một số điểm khiến giao thông cực kì khó khăn, riêng các phương tiện ô tô tải lớn vẫn chưa thể lưu thông được qua điểm giao thông tại thôn Nông Sơn, xã Điện Phước bởi nước lũ gây sạt lở chưa thể khắc phục.
Theo ông Trần Quang Hải - cán bộ phòng Kinh tế Hạ tầng thị xã Điện Bàn, ngoài lượng lớn gia súc, gia cầm chết trong lũ, còn khoảng 750ha hoa màu bị ảnh hưởng hoặc mất trắng hoàn toàn.
Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, trên địa bàn thị xã đã có 19/20 xã, phường có diện tích bị ngập lụt (khoảng 50-60% diện tích toàn thị xã) trừ phường Điện Dương. Có khoảng 5.000 trong số hơn 20.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng phải di dời hoặc di dời tại chỗ.
Hiện tại, lực lượng chức năng địa phương đang tích cực triển khai kế hoạch khắc phục thiệt hại sau lũ, dự kiến chiều mai 18.12, chính quyền thị xã sẽ công bố chi tiết thiệt hại qua đợt lũ.(QUỐC TUẤN)
* Theo báo cáo từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đại Lộc, đợt lũ dâng trong đêm 16.12 đã làm ngập trên 30% nhà dân trên địa bàn huyện gây thiệt hại về người, tài sản, nhiều trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước cũng bị ngập lụt nặng.
Đến thời điểm này, Đại Lộc có 1 người chết và 3 người bị thương. Toàn huyện có 11.303 ngôi nhà bị ngập dưới 1m, 697 ngôi nhà ngập từ 1-3m, 34 điểm trường học bị ngập và thiệt hại. Hơn 2.500ha rau, màu các loại bị ngập và hư hại; 6,7ha lúa đông xuân bị thiệt hại hoàn toàn trên 70%. Đại Lộc có 18 xã/thị trấn thì có đến 17/17 xã có diện tích cây rau, màu các loại bị thiệt hại trong lũ. Nặng nhất là các xã Đại Nghĩa, Đại An, Đại Hồng, Đại Minh, Đại Phong, Đại Cường… trong đó có nơi diện tích bị thiệt hại lên đến 90-100% diện tích. Hàng ngàn con gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện bị cuốn trôi và chết trong lũ, 100ha diện tích ao nuôi thủy sản bị ngập, trong đó gần 1ha bị thiệt hại trên 70%. 51 trạm bơm bị bồi lấp; sạt lở núi bồi lấp lòng hồ Chấn Sơn 450m3… Nhiều tuyến đường giao thông, công trình tưới tiêu, chợ bị ngập, bị sạt lở, thiệt hại…
Ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết “Trước những thiệt hại nặng nề, địa phương đề nghị tỉnh và trung ương hỗ trợ kinh phí giúp huyện khắc phục, sửa chữa, xây dựng công trình thủy lợi, cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp kịp thời để đảm bảo cho vụ sản xuất đông xuân 2016 - 2017. Đồng thời, đề nghị cấp trên hỗ trợ giống cây trồng (rau màu) và giống cây lâm nghiệp để nhân dân có điều kiện sản xuất cũng như hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân vùng sản xuất đất màu bị thiệt hại nghiêm trọng trong đợt lũ này”. (HOÀNG LIÊN)
* Từ 19 giờ đêm qua 16.12 đến 11 giờ 30 phút trưa nay 17.12, mực nước trên sông Thu Bồn đoạn chảy qua địa phận huyện Duy Xuyên đã xuống. Tuy nhiên, do lũ rút rất chậm nên hiện giờ trên địa bàn huyện vẫn còn hơn 1.000 hộ dân đang bị cô lập, tập trung chủ yếu ở các vùng trũng thấp như Lệ Bắc (Duy Châu), Vạn Buồng (Duy Trinh), Đông Bình (Duy Vinh).
