Các rạp chiếu phim tại Quảng Nam: Thu không đủ bù chi

VĨNH LỘC 11/11/2013 08:50

Khán giả thưa thớt, thu không đủ bù chi… là thực trạng chung của các rạp chiếu phim tại Quảng Nam thời gian gần đây.

Rạp Hội An thu không đủ bù chi phí.Ảnh: V.LỘC
Rạp Hội An thu không đủ bù chi phí.Ảnh: V.LỘC

Phục vụ nhiệm vụ chính trị

Quảng Nam hiện chỉ có 2 rạp chiếu phim là rạp Hòa Bình (Tam Kỳ; do Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam quản lý) và rạp Hội An (do Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Nam trực tiếp quản lý). Dù kết quả hoạt động khác nhau nhưng 2 rạp này đều có điểm chung là luôn đối diện với trình trạng thưa thớt khách.

Theo ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, từ khi được nâng cấp cải tạo (tháng 6.2013) để xây dựng Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam và Trung tâm Thông tin du khách đến nay, bình quân mỗi tháng rạp Hội An bán được khoảng 400 vé, tổng doanh thu 12 triệu đồng, trừ 65% phải trả cho nhà cung cấp phim, chi phí điện nước, máy điều hòa… số tiền còn lại chỉ hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi tháng trung tâm phải trả khoảng 20 triệu đồng tiền lương cho 5 nhân viên (2 hợp đồng) làm việc tại rạp, nên việc duy trì hoạt động cho rạp là vấn đề khó khăn. “Giá vé chỉ 30 nghìn đồng. Có hôm chỉ bán được 5 vé nhưng cũng phải chiếu, không thể đóng cửa được” - ông Tú nói. Để cải thiện hiệu suất hoạt động, thời gian qua trung tâm đã thực hiện nhiều giải pháp như khuyến mãi mua một vé tặng một vé vào các tối thứ Bảy, Chủ nhật hoặc mua vé được tặng lon nước giải khát hoặc hộp bắp rang bơ vào các tối thứ Tư trong tuần…

Dù chuyên nghiệp hơn khi đầu tư các trang thiết bị chuyên dụng như công nghệ kỹ thuật số HD, âm thanh, ánh sáng hiện đại đến tuyển chọn phim, quảng bá, phát hành…, nhưng lượng khách đến rạp Hòa Bình cũng không khá hơn. Bình quân mỗi suất chiếu chỉ có khoảng 30 - 40 vé, doanh thu mỗi đêm chiếu khoảng một triệu đồng, chưa trừ các chi phí liên quan. Ông Nguyễn Tấn Sinh - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam cho rằng, việc chiếu phim tại rạp là một nhiệm vụ chính trị nên trung tâm không tính toán lỗ lãi mà chỉ quan tâm đến hiệu ứng xã hội. “Ngoài rạp Hòa Bình, chúng tôi còn có 8 đội chiếu bóng tại các huyện miền núi và 1 đội chiếu bóng liên huyện. Nhờ vậy, mỗi năm tỉnh giao chỉ tiêu trung tâm tự thu 350 triệu đồng đơn vị đều hoàn thành. Riêng 9 tháng đầu năm 2013, trung tâm đã thu khoảng 300 triệu đồng, đạt hơn 80% kế hoạch năm” - ông Sinh nói.

Tìm đầu ra

Dù có nhiều nguyên nhân lý giải việc khán giả không đến rạp như: do thói quen, suy thoái kinh tế, chất lượng phim chưa cao…, nhưng thực tế không thể phủ nhận là hiệu quả hoạt động của 2 rạp vẫn chưa tương xứng với sự đầu tư và  kỳ vọng. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra như liên kết với doanh nghiệp, hợp đồng với các cơ quan trên địa bàn thành phố đưa nhân viên đến rạp với mức giá ưu đãi; tổ chức các tuần phim chuyên đề về đề tài chiến tranh cách mạng, biển đảo… nhằm duy trì hoạt động thường xuyên cho rạp. Tuy nhiên, vấn đề nan giải của rạp Hội An bây giờ không chỉ là “đỏ đèn” thường xuyên mà phải “gồng mình” trả lương, giải quyết chế độ cho tổ chiếu phim, bởi doanh thu bán vé quá ít. “Chúng tôi không thể bố trí những nhân viên này làm công việc khác của cơ quan được vì chuyên môn của họ chỉ là chiếu phim” - ông Tú lý giải. Theo ông Tú, sắp tới khi rạp được cải tạo hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động Trạm vệ tinh thông tin du lịch, ngoài việc phục vụ công tác chuyên môn và chiếu phim ban đêm, ban ngày trung tâm sẽ tận dụng rạp cho thuê tổ chức các hội nghị, hội thảo.

Theo ông Nguyễn Tấn Sinh, thuận lợi của Trung tâm Phát hành phim là cán bộ tại rạp Hòa Bình đều kiêm nhiệm, ban ngày làm việc tại trung tâm ban đêm xuống rạp phục vụ, nên ngoài số tiền bồi dưỡng trung tâm không phải trả lương như tại rạp Hội An. Điều này đã giúp rạp duy trì hoạt động tốt mà không phải lo các chi phí từ con người. Ông Sinh cho rằng, do khán giả đến rạp Hòa Bình chủ yếu là giới trẻ nên để thu hút những đối tượng này không chỉ chất lượng phim hay, mới, các trang thiết bị cũng phải đồng bộ, âm thanh, hình ảnh sắc nét, hiện đại… “Hiện nay chúng tôi không còn sử dụng máy chiếu phim nhựa mà đã chuyển sang công nghệ kỹ thuật số HD nên phim có độ nét rất cao, âm thanh sống động” - ông Sinh cho biết. Ngoài ra, các phim mới nhận về phần lớn đều được ra rạp cùng một lần với các rạp lớn khác trong cả nước nên tránh trình trạng phim cũ, đã bị sang lậu tràn lan… “Để tăng cường quảng bá thu hút khán giả đến rạp, sắp tới chúng tôi sẽ hợp đồng với sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học tại Tam Kỳ bán vé và sẽ trích phần trăm hoa hồng” - ông Sinh nói.

Việc rạp chiếu phim vắng khách là thực tế tại 2 thành phố của tỉnh. Tìm giải pháp cho vấn đề này không chỉ là chất lượng phim ảnh, quảng bá mà còn là sự thay đổi thói quen của một bộ phận người dân để rạp chiếu phim không chỉ là nơi họ đến thưởng thức các tác phẩm điện ảnh hay nhất mới nhất mà còn là điểm vui chơi giải trí của du khách khi đến với Quảng Nam đặc biệt là Hội An, một trung tâm du lịch của miền Trung.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Các rạp chiếu phim tại Quảng Nam: Thu không đủ bù chi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO