(QNO) - Từ ngày 6 đến 18/11/2022, các nhà lãnh đạo thế giới và nhân vật chủ chốt khác tựu về khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh của Ai Cập để tham gia hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27).
Theo các nhà phân tích, COP-27 diễn ra trong bối cảnh thế giới vẫn chưa hành động đủ để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
1. Báo cáo mới nhất của Liên hiệp quốc cho biết, các quốc gia đang giảm dần lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính, song diễn ra không đủ nhanh để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này, trái ngược với kỳ vọng.
Trước thềm COP27, Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP) dự báo nhân loại đang đi đến một thế giới với nhiệt độ sẽ cao hơn ít nhất 2,6 độ C, điều này sẽ gây ra những hậu quả tàn khốc.
2. Những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến và dai dẳng có liên quan trực tiếp đến lượng khí thải CO2.
Trong vòng 12 tháng qua, thế giới chứng kiến Pakistan bị lũ lụt tàn phá nặng nề khiến hơn 1.500 người thiệt mạng, Philippines lại hứng chịu những cơn bão cướp đi sinh mạng của hàng trăm người trong khi Trung Quốc và nhiều quốc gia ở châu Phi oằn mình chống chọi đợt hạn hán lịch sử.
Hàn Quốc ghi lại các trận mưa kỷ lục, châu Âu hứng chịu mùa hè nóng nhất trong 500 năm khiến nhiều người tử vong, cháy rừng gây nghiệm trọng rồi bão Ian tàn phá miền đông nước Mỹ.
3. Năm 2009, các quốc gia giàu có vốn xả thải hàng đầu thế giới cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2020 để giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành mục tiêu và bị trì hoãn đến năm 2023.
Vì thế, cuộc tranh luận về việc bồi thường thiệt hại biến đổi khí hậu là một cuộc tranh luận gay gắt, có khả năng lần đầu tiên nằm trong chương trình nghị sự chính thức như tại COP27.
Châu Phi chỉ đóng góp khoảng 4% lượng khí thải toàn cầu nhưng vẫn cảm nhận được tác động của sự nóng lên của hành tinh. Các cộng đồng nông thôn nói riêng đang ngày càng phải gánh chịu sự thay đổi của các hình thái thời tiết, hạn hán và lũ lụt khắc nghiệt.
4. Bảo vệ rừng sẽ được chú trọng. Theo báo cáo đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu của Tổ chức Lương thực và nông Liên hiệp quốc (FAO), nạn phá rừng trên toàn cầu giảm 6,3% vào năm 2021, nhưng không đạt được các mục tiêu đề ra trước đó.
Tại COP26, 145 quốc gia ký cam kết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030 như một công cụ chống biến đổi khí hậu.
Điều đó có nghĩa là phải giảm 10% nạn phá rừng hằng năm và phục hồi 350 triệu ha đất rừng bởi rừng là công cụ quan trọng trong làm chậm sự khởi phát của biến đổi khí hậu khi hấp thụ gần 1/3 tổng lượng khí thải CO2.
5. Singapore sẽ đưa ra một kế hoạch khí hậu với mục tiêu đạt tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thay vì nửa sau thế kỷ như cam kết trước đó, phù hợp với hơn 130 quốc gia khác cam kết như vậy.
Các mục tiêu đó phụ thuộc vào những tiến bộ công nghệ cũng như khả năng kinh tế của các công nghệ carbon thấp như thu giữ, sử dụng và lưu trữ hydro và carbon.
Ngày 2/11/2022, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới và cộng đồng quốc tế thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu, theo thỏa thuận Paris năm 2015, hướng tới mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C từ nay đến năm 2100.