(QNO) - Trong lúc nhiều tin giả, tin đồn thất thiệt ảnh gây hoang mang dư luận, thậm chí để lại hậu quả nặng nề, nhiều nước trên thế giới đưa ra các biện pháp đối phó.
Tin giả, tin sai sự thật ngày càng lộng hành. Ảnh: enca |
Ngày 1.4, Singapore đệ trình lên Quốc hội nước này về một dự luật bao gồm các biện pháp mới cứng rắn để chống lại tin giả (fake news). Những người vi phạm có thể bị phạt tù với thời hạn tối đa lên tới 10 năm.
Singapore cho biết đảo quốc rất dễ bị ảnh hưởng bởi tin giả vì vị thế của mình là một trung tâm tài chính toàn cầu, với sự hòa trộn của nhiều sắc tộc, tôn giáo và việc truy cập internet dễ dàng, rộng rãi.
Theo đề xuất, các biện pháp trừng phạt hình sự sẽ chỉ được áp dụng nếu thông tin sai lệch được lan truyền do "các tác nhân xấu xa tìm cách phá hoại xã hội". Dự luật được thông qua cũng là bước đi cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia.
Cũng theo dự luật mới đề xuất, Chính phủ Singapore có thẩm quyền yêu cầu các nền tảng trực tuyến đăng các cảnh báo hoặc các "cải chính" bên cạnh các nội dung chứa thông tin sai lệch mà không cần xóa chúng. Bộ trưởng Luật pháp Singapore K.Shanmugam nói với Reuters, điều này sẽ cho phép người dân đọc bất cứ thứ gì họ muốn và tự mình quyết định.
"Tuy nhiên, trong trường hợp cực đoan, khẩn cấp, Chính phủ cũng có thể yêu cầu tin giả được gỡ xuống nếu họ tin rằng nó có thể gây ra tác hại nghiêm trọng trước khi không thể khắc phục thiệt hại" - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói.
Facebook có kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu châu Á đầu tiên, tại Singapore, còn Google đã xây hai trung tâm dữ liệu tại đây và họ sẽ chịu nhiều áp lực hơn khi dự luật mới chống tin giả của Singapore được thông qua.
Trung tâm hành chính Singapore. Ảnh: AP |
Trong tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê chuẩn dự luật mới vốn đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại tin giả và lạm dụng những bình luận trực tuyến.
Cụ thể, luật mới cho phép chính quyền chặn các trang web hoặc tài khoản trên mạng nếu không tuân thủ yêu cầu gỡ bỏ thông tin mà chính quyền Nga cho là tin giả, chưa kiểm chứng và sai sự thật, xúc phạm chính quyền, thiếu tôn trọng xã hội và biểu tượng của nhà nước Nga.
Theo đó, các cá nhân sẽ bị phạt tới 400.000 rúp (tương đương 6.100 USD) khi lan truyền những thông tin giả trên mạng có nguy cơ dẫn tới hành vi vi phạm an ninh trật tự quy mô lớn. Còn những người có hành vi thiếu tôn trọng với Nhà nước, người dân, quốc kỳ và Hiến pháp Nga trên mạng internet có thể bị phạt hơn 1.500 USD.
Trường hợp những cá nhân tái phạm có thể phạt 300.000 rúp và tù giam 15 ngày. Số tiền phạt tối đa lên tới 1,5 triệu rúp nếu vi phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như gây tử vong hoặc bạo loạn.
Ở nhiều nước trên thế giới và ngay cả các quốc gia châu Âu cũng quy định rất nghiêm ngặt đối với các thông tin giả hay mang tính xúc phạm. Ủy ban châu Âu cảnh báo sẽ có hành động pháp lý nếu các nền tảng trực tuyến không nghiêm túc với các cam kết đã ký trong bộ quy tắc ứng xử về chống tin giả.
Tại Đức, luật ngăn chặn tin giả có hiệu lực ngay từ đầu năm 2018. Theo đó, người dùng có quyền xác minh và yêu cầu xóa thông tin vi phạm và các mạng xã hội buộc phải xóa nội dung vi phạm trong 24 tiếng kể từ khi thông báo. Mạng xã hội vi phạm nghĩa vụ xóa và kiểm soát thông tin sẽ bị phạt đến 50 triệu euro nếu không sẽ bị phạt số tiền lên tới 50 triệu euro.
Tại Pháp, đạo luật năm 1881 về tự do báo chí quy định xử phạt đến 45.000 euro đối với hành vi xuất bản, phân phối hay sao chép tin giả.
QUỐC HƯNG