Thời gian qua, UBND tỉnh đã thực hiện chủ trương cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác ở những bãi vàng, xem đây là cách quản lý qua một đầu mối, tránh thất thoát tài nguyên quý. Trong đó, huyện Phước Sơn là nơi tập trung nhiều nhất các doanh nghiệp được cấp phép. Tuy nhiên, việc thiếu những chế tài và biện pháp quản lý, kiểm soát chặt đã khiến các doanh nghiệp tìm mọi kẽ hở để trốn thuế, khai gian sản lượng… khiến Nhà nước vừa mất mỏ, vừa thất thu thuế.
Việc thiếu kiểm soát sau cấp phép khai thác vàng khiến Nhà nước vừa mất khoáng sản, vừa thất thu thuế.Ảnh: T.T |
Khai thấp sản lượng
Ngoài Công ty Vàng Phước Sơn với số nợ thuế đến 334 tỷ đồng, tại huyện Phước Sơn đang có 6 giấy phép khai thác vàng được tỉnh cấp cho 5 doanh nghiệp. Qua nhiều năm hoạt động, sản lượng vàng thương phẩm khai thác được của các doanh nghiệp kê khai là thấp đến mức “bất ngờ” so với trữ lượng và công suất khai thác theo thiết kế được duyệt của giấy phép. Theo kết quả thanh tra của Thanh tra tỉnh, Công ty TNHH Nguyên Thành Đạt kê khai chỉ thu được 0,518kg vàng so với 9kg theo thiết kế, tương đương 5,76%. Công ty TNHH Nam Mai: 0,645kg/8kg, bằng 8,06%. Công ty TNHH Thành Lộc Sơn: 0,276kg/8kg, bằng 3,45%. Công ty TNHH Phước Minh ở mỏ Bãi Ruộng là 0,519kg/12,6kg, bằng 4,12% và ở mỏ Bãi Khe Tăng là 0,966kg/12kg, bằng 8,05%. Cá biệt, Công ty TNHH Thương mại và du lịch Lý Châu Giang kê khai không khai thác được gam vàng nào so với 8kg vàng trong thiết kế. Công ty này cũng khai báo là từ năm 2009 đến nay không phát sinh doanh thu khai thác vàng với lý do khai thác mà không có vàng. Thế nhưng, qua kiểm tra thì hàng năm, công ty này vẫn phát sinh chi phí sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (dùng trong khai thác vàng)!
Cùng với việc kê khai sản lượng vàng rất thấp, các công ty trên cũng khai báo doanh thu từ hoạt động khai thác vàng rất ít ỏi, như năm 2014, chỉ có Công ty Phước Minh khai lợi nhuận trước thuế hơn 160 triệu đồng, và Công ty Nam Mai lãi 7 triệu đồng, còn lại đều báo lỗ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. “Mặc dù luôn lỗ hoặc lợi nhuận thấp như vậy, nhưng các doanh nghiệp khai thác vàng vẫn nhiều lần xin gia hạn giấy phép để tiếp tục khai thác (?). Ngoài khoản phí môi trường được các doanh nghiệp nộp đầy đủ, còn lại các nghĩa vụ tài chính khác đều nộp rất lôm côm, nhiều doanh nghiệp chây ì hoặc không nộp khoản nào” - ông Đặng Phong - Chánh Thanh tra tỉnh cho biết. Cụ thể, trong năm 2015, các doanh nghiệp vẫn còn nợ hơn 200 triệu đồng trong tổng số hơn 300 triệu tiền thuế tài nguyên, nợ gần 100 triệu tiền thuế đất. Đối với khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương (huyện Phước Sơn), trong 2 năm 2014 - 2015, các doanh nghiệp vẫn còn nợ gần 1,3 tỷ đồng trong tổng số 2,6 tỷ phải nộp.
Tăng cường kiểm soát, chống thất thu
Các doanh nghiệp đều khai báo là trực tiếp thực hiện các hoạt động khai thác khoáng sản, không có ký kết hợp đồng liên doanh khai thác hoặc “bán khoán” khai thác ăn chia theo tỷ lệ. Thế nhưng, các doanh nghiệp đã tự “tố cáo” mình gian dối bởi trong báo cáo quyết toán tài chính của họ, chi phí phát sinh về tiền lương nhân công trực tiếp rất thấp, thể hiện doanh nghiệp chỉ có vài nhân công trực tiếp khai thác. Khi Thanh tra tỉnh tiến hành kiểm tra, thì các doanh nghiệp đều không cung cấp được hồ sơ sổ sách, chứng từ liên quan đến việc theo dõi sản lượng vàng thương phẩm thực tế khai thác được. Do vậy, Thanh tra tỉnh đã kết luận, số liệu sản lượng vàng thương phẩm (vàng 98%) được kê khai cực thấp trong báo cáo tài chính năm 2014 của các doanh nghiệp này là không có cơ sở. Ông Đặng Phong khẳng định: “Qua thanh tra cho thấy, các doanh nghiệp có dấu hiệu kê khai thấp sản lượng vàng thương phẩm khai thác được nhằm làm giảm khối lượng tài nguyên tính thuế, từ đó sẽ giảm được tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường phải nộp cho ngân sách. Trong khi đó các cơ quan quản lý nhà nước chưa có biện pháp kiểm soát được sản lượng vàng thực tế khai thác của doanh nghiệp. Đây chính là nguyên nhân gây thất thu ngân sách rất lớn trong hoạt động khai thác vàng tại huyện Phước Sơn”.
Các doanh nghiệp khai thấp sản lượng vàng khai thác được để trốn thuế.Ảnh: T.T |
Để ngăn chặn các doanh nghiệp lợi dụng các kẽ hở trong quản lý để né thuế, làm thất thu ngân sách, UBND tỉnh vừa đưa ra các biện pháp tăng cường quản lý về tài nguyên khoáng sản. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ hạn chế việc cấp phép mới khai thác khoáng sản và không tiếp nhận hồ sơ khi chưa có kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các trường hợp gia hạn chỉ được xem xét giải quyết khi đơn vị đã chấp hành đúng trách nhiệm, nghĩa vụ, đặc biệt về thuế phí. Thay vào đó, sẽ tập trung toàn lực cho công tác rà soát, kiểm tra để phục vụ cho việc lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động khoảng sản, kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp thua lỗ kéo dài và hoạt động cầm chừng. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nhằm kiểm soát chặt các doanh nghiệp khai thác vàng, như cơ chế đưa thuế phí theo trữ lượng và đấu thầu mỏ, không phải là khoán thuế mà khoán trữ lượng, để chống thất thoát.
TÂM THƯ