(QNO) - Trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) ưu tiên tập trung vào một nền công nghiệp sử dụng tri thức và công nghệ để tạo sự đột phá.
Tổng thống Indonesia (trái) trong buổi lễ phát động “Making Indonesia 4.0”. Ảnh: theinsiderstories |
Singapore là một trong những quốc gia đi đầu ASEAN trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Năm 2014, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chính thức phát động sáng kiến để đảo quốc sư tử trở thành quốc gia thông minh (smart nation) đầu tiên trên thế giới. Chiến lược này xuất phát từ những vấn đề về dân số già, dân số đô thị ngày càng tăng, cơ hội phát triển của Singapore.
Quốc gia thông minh Singapore được đầu tư hàng tỷ USD để khai thác sức mạnh nguồn nhân lực, số hóa nhằm cải thiện cuộc sống của người dân, tạo ra cơ hội kinh tế và xây dựng một cộng đồng gần gũi hơn. Nhà lãnh đạo Singapore khẳng định, một quốc gia thông minh được xây dựng không phải duy nhất bởi Chính phủ mà tất cả công dân Singapore, các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động tại Singapore đều nỗ lực mới đem lại thành công cho đất nước.
Vào năm ngoái, Chính phủ Thái Lan công bố kế hoạch phát triển nền kinh tế số, còn gọi là Thái Lan 4.0, vận dụng sáng tạo, đổi mới, kiến thức, công nghệ, khoa học. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha giải thích, Thái Lan 4.0 có 3 yếu tố, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong nền kinh tế và sản xuất của đất nước. Đó là trở thành quốc quốc gia có thu nhập cao hơn, cụ thể là thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tiến tới một xã hội hài hòa như giảm chênh lệch thu nhập, tăng trưởng và phát triển bền vững.
Theo đó, Chính phủ Thái tập trung cải thiện giáo dục và thiết lập các chương trình phát triển kỹ năng để giúp người lao động tham gia một nền kinh tế tri thức; phát triển các ngành công nghiệp trong tương lai, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển; phát triển một hệ sinh thái sôi động để thu hút đầu tư; thiết lập các trung tâm đổi mới ở tất cả 76 tỉnh và thúc đẩy sự đổi mới của Thái Lan thông qua khu vực ASEAN cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Kế hoạch Thái Lan 4.0 được đưa ra đúng thời điểm cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ trên khắp thế giới. |
Vào tháng 4.2018, Tổng thống Indonesia Joko Widodo công bố kế hoạch Making Indonesia 4.0 nhằm tạo thêm việc làm mới và thúc đẩy tăng tưởng kinh tế tại nước này. Với lộ trình này, Tổng thống Indonesia bày tỏ quyết tâm đưa nền kinh tế lớn nhất khu vực ASEAN hiện nay lọt top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Making Indonesia 4.0 trước mắt tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên: thực phẩm và đồ uống, ô tô, dệt may, điện tử, hóa chất thông qua ứng dụng internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cảm biến và rô bốt, 3D. Bộ trưởng Công nghiệp Hartarto cho biết, để giúp Indonesia thành một quốc gia cạnh tranh, ở đó đòi hỏi sự phát triển và tích hợp kết nối, công nghệ, thông tin và truyền thông. Điều này sẽ dẫn đến một nền kinh tế hiệu quả hơn cũng như sản lượng, chất lượng cao hơn trong ngành công nghiệp.
Tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu đưa nước này vào top 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào năm 2050 nhờ vào khai thác hiệu quả của nền công nghiệp 4.0, du lịch thông minh, giáo dục thông minh và thành phố an toàn.
QUỐC HƯNG