(QNO) - Bão số 11 đi qua để lại hậu quả nặg nề. Ngay từ sau khi bão tan, chính quyền, lực lượng vũ trang, các ngành, đoàn thể và nhân dân tập trung khắc phục hậu quả.
Duy Xuyên: Huy động tổng lực khôi phục hệ thống điện
Sáng nay 16.10, ông Nguyễn Quang Sang - Giám đốc Chi nhánh điện Duy Xuyên cho biết, trong cơn bão số 11 trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện Duy Xuyên có 150 trụ điện các loại bị gió quật ngã đổ, trong đó có 10 trụ điện trung thế, tập trung ở các xã thuộc vùng đông và vùng trung.
Công nhân Chi nhánh điện Duy Xuyên đang tích cực khắc phục sự cố. Ảnh: VĂN SỰ |
Theo ông Sang, từ trưa 15.10 đến nay lãnh đạo Chi nhánh điện Duy Xuyên huy động hơn 100 cán bộ, công nhân nỗ lực khắc phục sự cố, phấn đấu đến chiều nay 16.10 sẽ có 80% trạm biến áp được đóng điện. Riêng 5 xã thuộc khu tây của huyện là Duy Châu, Duy Hòa, Duy Tân, Duy Phú, Duy Thu do đứt đường dây vượt sông Giao Thủy nên việc khắc phục sẽ chậm hơn so với các địa phương khác. (VĂN SỰ - PHI THÀNH)
Hiệp Đức: Hàng trăm thanh niên xung kích giúp dân sửa chữa nhà cửa
Bà Huỳnh Thị Mai Hiền – Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Hiệp Đức cho biết, theo thống kê mới nhất, trong cơn bão số 11 vừa qua toàn huyện có 18 ngôi nhà bị sập và hơn 1.800 ngôi nhà khác bị tốc mái nặng. Trước tình hình trên, sáng nay 16.10 lãnh đạo huyện Hiệp Đức đã yêu cầu chính quyền 12 xã, thị trấn khẩn trương huy động lực lượng thanh niên xung kích tích cực giúp đỡ người dân sửa chữa lại nhà cửa nhằm sớm ổn định cuộc sống.
Theo bà Hiền, ngay sau khi có sự chỉ đạo trên, hàng trăm thanh niên xung kích ở các địa phương của huyện Hiệp Đức đã đồng loạt ra quân hỗ trợ nhân dân, trong đó đặc biệt ưu tiên cho những trường hợp già yếu, neo đơn, có nhà bị hư hỏng nặng. Được biết, hiện trên một số tuyến đường của huyện Hiệp Đức vẫn còn bị ách tắt do cây cối, cột điện ngã đổ chắn ngang. Sáng nay 16.10, lực lượng công an huyện và các đơn vị liên quan tiếp tục ra quân giải tỏa nhằm đảm bảo việc đi lại được thông suốt. (VĂN SỰ)
Duy Xuyên: Vẫn chưa khắc phục sự cố gãy đổ 2 trạm viễn thông ở Duy Hải
Đến sáng 16.10, hiện trường sự cố gãy đổ hoàn toàn hai trạm viễn thông của nhà mạng Vinaphone và Mobiphone tại địa bàn xã Duy Hải (Duy Xuyên) vẫn chưa được khắc phục. Cột sóng trạm viễn thông Vinaphone bị ngã đổ vào trường mẫu giáo Duy Hải vẫn nằm ngổn ngang, hiện tại học sinh trong trường vẫn đang được cho tạm nghỉ học để chờ khắc phục. Tại thôn Trung Phường, một cột sóng khác của nhà mạng Mobiphone ngã đổ trực tiếp vào nhà anh Huỳnh Văn Cường vào lúc 7 giờ sáng 15.10 lúc bão đổ bộ làm vỡ mái ngói, rất may gần 10 người trú ẩn trong nhà kịp thời chạy thoát, bảo toàn tính mạng.
Học sinh trường mẫu giáo Duy Hải vẫn đang được cho tạm nghỉ học để khắc phục sự cố ngã đổ cột phát sóng trạm viễn thông. Ảnh: P.GIANG |
Ông Võ Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, thống kê sơ bộ đã có 766 nhà dân bị thiệt hại do bão số 11, trong đó có 7 căn nhà sập hoàn toàn, 39 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, 320 căn nhà bị tốc mái hơn 50%.
Học sinh phân hiệu trường Tiểu học Duy Hải tại thôn Tây Sơn Đông giúp cô giáo phơi sách vở bị ướt do bão làm tốc mái phòng học. Ảnh: P.GIANG |
Ngoài ra, bão số 11 cũng đã làm tốc mái 7 phòng học, 2 nhà văn hóa thôn và trụ sở xã. Hơn 700 hộ dân trong tổng số 1.800 hộ dân của xã Duy Hải bị thiệt hại do bão. Gió mạnh cũng đã làm va đập, hư hỏng và chìm 19 tàu thuyền đánh cá của ngư dân. Hiện tại, chính quyền địa phương đã triển khai lực lượng xuống giúp dân sau bão, thăm hỏi, động viên những gia đình bị thiệt hại nặng.(PHƯƠNG GIANG)
Hội An khẩn trương làm sạch môi trường
Sáng nay, 16.10, tại Hội An mực nước lũ vẫn còn ở báo động II, và đang xuống chậm. UBND Thành phố đã chỉ đạo lực lượng và Công ty Công trình công cộng Hội An khẩn trương dọn dẹp môi trường. Theo đó, hàng ngàn người và hơn 30 phương tiện cơ giới khẩn trương làm vệ sinh trêv các tuyến đường, ưu tiên dọn dẹp và sữa chữa gia cố lại các trường học bị hư hỏng để cho học sinh sớm có chỗ học. Ngoài ra, ngành điện kiểm tra và khắc phục lại hệ thống điện để sớm đóng điện để người dân sinh hoạt.(MINH HẢI)
Huy động người phương tiện thu gom rác do bão gây ra. Ảnh: MINH HẢI |
Điện Bàn: Giúp dân ổn định sau bão
Sáng hôm nay (16.10), Huyện ủy, UBND huyện Điện Bàn đã đi đến thăm hỏi, chia sẻ động viên và hỗ trợ cho mỗi gia đình có người bị chết 4,5 triệu đồng/trường hợp. Trước đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ 8 triệu đồng/trường hợp, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 1 triệu đồng/trường hợp, xã Điện Phong cũng đã hỗ trợ gia đình anh Quy 2 triệu đồng. Trao đổi về công tác khắc phục hậu quả của bão, ông Trần Văn Chuẩn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Điện Bàn cho biết, địa phương sẽ ưu tiên sửa chữa cơ sở giáo dục, y tế bị thiệt hại nặng. Bằng mọi cách, huyện và xã hỗ trợ cho các trường khắc phục phòng hư hỏng, đảm bảo cho việc dạy và học trở lại vào sáng mai. Điện Bàn chỉ đạo cho các địa phương vận động nhân dân sửa sang lại nhà cửa, tổ chức lực lượng cùng bà con chặt phá, thu dọn cây cối đổ ngã trên tuyến đường tỉnh và các tuyến đường giao thông, phối hợp với Điện lực Điện Bàn khẩn trương khôi phục nhằm đảm bảo có điện lại nhanh nhất và an toàn. Huyện chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Yêu cầu các cơ quan, ban ngành, hội đoàn thể, các xã, thị trấn hoãn cuộc họp không cần thiết; phân công cán bộ Thường vụ Huyện ủy về đứng cánh ở các địa phương để có sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời.(CÔNG TÚ)
Đông Giang, Tây Giang khắc phục sau bão lũ
Sáng 16.10, một ngày sau bão tan, người dân ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang đã ra chăm sóc những vườn hoa màu bị đổ ngã, hư hại.
Có mặt tại một số điểm của huyện Đông Giang, chúng tôi ghi nhận người dân ở các địa phương đang nỗ lực cứu những vựa lúa, vườn chuối bị hư hại, mong vớt vát được chút ít sau bão. Nét mặt mệt mỏi sau khi chặt bỏ buồng chuối non bị ngả rạp, chị Arất Thị Muôn (ở thôn Brùa, xã Jơ Ngây, Đông Giang) cho biết: “Nhà mình trồng hơn 200 cây chuối, đang vào mùa thu hoạch, chừ bão quật ngã hết trơn. Mấy buồng non bị dầm ni chừ đem về nuôi heo thôi”. Còn tại xã Tà Lu, chúng tôi cũng chứng kiến người dân tranh thủ thu hoạch sắn, rửa sạch dưới đoạn suối mang về nhà. Trong khi đó, rất nhiều khu vực lúa rẫy đang vào mùa thu hoạch của người dân cũng bị bão làm hư hại, gây thiệt hại nặng nề.
