Tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt, đặc biệt đối với nguồn vốn kéo dài từ năm 2022 sang 2023; chưa kể, hoàn thành giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng là bài toán khó đối với ngành y tế.
Chỉ mới giải ngân được hơn 1%
Đại diện Sở KH&ĐT cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở Y tế chỉ mới thực hiện giải ngân được hơn 1% tổng vốn đầu tư công. Cụ thể, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong năm 2023 dành cho ngành y tế là hơn 28,1 tỷ đồng; trong đó kế hoạch vốn năm 2023 là 8,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài hơn 20 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh khoảng 19 tỷ đồng và hơn 722 triệu đồng còn lại là nguồn vốn ngân sách từ trung ương. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Y tế, tổng số vốn sở này đã giải ngân đến ngày 31/5 mới chỉ đạt 360,5 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương và phân bổ dự toán sửa chữa cho 88 hạng mục công trình của 30 đơn vị.
Riêng năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt 9 hạng mục của 9 đơn vị, dự toán hơn 43,7 tỷ đồng theo Quyết định số 3371 ngày 9/12/2022 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023.
Tuy nhiên, về tiến độ thực hiện đến hết quý II/năm 2023, mới chỉ có 14 hạng mục, công trình quyết toán hoàn thành. Còn 32 hạng mục, công trình đang hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán.
Ngoài ra, 28 hạng mục còn lại năm 2022 kéo dài sang 2023 đang thực hiện theo đúng tiến độ. Đối với các hạng mục được phê duyệt năm 2023 có 7/9 hạng mục đang tiến hành lựa chọn nhà thầu...
Có quá nhiều lý do dẫn đến chậm giải ngân. Mới đây nhất, với lý do “đơn vị chưa có kinh nghiệm trong hoạt động đấu thầu”, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Thăng Bình đã hủy gói thầu “Thi công sửa chữa, bảo trì công trình và lắp đặt thiết bị xây dựng” với kinh phí khoảng 7 tỷ đồng.
Đại diện TTYT huyện Thăng Bình cho biết, dự án nói trên đã được Sở Tài chính thu hồi số tiền đã chuyển về đơn vị. Dự án hiện nay được UBND tỉnh giao Sở Y tế tiếp tục kiểm tra, rà soát năng lực của TTYT huyện Thăng Bình cũng như đề xuất đơn vị khác thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư dự án này. UBND tỉnh cho rằng việc hủy thầu nói trên đã làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện và hiệu quả đầu tư dự án.
Chạy đua giải ngân
Ngày 21/7 vừa qua, Bộ KH&ĐT yêu cầu Quảng Nam phải thực hiện dứt điểm các dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, có 2 dự án đầu tư công nhóm B sử dụng vốn ngân sách trung ương, với tổng mức đầu tư 296 tỷ đồng được phê duyệt tại Quảng Nam.
Bao gồm dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 TTYT tuyến huyện (tại các huyện Núi Thành, Đại Lộc, Nam Giang, Quế Sơn, Tiên Phước), với tổng mức đầu tư dự kiến 92 tỷ đồng và dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã trên địa bàn 16 huyện, thị xã, thành phố, với tổng mức đầu tư dự kiến 204 tỷ đồng.
Ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, Bộ KH&ĐT vẫn yêu cầu Quảng Nam phải dứt điểm triển khai các dự án trên trong năm 2023. Bộ KH&ĐT cho rằng nếu không sử dụng hết nguồn có thể điều chuyển nguồn trung ương qua các chương trình khác. Nhưng bộ lại không có ý kiến rằng, việc điều chuyển nguồn vốn từ 2023 qua 2024 có được điều chuyển lại cho chương trình hay không.
“Nếu không được điều chuyển lại thì việc điều chuyển đi và mất cũng không có ý nghĩa. Do vậy, Sở KH&ĐT đang soạn thảo văn bản để hỏi ý kiến Bộ KH&ĐT về việc điều chuyển nguồn vốn của trung ương nhưng chúng tôi xác định rất khó.
Riêng chương trình này, hằng tháng Bộ KH&ĐT yêu cầu phải báo cáo tiến độ giải ngân. Cho nên việc có gia hạn hay không, hoặc điều chuyển vốn từ 2023 qua 2024 thì hiện trung ương chưa có ý kiến. Do đó, Quảng Nam vẫn đang nỗ lực hết sức để cố gắng phải hoàn thành trong năm này” - ông Đoàn Ngọc Quang nói.
HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 15 (khóa X) đã thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, trong đó có điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn cho một số dự án và giảm đến cả các dự án đã phê duyệt thiết kế, dự toán. Rất nhiều dự án quan trọng trong lĩnh vực y tế bị dừng.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc, dù đã được phê duyệt chủ trương với dự toán kinh phí khoảng 25 tỷ đồng nhưng vẫn bị dừng lại. Ông Đoàn Ngọc Quang cho rằng, HĐND tỉnh cũng đã thống nhất nếu có nguồn sẽ vẫn tiếp tục với các dự án quan trọng hoặc điều chỉnh sang giai đoạn 2026 - 2030.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, Sở Y tế cùng với chủ đầu tư đối với các hạng mục chưa tổ chức được nhà thầu khẩn trương hoàn chỉnh, bảo đảm kế hoạch giải ngân trong năm.
Về lâu dài, ông Tuấn yêu cầu thành lập tổ công tác giữa Sở Y tế, Sở KH&ĐT để khảo sát các cơ sở y tế công lập, trên cơ sở đi đến thống nhất việc sửa chữa xây mới để lập kế hoạch trình UBND tỉnh, tránh tình trạng phải điều chỉnh dự án như đã xảy ra.