Nhiều danh hiệu thời trang nổi tiếng cùng nhau hành động bảo vệ môi trường trong bối cảnh ngành công nghiệp này được xem là “thủ phạm” gây ô nhiễm nguồn nước và không khí.
Bộ sưu tập thời trang được làm từ vải cotton hữu cơ và da tổng hợp thân thiện với môi trường của nữ thiết kế nổi tiếng Stella McCartney. Ảnh: AP |
Thời trang và chăn nuôi cùng nằm trong top 5 ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nặng nề nhất về mức độ phát thải khí nhà kính. Trang web Ecowatch cho hay, ngành thời trang gây lãng phí nguyên liệu do lựa chọn tiêu dùng và làm gia tăng lượng nhựa trong biển bởi polyester (sợi tổng hợp) là loại vải được sử dụng phổ biến nhất. Ngoài ra, những hóa chất độc hại như thuốc nhuộm, thuốc tẩy, thuốc màu... lẫn vào bãi rác nhưng không qua xử lý sẽ ngấm vào và gây ô nhiễm nguồn nước. Nếu đốt trong lò thiêu, những hóa chất đó sẽ làm ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Mới đây, Chanel - hãng thời trang nổi tiếng quốc tế của Pháp tuyên bố ngừng sử dụng lông và da động vật như cá sấu, rắn, thằn lằn trong các bộ sưu tập thời trang của mình. Động thái này nhằm hưởng ứng chiến dịch của tổ chức bảo vệ động vật PETA: “Động vật không phải là thứ để chúng ta mặc lên người”. Giám đốc sáng tạo của thương hiệu Chanel - Karl Lagerfeld chia sẻ: “Chúng tôi làm điều đó vì bảo vệ động vật và môi trường”.
Từ lâu, nhiều thương hiệu thời trang như Vivienne Westwood, Calvin Klein và Ralph Lauren, ASOS, Nike, Nine West, Puma đã thôi sử dụng chất liệu da, lông thú trong các bộ sưu tập. Còn hãng thời trang sang trọng của Anh là Burberry cấm tiêu hủy hàng hóa không bán được và cấm sử dụng lông thú lên sản phẩm. Giám đốc điều hành Burberry - Marco Gobbetti nói, sang trọng và hiện đại là phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Việc sử dụng những nguyên liệu thân thiện với môi trường rất quan trọng, nhất là khi nhiệt độ trái đất hiện nóng dần lên và thảm họa thiên tai ngày càng thường xuyên hơn.
Năm ngoái, Gucci (Italia) - một biểu tượng quyền lực của thời trang thế giới cam kết không sử dụng chồn, chó sói, gấu trúc, cáo hoặc bất kỳ động vật nào khác được nhân giống hoặc bắt để lấy lông. Hay hãng thời trang Stella McCartney do nữ thiết kế người Anh - Stella McCartney sáng lập vào năm 2001 có thể được xem là thương hiệu thời trang đi tiên phong trong việc chọn lựa cho mình một hướng đi bền vững. Là một nhà bảo vệ động vật - người ăn chay, Stella McCartney không bao giờ sử dụng các chất liệu từ động vật để làm nên các thiết kế của mình, thay vào đó là những sản phẩm làm từ len, lụa và các loại vải từ thiên nhiên, thân thiện môi trường. Stella McCartney nói với hãng CNN: “Lông thú thật là lỗi thời. Nó không liên quan, không gợi cảm, không thời trang và không tuyệt”.
H&M của Thụy Điển với gần 4.000 cửa hàng thời trang trên khắp thế giới đưa ra hơn 12.000 mẫu quần áo mỗi năm. Tuy nhiên, H&M đang cố gắng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu để tối ưu hóa chuỗi cung ứng của mình. Một trong những mục tiêu trên là giảm chất thải dệt, không sản xuất hàng vượt quá mức so với đơn đặt hàng.
Tại hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra ở Ba Lan từ ngày 2 - 14.12 vừa qua, hơn 40 công ty và tổ chức thời trang lớn, trong đó có H&M, Puma của Đức, Burberry... thống nhất cùng chống biến đổi khí hậu thông qua cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo đó, các bên ký kết cho biết Hiến chương ngành thời trang về hành động chống biến đổi khí hậu đặt mục tiêu ngành sẽ có lượng thải khí nhà kính bằng “0” trước năm 2050.
KIM OANH