Ngay sau khi lũ rút, một số trường học khẩn trương dọn vệ sinh để học sinh sớm trở lại lớp. Ảnh: HOÀI NHI |
Ngoài ra, chiếc cầu phao phục vụ cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa của hơn 100 hộ dân ở làng Tân Tây thuộc thị trấn Nam Phước bị lũ cuốn trôi, chưa thể khắc phục khiến đời sống của nhân dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, hàng loạt tuyến giao thông trọng yếu ở nhiều địa phương của huyện vẫn còn bị nước lũ chia cắt. Chẳng hạn như, tuyến ĐT 610 từ thị trấn Nam Phước lên xã Duy Châu lúc này có một số nơi còn ngập sâu hơn 1m.
Trưa nay 17.12, nhiều nhà dân ở Duy Xuyên vẫn còn bị lũ chia cắt. Ảnh: HOÀI NHI |
Theo quan sát của phóng viên Báo Quảng Nam online, tại những nơi nước lũ đã rút, ngành liên quan cùng chính quyền cấp cơ sở và người dân đang khẩn trương cào bùn đất, lau chùi nhà cửa, bàn ghế và dùng chất Cloramin khử trùng nước sinh hoạt. Được biết, trong đợt mưa lũ lớn này, toàn huyện Duy Xuyên có khoảng 800 nhà dân bị ngập với độ sâu từ 1,2-1,5m. Ngoài 160ha lúa cấy kỳ của nhân dân 2 xã vùng đông Duy Hải và Duy Nghĩa bị ngập úng nặng thì trên địa bàn huyện còn có 300ha rau màu các loại bị hư hại hoàn toàn. Đặc biệt, rất nhiều trạm bơm điện, hệ thống kênh mương và giao thông nội đồng bị sạt lở, bồi lấp nghiêm trọng.(HOÀI NHI)
* Mưa lớn kéo dài tiếp tục gây sạt lở nặng hơn cho quốc lộ 14E (từ Thăng Bình - Phước Sơn), gây ách tắc hoàn toàn lưu thông giữa hai huyện Phước Sơn - Hiệp Đức.
Hiện trường sạt lở tại km84+450. Ảnh: CÔNG TÚ |
Có mặt tại km84+450 vào trưa nay (17.12), chúng tôi ghi nhận hiện trường ngổn ngang đầy đất đá và cây cối đổ chiếm trọn lòng đường, tường hộ lan mềm bị chôn vùi. Nguyên nhân được xác định là nước mưa ngấm vào đã lâu khiến đất hai bên ta luy dương, nhất là bên phải tuyến nhão ra, cộng thêm dòng nước từ trên núi cao đổ xuống gây sạt lở nặng nề. Khối lượng ước tính ban đầu lên đến khoảng 50.000m3. Lưu thông từ Phước Sơn xuống Hiệp Đức bị tắc nghẽn tại địa bàn xã Phước Hòa (Phước Sơn). Một cán bộ của đơn vị quản lý đường là Công ty CP Công trình Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam nói: “Ngày 15.12 nơi đây đã sạt nhiều rồi, mưa lớn tiếp tục làm cho khối lượng lớn đất đá đổ thêm xuống vào đêm qua”. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi taluy dương tại km85+300 cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thống kê của đơn vị quản lý đường cho biết, khối lượng đất đá, cây cối tại km85+300 sạt lở ước tính 25.000m3. Có mặt chỉ đạo công tác khắc phục sự cố, Trưởng phòng Quản lý dự án 3, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam - ông Nguyễn Tuấn Dương cho biết, việc thông xe bước một tại km84+450 rất khó khăn, bởi vì cả hai bên đều là taluy dương trông giống như “thùng đấu”, cho nên đơn vị quản lý phải xúc đất đá lên ô tô tải chở đi đến địa điểm khác để đổ. Tại km85+300, khâu hốt dọn, khắc phục đảm bảo thông xe ban đầu sẽ dễ dàng hơn khi một bên là taluy âm. Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Dương, Sở GTVT và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo doanh nghiệp huy động tối đa phương tiện, thiết bị máy móc và nhân lực đã tập kết từ đầu trên tuyến cũng như điều chuyển tại một số vị trí khác vào cuộc. “Ngoài sự chỉ đạo của Bộ GTVT, chúng tôi ý thức được trách nhiệm của ngành GTVT là phải làm sao đó thông xe nhanh nhất có thể, không tính trước kinh phí mình phải bỏ ra để thực hiện” - ông Nguyễn Tuấn Dương khẳng định. Theo thông tin chúng tôi nhận được từ km85+300, phương tiện của Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam (kể cả thuê bên ngoài) đã tiếp cận hiện trường sau khi được đưa từ ngã ba Làng Hồi (giáp đường Hồ Chí Minh), thuộc địa phận xã Phước Xuân xuống. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, đơn vị quản lý đường đang triển khai nhiệm vụ cả 2 mũi, phấn đấu 3 ngày sau sẽ thông xe trên toàn tuyến. Theo ghi nhận của chúng tôi, người dân ở phía trên km84+450 đã đi bộ men theo quả đồi hướng xuống phía đông. Ngược lại, họ sẽ gửi xe máy vào một nhà dân nằm cách đó khoảng 2km rồi cũng men theo quả đồi để về phía trên km84+450.(CÔNG TÚ) Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi kiểm tra tình hình lũ lụt Chiều 16.12, ông Trần Quang Hoài - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi đã thị sát thực tế tình hình lũ lụt tại khối phố Bằng An Đông, phường Điện An, thị xã Điện Bàn. Sau khi đi thị sát và nghe người dân khối phố Bằng An Đông (thị trấn Vĩnh Điện) thông tin về tình hình mưa lũ những ngày qua, ông Trần Quang Hoài mong muốn bà con không chủ quan, tập trung bảo vệ tài sản và tính mạng con người, nhất là trẻ nhỏ. Ông Trần Quang Hoài yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam phối hợp chặt chẽ, điều hành tốt công tác điều hành, điều tiết các hồ chứa, đảm bảo an toàn nhất cho khu vực hạ du. Cũng vào cuối giờ chiều 16.12, nước lũ đã ngập tất cả các tuyến đường thôn, tuyến đường huyện, tỉnh lộ nên đoàn công tác của ông Trần Quang Hoài không thể tiếp cận khu vực trọng yếu tại huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thành phố Hội An. Thông qua ông Trần Quang Hoài, tỉnh Quảng Nam đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 20 tỷ đồng để khắc phục công trình thuỷ lợi kịp phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017, hỗ trợ 8 tỷ đồng mua vật tư, giống cây trồng giúp nông dân khôi phục sản xuất và 2 tấn Cloramin B xử lí môi trường nước sau khi lũ rút. (CHÂU TẤN) * Mưa liên tục khiến cho nhiều đoạn taluy dương trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Phước Sơn, Tây Giang bị sạt lở nặng. Theo ông Đỗ Xuân Thượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (đơn vị quản lý đường), tổng khối lượng bị sạt lở xuống lòng đường lên tới hàng trăm nghìn mét khối. Nghiêm trọng nhất là tại km1372+100 (địa bàn Phước Sơn), vài chục nghìn mét khối “án ngữ” lòng đường gây tắc nghẽn giao thông. Doanh nghiệp đã huy động hàng chục xe máy, thiết bị chuyên dụng ngày đêm hốt dọn, khắc phục sự cố. Đến 5 giờ sáng ngày 17.12, người và phương tiện có thể qua lại được.(CÔNG TÚ) * Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam online, ông Huỳnh Đức Viên – Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn Hiệp Đức cho biết, tính đến thời điểm 10 giờ 50 phút trưa nay 17.12, các khu dân cư trên địa bàn huyện không còn bị nước lũ chia cắt. Hiện giờ, chính quyền cùng nhân dân các địa phương của huyện đang tập trung dọn dẹp nhà cửa, cơ quan, trường học và vệ sinh môi trường. Theo ông Viên, mặc dù không có thiệt hại về người nhưng đợt mưa lũ lớn này đã làm sạt lở nghiêm trọng 17 tuyến giao thông huyết mạch ở nhiều xã như Bình Lâm, Thăng Phước, Hiệp Hòa, Quế Thọ, Hiệp Thuận, Sông Trà, Quế Lưu, Quế Bình, Phước Trà, Bình Sơn… gây rất nhiều khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều bờ kè bảo vệ các khu tái định cư và tường rào của một số trường học cũng bị sập đổ, hư hỏng nặng nề. Đặc biệt, mưa lũ đã cuốn trôi 226ha lúa nước trời, gây ngập úng rất nhiều diện tích sắn, hoa màu các loại và làm ngã đổ 7ha keo lai… dẫn đến mất trắng hoàn toàn. Ước tính, tổng giá trị thiệt hại không dưới 18 tỷ đồng.(VĂN SỰ) * Tại Hội An, đến 10 giờ sáng nay 17.12, nước lúc bắt đầu xuống chậm nhưng vẫn duy trì trên báo động III. UBND TP.Hội An chỉ đạo các ban ngành, xã phường và người dân chuẩn bị các biện pháp khắc phục, ngành y tế sẵn sàng cơ số thuốc để khử trùng các giếng nước cho người dân sử dụng, chỉ đạo ngành du lịch và quản lý thị trường phải khắc phục ngay các mặt hàng khang hiếm đang tăng giá, đồng thời bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng, ngành giáo dục đôn đốc các trường khẩn trương khắc phục môi trường sạch sẽ sau khi lũ rút để bảo đảm việc học cho học sinh. Do ngập lũ kéo dài trong nhiều ngày và cách biệt với bên ngoài nên lương thực và nước uống bị thiếu. Chính quyền xã Cẩm Kim sáng nay đã mua 300 thùng mì tôm và nước uống để cấp phát khẩn cấp cho người dân nhưng hiện khâu vận chuyển khá khó khăn do nước còn quá lớn và chảy xiết.(MINH HẢI) * Ngày 17.12, cũng là ngày thứ 5 huyện Nông Sơn liên tục bị cô lập trong mưa lũ, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Tình hình đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước và lương thực, thực phẩm khan hiếm, học sinh phải nghỉ học nhiều ngày. Tính đến 10h ngày 17.12, trên địa bàn huyện Nông Sơn tất cả các tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện đi các xã vẫn bị chia cắt hoàn toàn. Tại cầu Khe Rinh (xã Phước Ninh, cầu Khe Phốc (Quế Ninh), cầu khe Sé, cầu Nà Manh (Quế Lâm) còn ngập 2 - 2,5m. Đoạn đường ĐT611 (Quế Trung đi Quế Lộc), ĐT610 (Quế Trung đi Khương Quế) còn ngập gần 2m. Tuyến đường CK55 thuộc xã Quế Trung sạt lở ta luy âm dài 50m, khối lượng đất đá sạt lở khoảng 30m3. Các tuyến đường giao thông liên thông ở các xã bị sạt lỡ hơn 40m3 đất đá; Ngoài ra, còn có 31ha diện tích lúa không chủ động nước và 5ha hoa màu, 2,1ha trồng cỏ và 1ha trồng chuối và 2 con bò bị chết do nước cuốn trôi. Tuy chưa có thiệt hại về người nhưng 17 ngôi nhà bị sạt lỡ, 154 