Bão số 11 khiến hàng chục ngôi nhà dân ở Đông Giang bị tốc mái, hư hỏng nặng. Ảnh: LĂNG A CÚI |
Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Đông Giang cho biết, đã có 68 ngôi nhà cùng 5 phòng học và nhà sinh hoạt cộng đồng ở các xã Ba, Tư, Sông Kôn và Kà Dăng bị tốc mái; 12 ngôi nhà ở thị trấn P’rao bị sạt lở nặng; trăm hecta hoa màu bị đổ rạp, hư hại; nhiều khu vực bị cô lập. Mưa lũ cũng khiến tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện Đông Giang; tuyến quốc lộ 14G và các tuyến đường liên xã bị sạt lở nặng tại nhiều điểm, giao thông ách tắc. Toàn bộ 188 hécta lúa nhe mùa, 75 hécta sắn, cùng hàng trăm hécta keo lai, cao su, ruộng lúa nước đang vào vụ thu hoạch cũng bị đổ ngả, hư hại. Chính quyền huyện Đông Giang cũng đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục những thiệt hại sau bão, đảm bảo ổn định đời sống và việc lưu thông của người dân. Ước tổng thiệt hại sau cơn bão số 11 tại huyện Đông Giang hơn 6 tỷ đồng.
Tại huyện Tây Giang, mưa lũ đã làm nhiều điểm sạt lở nặng với hàng chục khối đất đá tràn xuống lòng đường khiến giao thông bị ách tắc. Riêng tuyến đường lên 4 xã vùng cao Tr’hy, Axan, Gari và Ch’Ơm hiện vẫn tiếp tục bị sạt lở nặng, cô lập. 41 ngôi nhà bị tốc mái; 2 máy thủy luân cùng 12 công trình đầu mối tại các xã ATiêng, Bha Lêê, Lăng và A Vương bị vùi lấp với 400m ống bị nước lũ cuốn trôi. Hiện một số diện tích lúa nước và các loại hoa màu bị ngập úng và sạt lở có khả năng mất trắng hoàn toàn. Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến 4 con gia súc trên địa bàn huyện bị chết và mất tích.
Chính quyền huyện Tây Giang cũng đã tổ chức di dời 120 hộ/506 nhân khẩu tại các điểm có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chèn chống 40 ngôi nhà, các trường học và trạm y tế đảm bảo an toàn trước bão. Chính quyền ở các xã triển khai thực hiện xuất các kho thóc dự trữ, kịp thời hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong thời gian bão với số lượng 12 tấn.(LĂNG A CÚI)
Khắc phục tạm nhiều tuyến giao thông bị sạt lở
Ngày 16.10, ông Lê Văn Sinh - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT) cho biết, các tuyến quốc lộ 14B, 14D, 14E sạt lở nhỏ ở nhiều điểm với khối lượng khoảng 330m3, 140 cây ngã đổ trên đường. Các tuyến đường tỉnh (ĐT) bị sạt lở nhiều đoạn, khối lượng 3.000m3, 1 nghìn cây ngã đổ gây ách tắc giao thông. Nặng nhất là tại Km23+990, tuyến ĐT616 qua địa bàn Quế Sơn bị trôi nửa cống, gây xói lở nửa mặt đường dài khoảng 15m. Dự kiến kinh phí khắc phục các tuyến quốc lộ là 220 triệu đồng, các tuyến ĐT cần 750 triệu đồng. Riêng tại Km23+990, muốn khắc phục hoàn thành như hiện trạng ban đầu, ngành cần khoảng trên 2 tỷ đồng.
Sau khi bão xảy ra, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, quy tu 3 tuyến quốc lộ và ĐT nói trên là Công ty cổ phần Công trình GTVT Quảng Nam đã khẩn trương bố trí người và phương tiện phối hợp cùng địa phương xúc dọn đất đá sạt lở, chặt phá thu dọn cây cối nhằm đảm bảo lưu thông bước 1. Những ngày tới, doanh nghiệp tiếp tục triển khai dọn dẹp các đoạn bị ảnh hưởng mưa bão nêu trên cho sạch sẽ, giao thông đi lại thuận tiện hơn. (CÔNG TÚ)