|
(QNO) - Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Đại Lộc, mặc dù đã tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt ngay từ đầu công tác phòng chống với tinh thần chủ động, nhưng do bão số 4 gây mưa to đến rất to kéo dài kèm theo gió giật mạnh đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Nhiều diện tích cây trồng ở Đại Lộc bị ngập nước. Ảnh: C.TÚ |
Theo số liệu thống kê, lúa đang chuẩn bị thu hoạch bị ngã đổ và ngập sâu hơn 400ha, 121ha cây bắp trong giai đoạn vào hạt bị ngã đổ, 80ha chuối và 70ha rau quả các loại bị hư hại. Ngay sau khi bão tan, Huyện ủy, UBND và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã kịp thời phân công các đoàn công tác xuống kiểm tra, chỉ đạo khắc phục tại các xã, thị trấn và tăng cường công tác phòng tránh lũ lớn sau bão; yêu cầu lực lượng công an, vũ trang phối hợp với địa phương và nhân dân chặt tỉa cây cối, dọn vệ sinh, đảm bảo giao thông thông suốt.
Người dân chống lại cây đu đủ bị ngã. Ảnh: C.TÚ |
“Thời gian đến, chúng tôi đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm để tập trung tổ chức khắc phục hậu quả nhằm nhanh chóng ổn định sinh hoạt, đời sống và sản xuất. Trong đó, huyện huy động mọi lực lượng, phương tiện giúp đỡ, động viên hướng dẫn nhân dân nhanh chóng phục hồi các diện tích cây trồng bị ngã đổ” - Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban PCTT&TKCN huyện Đại Lộc, ông Hồ Ngọc Mẫn nói.
Theo ông Mẫn, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế, Phòng Y tế, Trạm Chăn nuôi và thú y, Phòng TN-MT huyện kiểm tra, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện xử lý môi trường không để dịch bệnh phát sinh. Phòng GD-ĐT xem xét tình hình thiệt hại tại các trường học; huy động lực lượng khắc phục hậu quả để đảm bảo tổ chức dạy và học sinh đi học trở lại bình thường.
Một vùng của xã Đại Lãnh bị nước lũ bao vây. Ảnh: C.TÚ |
Được biết, UBND, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đại Lộc vừa chỉ đạo Phòng Kinh tế và hạ tầng tiếp tục kiểm tra các tuyến đường đảm bảo giao thông thông suốt. Chi nhánh Môi trường đô thị Đại Lộc tổ chức tốt việc cung cấp nước sạch cho nhân dân sinh hoạt; đồng thời thu gom rác thải theo đúng quy định đảm bảo môi trường sau bão. Phòng Tài chính - kế hoạch chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND huyện cân đối ngân sách thực hiện công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ. Sáng nay, học sinh các trường trên địa bàn Đại Lộc đã đi học bình thường. (CÔNG TÚ)
* Tại Tây Giang, theo số liệu thống kê của UBND huyện, bão số 4 làm 1 ngôi nhà tốc mái, 4 ngôi nhà bị ngập nước hư hỏng nặng. Mưa lũ cuốn trôi 1 xe múc, 2 con bò và 2 cây cầu tạm. Hiện, toàn huyện Tây Giang có 62 điểm sạt lở làm tắt nghẽn giao thông. Trong đó các tuyến ĐT606 (từ Azứt đi trung tâm huyện), tuyến xã A Tiêng đi xã Dang, xã Lăng đi Tr'hy, A Xan đi Ga Ry, A Xan đi Ch'ơm sạt lở nặng.
Tuyến đường xã A Tiêng đi xã Dang ngập nặng. Ảnh: Đ.HIỆP |
Đến 16 giờ ngày 13.9, các tuyến đường đi 6 xã vùng thấp đã khắc phục xong; các tuyến đường đi 4 xã vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tuyến A Xan đi Ch'ơm và A Xan đi Ga Ry do khối lượng đất đá sạt lở quá lớn.
Ngoài ra, mưa lớn đã làm 6 mặt bằng tái định cư bị sạt lở ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Hiện nay mực nước các sông đang xuống và các đập thủy điện đã bắt đầu xả lũ.
Tổng thiệt hại do bão số 4 gây ra trên địa bàn Tây Giang ước tính 1,5 tỷ đồng. (ĐÌNH HIỆP)