ngôi nhà bị chìm trong nước. Ông Nguyễn Văn Tùng (trú tại thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung) chia sẻ: “Nhiều ngày trước, gia đình đã dọn dẹp đồ đạt sinh hoạt lên tầng trên, mọi sinh hoạt đều ở tầng 2 của nhà. Nhưng khó khăn nhất là không có nguồn nước để sinh hoạt. Đến 3 giờ sáng nay, nước bắt đầu rút, hai vợ chồng mới dẹp vệ sinh nhà của mình nhưng phải hứng nước mưa để sử dụng”. Hiện nay, mực nước sông Thu Bồn tại Nông Sơn là 13m40 và đang xuống chậm, một số nơi, người dân có thể sinh hoạt lại bình thường. Tuy nhiên, do nước xuống chậm nên đời sống nhân dân trên địa bàn huyện gặp rất nhiều về lương thực, thực phẩm, đặc biệt là nước uống và nước sinh hoạt. “Trước tình hình trên, UBND huyện Nông Sơn đã chỉ đạo cho các địa phương nhanh chóng triển khai dọn vệ sinh môi trường ngay khi nước lũ rút, với phương châm: “Nước đến đâu dọn vệ sinh đến đó”. Đồng thời, ngành y tế tổ chức phun hóa chất khử trùng, tiêu độc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và phòng chống dịch bệnh trong nhân dân sau lũ” - ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết.(PHAN VINH – MINH THÔNG) Tìm thấy thi thể 3 người mất tích trong lũ (QNO) - Sáng 17.12, thi thể nạn nhân Đỗ Hoàng Vũ (SN 1991, trú thôn Ngọc Tứ, xã Điện An, thị xã Điện Bàn) đã được tìm thấy sau một đêm mất tích. Trước đó, thanh niên này chèo ghe về đến gần nhà thì ghe bị lật và bị nước lũ cuốn trôi. Vụ việc xảy ra vào khoảng 21 giờ 30 tối qua ngày 16.12. Thời điểm xảy ra vụ việc, Vũ chèo ghe đi thăm người thân rồi quay trở về nhà, cách khoảng vài trăm mét thì nước tràn vào làm ghe chìm, Vũ bị nước lũ cuốn mất tích. Cơ quan chức năng và người dân đã tổ chức tìm kiếm, nhưng do trời tối và nước dâng cao nên đến 9 giờ sáng nay mới tìm thấy thi thể Vũ. Cũng trong sáng nay, ông Trần Công Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn) xác nhận đã tìm thấy thi thể anh Nguyễn Đình Toàn (trú tại thôn Hạ Nông Đông xã Điện Phước) bị mất tích vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày hôm qua, 16.12. Hiện, chính quyền đã bàn giao cho gia đình các nạn nhân tổ chức an táng. (H.CHI - TH.CÔNG) * Lúc 9 giờ ngày 17.12, người dân và chính quyền xã Tam Lộc đã tìm thấy thi thể ông Nguyễn Ngọc Lý (sinh năm 1950, trú tại thôn Tam An, xã Tam Lộc). Theo đó, thi thể của ông Lý được tìm thấy cách cầu Bằng Lăng (thuộc thôn Đại Đồng) khoảng 300m. Đến khoảng 12 giờ trưa nay, người dân đã đưa thi thể ông Lý về nhà lo việc mai táng. Chính quyền địa phương huyện Phú Ninh và xã Tam Lộc đã hỗ trợ đột xuất cho gia đình nạn nhân 7,4 triệu đồng. Như Báo Quảng Nam online đã thông tin, vào sáng ngày 14.12, ông Lý đi dự họp Hội nghị Tổng kết các mặt công tác Đảng tại trụ sở UBND xã Tam Lộc nhưng không thấy về nhà sau đó, gia đình và chính quyền ra sức tìm kiếm nhưng không kết quả... (PHAN VINH - HẢI CHÂU)Xe tải di dời đất đá bị sạt lở khỏi đường. Ảnh: CÔNG TÚ 300 thùng mí gói cứu trợ dân Cẩm Kim. Ảnh: MINH HẢI Người dân tranh thủ dọn bùn khi nước vừa rút. Ảnh: MINH HẢI