Các mô hình thí điểm thích ứng với biến đổi khí hậu: Cần nhân rộng

TRẦN HỮU 15/09/2014 08:22

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở tỉnh Quảng Nam diễn ra cuối tuần qua, nhiều ý kiến của nhà tài trợ, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước đều đánh giá sự hữu ích trong công năng sử dụng các dự án BĐKH ở các địa phương.

Thiếu vốn

Những năm gần đây, các hình thái BĐKH chủ yếu xuất hiện trên địa bàn tỉnh là lũ lụt, bão có cường độ mạnh, hiện tượng xâm nhập mặn, nhiệt độ tăng, mưa thất thường… Vì thế, Quảng Nam và Bến Tre là 2 tỉnh được Trung ương ưu tiên chọn làm thí điểm của cả nước để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH. Từ nguồn tài trợ của Chính phủ Đan Mạch và các nhà tài trợ khác, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư 10 công trình thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, thực tế nhiều nơi vẫn chưa có nguồn lực để thực thi các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư cho biết nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình BĐKH là rất lớn, trong khi các biện pháp công trình chỉ mới dừng lại ở… mô hình thí điểm.

Khôi phục rừng ngập mặn được xem là biện pháp thích ứng với BĐKH. Ảnh: T.H
Khôi phục rừng ngập mặn được xem là biện pháp thích ứng với BĐKH. Ảnh: T.H

BĐKH ngày càng khốc liệt đang đe dọa nghiêm trọng phố cổ Hội An. Chính quyền Hội An đã cầu cứu khẩn cấp lên Bộ Tài nguyên – môi trường nhưng đến nay vẫn chưa bố trí vốn xây kè phố cổ. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Tài nguyên – môi trường TP.Hội An cho biết, địa phương đã kêu cứu khẩn cấp bố trí vốn xây bờ kè từ nhiều năm trước. “Trong các dự án cấp bách, tôi đề nghị cần ưu tiên bố trí nguồn vốn và đầu tư kè phố cổ càng sớm càng tốt, vốn phải được bố trí chậm nhất trong năm 2015; nếu không thành phố sẽ không chịu trách nhiệm nếu xảy ra hậu quả xấu” – ông Hiền nói.

Ngoài kinh phí được hỗ trợ từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH, các địa phương trong tỉnh cần hàng nghìn tỷ đồng cho các công trình đầu tư cấp thiết để ứng phó với BĐKH giai đoạn 2014 - 2015. Trong đó cấp bách nhất là dự án kè bảo vệ phố cổ Hội An (đoạn từ Chùa Cầu đến cầu Cẩm Nam); nâng cấp, củng cố, bảo vệ cấp bách tuyến đê cửa sông, cửa biển, chống nước biển dâng cao tại xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), các xã Tam Hải, Tam Tiến (Núi Thành), Bình Nam (Thăng Bình); kè sạt lở sông Bà Rén, sông Ly Ly; dự án hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng để thích ứng với BĐKH… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng khẳng định, nhiều công trình nằm trong nguy cơ báo động mỏi mòn nằm chờ vốn. Do vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế bố trí vốn năm 2015, hỗ trợ cán bộ tư vấn chương trình…

Nhân rộng mô hình điểm

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, chính quyền các địa phương, các cấp, ngành phải lồng ghép công tác ứng phó với BĐKH vào việc quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; cần nghiên cứu tham khảo mô hình hỗ trợ xây nhà ở chống chịu được bão dữ cho người nghèo như ở TP.Đà Nẵng. Tỉnh tiếp tục kêu gọi Trung ương, các tổ chức quốc tế hỗ trợ vốn đầu tư các công trình thích ứng BĐKH.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên – môi trường, các dự án thí điểm về BĐKH đã đem lại kết quả mong đợi. Trong đó, các công trình trạm y tế kết hợp với nhà đa năng không những là nơi trú ẩn an toàn cho người dân tại các xã vùng ven sông ven biển mà còn là nơi để sơ cấp cứu lúc cần thiết. Ông Trương Đức Trí – Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH (thuộc Bộ Tài nguyên – môi trường) cho rằng, nhiệm vụ trong năm 2015, tỉnh cần cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; đặc biệt là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực có xét đến yếu tố BĐKH. Thêm vào đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Đối với vùng ven biển, ưu tiên trồng rừng và phục hồi rừng ngập mặn ven biển tạo đai rừng chắn sóng, chống sạt lở bờ biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa. “Ngoài việc nhân rộng các mô hình thí điểm, các địa phương trong tỉnh cũng cần thử nghiệm các giống lúa, các loài thủy sản có khả năng thích ứng với độ mặn cao; nghiên cứu xây dựng bộ công cụ cảnh báo sớm nguy cơ mất an ninh lương thực; nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng dân cư tại những vùng dễ bị tổn thương do BĐKH…” – ông Trí nói.

Các tỉnh duyên hải lân cận cũng chia sẻ một số mô hình thí điểm điển hình khi ứng phó với thiên tai. Theo ông Đinh Quang Cường – cán bộ Văn phòng BĐKH TP.Đà Nẵng, kinh nghiệm của địa phương là nguồn vốn của chương trình đều ưu tiên hỗ trợ cho người nghèo xây nhà kiên cố, có khả năng chịu đựng được bão trên cấp 10. Cơn bão năm 2013 có 244 ngôi nhà trên địa bàn thành phố được hỗ trợ xây dựng từ vốn BĐKH  đều là nơi tránh bão an toàn. TP.Đà Nẵng đang nghiên cứu mô hình “Doanh nghiệp với BĐKH” nhằm kêu gọi nguồn lực đầu tư quy mô hơn. Trong khi đó, kinh nghiệm đối phó với BĐKH tại Quảng Ngãi là xây dựng kế hoạch trồng rừng ven biển dài lâu bằng cách thu hút  người dân tham gia. Xem xét yếu tố nước biển dâng và BĐKH trong quy hoạch các khu đô thị. Địa phương đang tính toán lồng ghép các nguồn vốn xây dựng các khu tái định cư cho người dân ở khu vực dễ bị tổn thương. Còn theo Sở Tài nguyên – môi trường Quảng Nam, giai đoạn 2014 - 2015, các mô hình BĐKH sẽ tiếp tục được chọn lựa địa điểm phù hợp, khảo sát địa chất, địa hình kỹ trước khi thực hiện dự án. Đồng thời đánh giá toàn diện tác động môi trường vì có nhiều mối lo ngại về vấn đề vệ sinh môi trường và ô nhiễm nguồn nước đối với người dân sống chung quanh khu vực dự án. Trung ương sớm phân bổ nguồn vốn cho các công trình xuống cấp như kè phố cổ Hội An, kè biển Cửa Đại; tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây nhà tránh bão cho dân, trồng rừng ngập mặn. Trước khi triển khai dự án, nguyên tắc chung là tổ chức tham vấn cộng đồng dân cư, thu thập dữ liệu thông tin đầy đủ, xây dựng phương pháp giám sát các mô hình điểm hiệu quả.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Các mô hình thí điểm thích ứng với biến đổi khí hậu: Cần nhân rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO