Nhiều bãi rác tập trung quy mô lớn của tỉnh trong tình trạng quá tải, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường nhưng các dự án xử lý rác thải thì vẫn chậm triển khai, do loay hoay với hình thức đầu tư và người dân địa phương chưa đồng tình ủng hộ.
|
Bờ đập ngăn nước thải, nước rỉ rác tại khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 khá tạm bợ.Ảnh: TRẦN HỮU |
“Xì” túi chứa rác thải
Trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phương pháp xử lý rác thải bằng các hình thức chôn lấp, đốt và làm phân hữu cơ, nhưng chủ yếu vẫn xử lý bằng hình thức chôn lấp thủ công, gồm 3 bãi rác lớn ở xã Tam Xuân 2, Tam Nghĩa (Núi Thành), Đại Hiệp (Đại Lộc) đều do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam vận hành xử lý. Thế nhưng, do năng lực bãi chứa có hạn, các hạng mục đầu tư cũ kỹ, xuống cấp trong khi lượng rác thải đổ về rất lớn nên đang đối mặt với nguy cơ vỡ “túi” chứa rác.
Theo Sở TN&MT, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh 5 năm (2013 - 2017) gần 1 triệu tấn, nhưng tỷ lệ thu gom chỉ đạt 72%. Công ty CP Môi trường – đô thị Quảng Nam và Công ty CP Công trình công cộng Hội An chủ lực trong thu gom, xử lý rác tại 11 huyện, thị, xã, thành phố khu vực đồng bằng và trung du. Các địa phương còn lại xử lý thủ công tại chỗ. |
Bãi chứa rác thải Đại Hiệp diện tích hơn 11ha do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư, sử dụng tạm từ năm 2001, giải quyết hầu hết lượng rác thải từ các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn. Năm 2017, bãi rác này tiếp nhận, xử lý bình quân 209 tấn rác thải/ngày.
Báo cáo đầu tháng 6.2018 của Sở Tài nguyên - môi trường (TN&MT) tỉnh cho biết: hai hộc chứa rác quy mô rộng 4,2ha của bãi rác này đã quá tải.
Cụ thể, hộc rác số 1 có diện tích hơn 2,1ha đã đầy và đóng cửa hoạt động; bãi rác số 2 hiện xử lý rác thải và sắp đầy. Trong thời gian chờ đầu tư dự án lò đốt rác thải Đại Nghĩa (Đại Lộc) thay thế thì chính quyền tỉnh đồng ý cho phép gia hạn hoạt động bãi rác Đại Hiệp đến cuối năm nay.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - bà Lê Thị Tuyết Hạnh, dự án lò đốt Đại Nghĩa chắc chắn không thể hoàn thành trước cuối năm 2018 theo kế hoạch, bởi đang gặp rắc rối về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và kéo dài thời gian thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Lựa chọn hình thức đầu tư công - tư hay chỉ mỗi hình thức đầu tư dự án bãi rác tại thời điểm này vẫn chưa được UBND tỉnh quyết định cuối cùng.
Tại bãi rác Tam Xuân 2, tuy chưa quá tải như Đại Hiệp nhưng nơi đây người dân rất bất an vì hệ thống xử lý vẫn rò rỉ nước thải ra môi trường.
Với diện tích rộng 22,3ha, bãi rác này đưa vào sử dụng năm 2012 thay bãi rác Tam Đàn. Mỗi ngày tiếp nhận, xử lý bình quân 250 tấn rác thải sinh hoạt các loại ở TP.Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn và Thăng Bình.
Tham gia vận hành nhà máy này, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam phát hiện một lượng nước ngầm nhỉ ra từ vách núi phía trên đê bao chảy vào hộc rác số 1 của khu xử lý. Do vậy công ty thực hiện biện pháp đắp bờ đê ngăn tạm một phần ô chôn lấp số 1 để lưu chứa phần nước nhỉ và nước rỉ rác để điều tiết lưu lượng cho hệ thống xử lý nước thải. Nhưng nếu gặp trời mưa to, việc nước rỉ rác chảy tràn ra môi trường là khó tránh khỏi; thậm chí sẽ nguy hiểm hơn trong trường hợp vỡ bờ đê tạm.
Trắc trở nhất là dự án lò đốt rác sinh hoạt tại xã Quế Cường (Quế Sơn). Hơn 7 năm nay, dự án này vẫn án binh bất động do người dân địa phương chưa đồng tình với phương pháp xử lý rác thải. Năm 2015, UBND tỉnh điều chỉnh đầu tư dự án này để xây dựng trong vòng 3 năm (2016 - 2018). Với quy mô dự án rộng 15ha đã giải phóng mặt bằng, nhưng hiện nay còn vướng 3 hộ dân chưa thu hồi được đất. Chủ đầu tư Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam và các ban ngành đoàn thể, chính quyền huyện Quế Sơn nhiều lần tổ chức đối thoại nhưng người dân vẫn cản trở việc thi công dự án. Chính vì vậy mà chủ đầu tư đã kiến nghị chính quyền tỉnh xin rút khỏi việc xây dựng dự án này.
Sẽ bỏ hình thức chôn lấp
Để nâng cao năng lực xử lý rác thải, dự án cải tạo, nâng cấp các hạng mục về môi trường của khu chứa và xử lý rác thải Tam Xuân 2 đang trong giai đoạn thi công.
Một dự án khác là lò đốt rác thải Tam Xuân 2 với công suất 245 tấn rác thải/ngày đang lập các thủ tục đầu tư nhưng khảo sát thực tế vị trí triển khai dự án có sự chồng lấn diện tích đất với khu quy hoạch nghĩa trang Tam Xuân 2 và quy hoạch nông thôn mới. Kiểm tra thực địa hệ thống xử lý rác thải Tam Xuân 2 vào ngày 7.6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và các ngành chức năng ghi nhận có lượng nước nhỉ khá lớn ứ đọng trong khu xử lý, nếu không đầu tư kịp thời các hạng mục cần thiết thì nguy cơ ô nhiễm sẽ rất cao trong mùa mưa đến.
Các khu chứa rác thải sinh hoạt của tỉnh trong tình trạng quá tải. |
Tại cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn về thực hiện các dự án xử lý rác thải tập trung do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 8.6, các ngành liên quan đã nhận diện vướng mắc khi đầu tư 3 bãi chứa rác như thời gian thực hiện dự án PPP mất nhiều thời gian và việc bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài. Một số địa phương người dân chưa đồng thuận; vị trí triển khai các khu xử lý rác thải có sự chồng lấn diện tích đất quy hoạch thực hiện những mục đích khác.
Phó Giám đốc Sở TN&MT – bà Lê Thị Tuyết Hạnh cho rằng, tỉnh cần sớm điều chỉnh quy hoạch những địa điểm chồng lấn; lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp, đồng thời xem xét cho phép rút ngắn thời gian thực hiện các bước quy trình trong giải phóng mặt bằng. “Đề xuất UBND tỉnh cho phép vận chuyển rác thải của huyện Duy Xuyên về khu xử lý rác thải xã Tam Nghĩa xử lý để giảm tải cho bãi rác Đại Hiệp nhằm kéo dài thời gian hoạt động đến cuối năm 2019 khi hoàn thành công trình lò đốt rác thải xã Đại Nghĩa. Ngoài ra, thống nhất điều chỉnh quy hoạch đất chồng lấn” - bà Hạnh kiến nghị.
Riêng dự án lò đốt xã Quế Cường, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, dự án phải tiếp tục triển khai vì chỉ còn vướng có 3 hộ dân trong số 22 hộ dân. Để tháo gỡ mặt bằng, cần thiết điều chỉnh lại tuyến đường vào dự án. Đi đôi với công tác tuyên truyền vận động để người dân chấp hành chủ trương, tỉnh cũng cần có cơ chế hỗ trợ trước mắt lẫn lâu dài về chi phí ảnh hưởng bởi môi trường cho người dân tại khu vực có khu xử lý rác thải.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu giao Sở TN&MT, phối hợp với Sở Kế hoạch - đầu tư, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cùng bàn chọn hình thức đầu tư để tham mưu UBND tỉnh quyết định. Cơ quan quản lý môi trường phải kiểm soát được quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch kịp thời và mang tính khả thi. Tính toán phương án, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền vận động để người dân đồng thuận cao. Với bãi rác Tam Xuân 2, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới nhưng phải lấy ý kiến nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng. Phấn đấu đến năm 2020, các dự án, bãi rác lớn của tỉnh phải thay thế hình thức chôn lấp rác thải thủ công bằng công nghệ khác đảm bảo môi trường.
TRẦN HỮU