Các dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Khó giải ngân hết vốn

TRỊNH DŨNG 10/07/2023 05:20

Chưa có công trình nào được khởi công xây dựng và chủ đầu tư lại xin điều chỉnh dự án từ xây mới sang nâng cấp, cải tạo, mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã (thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ). “Thực trạng” trên khiến dự án này có thêm nhiều nguy cơ không thể giải ngân hết vốn đầu tư, khi thời hạn kết thúc vào 31/12/2023.

Khảo sát, kiểm tra của lãnh đạo UBND tỉnh, chủ đầu tư tại Trạm Y tế xã Bình Minh (Thăng Bình). Ảnh: T.D
Khảo sát, kiểm tra của lãnh đạo UBND tỉnh, chủ đầu tư tại Trạm Y tế xã Bình Minh (Thăng Bình). Ảnh: T.D

Xin điều chỉnh dự án

Ngày 22/6/2023, UBND tỉnh trình Thường trực HĐND xem xét thống nhất điều chỉnh từ đầu tư xây dựng mới các trạm y tế xã Bình Minh, Bình Hải và Bình Nguyên (Thăng Bình) sang nâng cấp, cải tạo và cho ý kiến về thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư (điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư hoặc thống nhất điều chỉnh phê duyệt dự án).

Tại sao lại có sự điều chỉnh này, khi chủ đầu tư đã cam kết sẽ thực hiện đúng theo quyết định chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh ngày 29/8/2022 và quyết định phê duyệt dự án ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh?

Theo các quyết định này, ba trạm y tế trên thuộc trong số 15 trạm y tế sẽ được xây mới (không phải nâng cấp, cải tạo) cùng với việc nâng cấp, cải tạo, đầu tư trang thiết bị theo dự án “Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắn trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã Quảng Nam” từ nguồn ngân sách trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong 2 năm 2022 - 2023.

Ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam nói việc thẩm định kỹ lưỡng, áp dụng suất vốn đầu tư hiện hành, tiêu chuẩn diện tích, nên tổng mức đầu tư được phê duyệt của dự án đã giảm một phần vốn, chỉ hơn 196,9 tỷ đồng thay vì 204 tỷ đồng.

Sau các cuộc kiểm tra thực tế, 3 trạm y tế trên vẫn đáp ứng cho việc khai thác, sử dụng, không thể đập đi, xây mới sẽ lãng phí ngân sách nhà nước. UBND tỉnh và các ngành đã thống nhất đề xuất điều chỉnh từ đầu tư xây mới sang nâng cấp, cải tạo cho 3 trạm y tế này.

Sự điều chỉnh này sẽ không làm tăng tổng mức đầu tư đã được duyệt. Một khi được cho phép chủ trương điều chỉnh từ xây mới sang sửa chữa thì sẽ tính toán lại giá trị đầu tư, trình điều chỉnh sau.

Sự thay đổi, điều chỉnh này liệu có bất thường và đúng luật? Ông Nguyễn Công Thanh – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nói, lời đề nghị thiếu sức thuyết phục. Tại sao khi báo cáo danh mục đầu tư 76 trạm y tế tuyến xã thì chủ đầu tư chắc chắn sẽ không thể điều chỉnh, nhưng bây giờ thay đổi? Xây mới hay sửa không thay đổi tổng mức đầu tư thì làm sao chấp nhận được. Kiểm toán hỏi thì biết trả lời làm sao nếu thông qua?

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nói dự án đã được phê duyệt. Nếu điều chỉnh lên điều chỉnh xuống nhiều lần thì làm sao có thể hoàn thành dự án và giải ngân đúng tiến độ? Nếu không quyết liệt thực hiện, không làm được thì trả tiền lại cho Trung ương. Không thể khác được vì phải tính đến hiệu quả kinh tế, xã hội từ tiền đầu tư của Nhà nước, tiền thuế của dân.

Khó hoàn thành dự án

Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh sự điều chỉnh từ xây mới sang sửa chữa của 3 trạm y tế không sát với khái toán kinh phí. Tổng mức đầu tư so với kinh phí giao đã giảm, nên không thể được giảm thêm nhiều. Sự vụ này đang trình Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến.

Khảo sát, kiểm tra của lãnh đạo UBND tỉnh, chủ đầu tư tại Trạm Y tế xã Bình Minh (Thăng Bình). Ảnh: T.D
Khảo sát, kiểm tra của lãnh đạo UBND tỉnh, chủ đầu tư tại Trạm Y tế xã Bình Minh (Thăng Bình). Ảnh: T.D

Việc xin điều chỉnh dự án từ đầu tư xây mới 3 trạm y tế sang nâng cấp, cải tạo chưa được Thường trực HĐND tỉnh ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, cho dù Thường trực HĐND tỉnh cho phép điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư hoặc thống nhất điều chỉnh phê duyệt dự án thì nguy cơ không thể hoàn thành dự án kịp tiến độ, kéo theo không thể giải ngân hết vốn của dự án này.

Theo ông Nguyễn Đức, nếu điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh phê duyệt dự án sẽ kéo theo hàng loạt rắc rối vì hồ sơ dự án buộc phải làm lại theo hướng thay đổi, kéo dài thời gian... “Năm nay sẽ khó có khả năng hoàn thành dự án để có thể thụ hưởng hết số vốn của dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo, mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế như đã phê duyệt” - ông Đức nói

Có thể thấy ngay sự phức tạp, khó khăn từ hồ sơ, thủ tục của dự án chỉ triển khai trong vòng 2 năm (2022 & 2023), nhưng Chính phủ chính thức thông báo danh mục và mức vốn đầu tư cho các dự án y tế tại Quảng Nam vào ngày 1/8/2022. Một cuộc chạy đua, từ việc hoàn thành, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư... theo đúng các mốc thời gian cụ thể của dự án đầy khó khăn.

Ông Huỳnh Ngọc Bá - Phó Giám đốc Sở Xây dựng (người cùng chủ đầu tư, các ngành liên quan tham dự nhiều phiên họp, nhiều cuộc khảo sát) đã lên tiếng “kêu gọi” chủ đầu tư nên làm theo chủ trương đầu tư đã được duyệt, vướng đâu gỡ đó, chứ xin điều chỉnh sẽ không kịp thời gian. Nếu cứ tiếp tục xin điều chỉnh, dự án này có thể sẽ không làm nổi.

Không ít lời cảnh báo đã được đưa ra, việc xin điều chuyển lần này như “giọt nước tràn ly”. Nguy cơ không thể giải ngân hết vốn là điều dễ xảy ra khi hiện tại dự án mới chỉ trong giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, không có công trình nào được khởi công.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Các dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Khó giải ngân hết vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO