(QNO) – Ngày 25/10, Bộ NN&PTNT họp trực tuyến về công tác ứng phó với bão số 6 (bão Trami) với các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận.
Cuộc họp do Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đồng chủ trì, tại điểm cầu Quảng Nam do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì.
Theo Bộ NN&PTNT, công tác ứng phó với bão số 6 được khẩn trương thực hiện khi đã có 67 nghìn phương tiện đã được thông báo và hiện đã không còn tàu nào nằm trong khu vực nguy hiểm. Các địa phương đã triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức cấm biển và sơ tán dân ở các đảo đến nơi an toàn.
Các lực lượng quân đội, công an đã sẵn sàng về nhân lực, thiết bị, phương tiện… để tham gia ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Tại Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, tỉnh đã có 2 công điện về ứng phó với cơn bão số 6. Tỉnh đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển.
Kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Tổ chức việc cấm biển đối với tàu cá, tàu khách, tàu du lịch ra, vào các cửa biển, các bãi ngang trên địa bàn tỉnh từ 10 giờ ngày 25/10/2024 cho đến khi bão tan và tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.
Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ…
Quảng Nam đã lên kịch bản di dời người dân khi bão đổ bộ là đưa khoảng 212 ngàn người dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, kịch bản bão mạnh lên thành siêu mạnh là 400 ngàn người ở 18 huyện, thị xã, thành phố. Hiện tại, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp đang trực 24/24 và báo cáo hằng ngày.
Ngoài việc chủ động kịch bản ứng phó bão số 6, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương tính toán kỹ, lưu ý về sạt lở biển. Tiếp tục thông tin đến nhân dân, tránh tâm lý chủ quan của người dân dẫn đến các sự cố, thiệt hại về người và của cải. Kiểm tra các âu thuyền, khu neo đậu, tránh trú để hạn chế va đập, chìm tàu, thuyền của ngư dân.
Hơn 100 nghìn lồng bè trên biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận cần thu gọn, thu bớt hoặc di chuyển để giảm thiểu thiệt hại; các diện tích lúa cần sớm thu hoạch trước ngày 27/10.
Các địa phương phải rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở vùng miền núi, tính toán và di dời người dân khi cần thiết. Riêng với các hồ thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn thì Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công thương cần theo dõi, chỉ đạo sát sao, liên tục.