Dù muốn hay không thì những bài toán phát triển Quảng Nam vẫn đặt ra thường ngày và thu hút sự quan tâm của công chúng. Ở thời điểm này, dường như dư luận tập trung chú ý về các phép tính tiếp sau những bài toán sắp xếp tinh gọn cơ quan hành chính, vận hành bộ máy, cùng các kế hoạch thúc đẩy đầu tư để vùng đất xứ Quảng bước sang trang mới.
Trong bài toán sắp xếp các cơ quan đảng, nhà nước, phép trừ - tức sự giảm đi đầu mối thông qua giải thể, sáp nhập một số đơn vị, Quảng Nam đã tích cực triển khai theo đúng chỉ đạo của trung ương về tiến độ.
“Quân số” các sở, ban ngành sau sáp nhập, dĩ nhiên ban đầu phải là phép cộng, sau khi đã vận động, sắp xếp để tinh giảm một số người. Các sở, ban ngành được sáp nhập cũng đã tiến hành phân công trong lãnh đạo và thông báo về các chức năng quản lý từng lĩnh vực theo tinh thần “một người làm nhiều việc, một việc có người chịu trách nhiệm rõ ràng”.
Phép chia trong công việc cũng thấy ở một số sở ngành để cùng gánh vác công tác quản lý ở lĩnh vực khá quy mô, phức tạp, chẳng hạn quản lý đất đai, tài nguyên, hồ sơ chính sách, cơ sở dữ liệu dân cư...
Tuy nhiên, việc thực hiện phép nhân - tức nhân lên sức mạnh để vận hành bộ máy cho nhanh, thông suốt, “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” sẽ phải là vấn đề thời gian. Vấn đề xử lý tiếp theo là nội bộ, cần sự thống nhất cao, đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm công vụ thì vận hành bộ máy mới trơn tru.
Sau khi sắp xếp thấy bộ máy các sở, ban ngành còn đông đảo lãnh đạo, giảm 1 vị thủ trưởng nhưng vẫn còn nhiều cấp phó dồn về một đơn vị? Thì cũng đành như thế đã, trừ những trường hợp tinh giản bắt buộc, hay vận động nghỉ công tác trước tuổi, phải đuổi kịp những việc cần làm trước mắt rồi qua thời gian mới gọn lại theo quy mô, quy chế, quy định cơ cấu nhân sự.
Bài toán vận hành bộ máy các cơ quan đảng, nhà nước liên can đến thúc đẩy những chương trình, kế hoạch phát triển là điều rất rõ. Trong khi giải thể, sáp nhập một số đơn vị thì ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến điều hành việc giải quyết công vụ, nhất là quản lý phát triển ở các lĩnh vực.
Chẳng hạn, hiện tại những kế hoạch đầu tư công, chống lãng phí tài sản công (nhất là ở các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập), triển khai chương trình quy hoạch, dự án trọng điểm cần lãnh đạo đôn đốc thực hiện.
Rất mừng là lãnh đạo tỉnh đã lập ngay các đoàn công tác đến các địa phương để nắm bắt tình hình, chỉ đạo thúc đẩy các chương trình, kế hoạch đầu tư, giải quyết các vướng mắc ở những công trình trọng điểm. Tỉnh cũng tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kêu gọi thu hút nhà đầu tư ở các thành phố lớn, như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, để dọn đường mở cho chuyển động mới.
Đặc biệt, là việc thành lập Tổ công tác chỉ đạo thực hiện Thông báo số 40/TB-VPCP, ngày 12/2/2025 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, do Bí thư Tỉnh ủy làm tổ trưởng. Con đường mở ra vận hội mới với các chương trình, kế hoạch, dự án chiến lược trong Thông báo số 40/TB-VPCP, cần được khai thông mạnh mẽ thì mới mong Quảng Nam có động lực phát triển nhanh và bền vững.
Một hội nghị khoa học về động lực tăng trưởng kinh tế Quảng Nam giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2050 được UBND tỉnh vừa tổ chức vào sáng 26/2, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở ngành, chính là động thái mang kỳ vọng thúc đẩy cho hoạch định chiến lược phát triển dài hạn.
Bài toán phát triển không đơn giản là các phép tính cộng trừ nhân chia, mà quan trọng là ứng biến linh hoạt trong hành động. Ứng vạn biến nhưng dĩ bất biến là tinh thần đoàn kết vượt khó, chung lưng đấu cật vì khát vọng Quảng Nam.