Cuối năm, dịp tết là cao điểm mùa tiêu dùng. Tuy vậy, trước xu hướng dè sẻn chi tiêu của người dân, rất cần các giải pháp kích cầu tiêu dùng phù hợp.
Khuyến mãi để kích thích mua sắm
Xu hướng dè sẻn chi tiêu đã hình thành theo thói quen thắt chặt hầu bao của người tiêu dùng. Ở siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn Tam Kỳ, chị Huỳnh Thanh Mai (phường Hòa Thuận, Tam Kỳ) tìm hiểu kỹ giá cả, chất lượng một số nhãn hàng nồi cơm điện. Nhận thấy giá các loại nồi tại siêu thị rẻ nhờ khuyến mãi đến 30% nên cân nhắc mua.
“Thu nhập của tôi phụ thuộc vào doanh thu bán các loại dược liệu cho một công ty trên địa bàn. Bán hàng không đạt chỉ tiêu nên tôi bắt buộc phải tính toán rất kỹ mới mua các loại hàng hóa tiêu dùng” - chị Mai nói.
Theo bà Vũ Thị Thanh Nga - Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ, người tiêu dùng tập trung mua sắm thực phẩm thiết yếu. Các ngành hàng gia dụng, hàng may mặc, điện máy có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Chị Đào Thị Ly - tiểu thương bán hàng giày dép ở chợ Tam Kỳ nói: “Mong sức mua của người tiêu dùng tăng lên. Cuối năm rồi mà hàng hóa tiêu thụ rất chậm”.
Đại diện các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini trên địa bàn TP.Tam Kỳ cùng cho rằng sức mua hàng hóa của người tiêu dùng cuối năm nay không như kỳ vọng.
Các hệ thống bán lẻ đã sắp xếp lại kệ hàng cho gọn gàng, khoa học, thu hút người tiêu dùng hơn. Hiện nay, các siêu thị đã thiết kế chương trình ưu đãi đa dạng, phong phú, sát với nhu cầu thực tế của khách hàng, trong đó ưu tiên quyền lợi cho nhóm khách hàng thành viên.
Thúc đẩy tiêu dùng hiệu quả hơn
Ông Lê Vũ Thương - Giám đốc Sở Công Thương cho hay, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10 đạt 4.127 tỷ đồng (chiếm 70,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng). Doanh thu nhóm gỗ và vật liệu xây dựng có mức giảm sâu đến 8,9%, nhóm nhiên liệu giảm nhẹ 1,2%.
Tính chung 10 tháng của năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 60.490 tỷ đồng. Đáng mừng là có một số hàng hóa tiêu thụ khá mạnh như xăng dầu, lương thực, thực phẩm.
Đáng chú ý trong bức tranh mua sắm, bán lẻ, tiêu dùng Quảng Nam trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm là tiêu dùng nội địa phục hồi chưa cao.
Điều đó đã phản ánh khó khăn của người tiêu dùng khi việc làm, thu nhập vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tác động xấu của đại dịch COVID-19. Khi phục hồi kinh tế chưa đạt kỳ vọng thì vẫn còn tình trạng người dân chưa rộng mở chi tiêu, tiết kiệm và không dám mua sắm các khoản có giá trị lớn.
Để kích cầu tiêu dùng, ông Lê Vũ Thương cho biết, ngành công thương sẽ hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở đưa hàng Việt về nông thôn, nhất là vùng cao, biên giới, hải đảo để tạo cơ hội cho người dân rộng mở mua sắm hàng nội địa.
Cùng với triển khai các chương trình khuyến mãi quốc gia, ngành công thương tỉnh nâng cao vai trò các cơ quan xúc tiến thương mại cùng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gia tăng tham gia các hội chợ, lễ hội cuối năm, kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa để kích thích tiêu dùng, bán hàng sâu rộng hơn.
Đặc biệt, ngành công thương tỉnh thành lập đoàn giao dịch xúc tiến thương mại tại Pháp, Bỉ và Hà Lan; đưa các sản phẩm OCOP, hàng công nghiệp nông thôn của tỉnh tham gia triển lãm, trưng bày, quảng bá và kết nối xuất khẩu.
Được biết thời gian qua, UBND huyện Thăng Bình yêu cầu Phòng Kinh tế - hạ tầng đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sản xuất, nhất là đối với các mặt hàng OCOP, hàng công nghiệp nông thôn.
Ở TP.Hội An, Phòng Kinh tế khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở tăng quy mô sản xuất kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số và kêu gọi người tiêu dùng hưởng ứng sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam” để khơi thông thị trường hàng hóa cuối năm, dịp tết.