Các dự án đầu tư chậm tiến độ: Dân bức xúc, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương giải quyết

TRẦN HỮU 09/12/2022 08:14

Trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa X, cử tri của các địa phương tiếp tục phản ánh về tình trạng dự án đã đầu tư nhiều năm nhưng không triển khai, dự án chậm tiến độ, gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Dự án Khu dân cư dịch vụ - du lịch làng chài Điện Dương (thị xã Điện Bàn) tồn tại vướng mắc trong thu hồi đất. Ảnh: H.S
Dự án Khu dân cư dịch vụ - du lịch làng chài Điện Dương (thị xã Điện Bàn) tồn tại vướng mắc trong thu hồi đất. Ảnh: H.S

Thời gian qua, UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh và Sở TN-MT thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn tỉnh. Gồm các dự án Lũng Lô 5, Thiên Đường Cổ Cò, Khu nghỉ mát Malibu MGM Hội An (thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) và một số dự án tại TP.Hội An.

Chính quyền tỉnh xác định hướng giải quyết đối với từng nhóm dự án chậm tiến độ (chậm dưới 12 tháng, chậm từ 12 đến 24 tháng và chậm trên 24 tháng). Từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật và đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho chủ trương thực hiện.

Tại Điện Bàn, người dân phản ánh tình trạng các dự án sau khi thu hồi đất màu, đất ruộng, đất rừng của người dân rồi phân lô, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bán đất; kiến nghị không tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích đất còn lại là đất chỉnh trang dân cư trong các dự án như dự án Đà Thành, khu Thống Nhất, Làng Chài.

Cử tri địa phương cũng đề nghị xem xét, điều chỉnh, khớp nối và thực hiện giải phóng mặt bằng cho phù hợp vùng ranh giới giữa dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp, chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò và dự án biệt thự cao cấp ven sông Cổ Cò để tránh tình trạng đất sản xuất bị bỏ hoang, sụt lún đất, mồ mả của người dân ở khu vực này (do đất nằm ngoài ranh giới của các dự án trên nên không giải phóng mặt bằng).

Người dân ở phường Điện Dương còn cho rằng, nước thải các dự án du lịch, mương thoát nước đường ven biển, khu phố chợ Điện Dương… đều đổ ra sông Cổ Cò gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, nhưng các ngành chức năng chưa có biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.

Cử tri thị xã Điện Bàn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Ảnh: Q.T
Cử tri thị xã Điện Bàn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Ảnh: Q.T

Về giải quyết kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh yêu cầu Điện Bàn căn cứ các quy định hiện hành để làm việc với chủ đầu tư chấn chỉnh các tồn tại, bất cập về thu hồi đất. Đồng thời khẩn trương chỉ đạo hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án đảm bảo tiến độ; lập hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh giao đất để triển khai hoàn thành toàn bộ dự án; theo dõi, đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện toàn bộ dự án đúng quy hoạch được duyệt.

Về đề nghị cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh, khớp nối, thực hiện giải phóng mặt bằng cho phù hợp vùng ranh giới giữa dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp, chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò và dự án biệt thự cao cấp ven sông Cổ Cò, để tránh tình trạng đất sản xuất bị bỏ hoang, sụt lún, theo UBND tỉnh, Quy hoạch phân khu điều chỉnh (tỷ lệ 1/2.000) khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã được phê duyệt tại Quyết định số 1253 ngày 26/4/2019. Do đó, yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn quản lý, thực hiện đúng quy hoạch điều chỉnh được duyệt.

Trong khi đó, câu chuyện thu hút sự quan tâm của cử tri Núi Thành hiện nay là thực trạng xâm hại đất rừng sản xuất, phòng hộ dai dẳng, dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp. Để giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người dân, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp yêu cầu các ban quản lý rừng trực thuộc thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuần tra, truy quét trong lâm phận được giao quản lý nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.

Đồng thời, giao Sở TN-MT tiếp tục tổ chức rà soát việc giao đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân; chỉ đạo Phòng TN-MT huyện phối hợp, tiếp nhận, xử lý kịp thời các hành vi lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật do các cơ quan chức năng, các ban quản lý rừng và UBND cấp xã chuyển đến.

Cử tri huyện Hiệp Đức đề nghị kiểm tra, đánh giá tác động và có phương án bồi thường, hỗ trợ cho các trường hợp mất đất sản xuất 2 bên bờ sông vùng hạ lưu do thủy điện Sông Tranh 4 tích nước vận hành, khi xả nước làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở.

Đồng thời, giải quyết dứt điểm việc di dời các hộ dân bị ảnh hưởng do tích nước của nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 gây ngập mỗi khi mưa. Về nội dụng này, UBND tỉnh yêu cầu Hiệp Đức chỉ đạo các phòng, ban liên quan của địa phương phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra, xác định cụ thể nội dung kiến nghị số lượng các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi thủy điện Sông Tranh 4 để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh để xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Các dự án đầu tư chậm tiến độ: Dân bức xúc, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương giải quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO