(QNO) - Nhà khoa học của WHO Soumya Swaminathan ngày 15.9 cảnh báo rằng sẽ không có đủ vaccine để thế giới trở lại cuộc sống bình thường cho đến năm 2022.
Chuyên gia WHO Soumya Swaminathan dự đoán yêu cầu đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ tiếp tục vào năm sau.
Theo hãng thông tấn TASS ngày 18/9, sắp tới tại các hiệu thuốc của Nga sẽ bán loại thuốc Areplivir do nước này sản xuất để điều trị bệnh Covid-19. Mỗi hộp thuốc có giá bán lẻ từ 12.320 Ruble (163 USD). Ông Andrey Mladentsev, Giám đốc điều hành công ty Promomed cho biết thêm, một hộp thuốc sẽ có 40 viên, mỗi viên 200 mg.
Dự kiến loại thuốc trên sẽ xuất hiện tại các hiệu thuốc vào ngày 21/9. Thuốc sẽ được bán theo chỉ định của bác sĩ và được khuyến cáo sử dụng trong 24 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện triệu chứng mắc Covid-19. Hiện chưa ghi nhận biến chứng nào trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Bộ Y tế Nga đã cấp phép lưu hành Areplivir để điều trị Covid-19 hồi cuối tháng 6. Thuốc này tương tự thuốc Favipiravir của Nhật Bản, có phổ hoạt động rộng chống virus chứa RNA (trong đó có SARS-CoV-2), bao gồm virus cúm, rhinovirus, virus hợp bào hô hấp, và các loại virus đe dọa tới tính mạng.
Trong khi đó, những lô vaccine Sputnik-V đầu tiên của Nga ngừa Covid-19 đã được chuyển đến các tỉnh. Lần tiêm chủng miễn phí đầu tiên sẽ được thực hiện với các giáo viên và bác sĩ, vì họ thuộc nhóm nguy cơ cao. Những người khác sẽ phải tiếp tục đợi. Hoặc người dân Thủ đô Moscow có thể làm tình nguyện viên tham gia thử nghiệm loại vaccine này sau khi đã đăng ký lưu hành.
* Đức ủng hộ nhưng không tham gia chương trình COVAX của WHO. Theo các nguồn tin từ Chính phủ Đức ngày 18/9, nước này và Pháp sẽ không mua các loại vaccine tiềm năng phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thông tin này được đưa ra cùng ngày sau khi WHO thông báo thời hạn chót để các nước thành viên đăng ký tham gia chương trình COVAX.
Nguồn tin cho biết, Berlin ủng hộ, song sẽ không mua vaccine ngừa Covid-19 thông qua chương trình của WHO, bởi Đức đã theo một dự án chung của Liên minh châu Âu (EU) để mua các loại vaccine tiềm năng. Chương trình COVAX của WHO được thực hiện để mua các loại vaccine Covid-19 với đảm bảo rằng, các vaccine này sẽ được phân bổ công bằng và hiệu quả trên thế giới. Tuy nhiên, trong khi 92 nước có mức thu nhập thấp muốn tham gia chương trình COVAX thì các nước giàu có lại không tham gia do những nước này muốn đảm bảo nguồn cung riêng.
Theo các nhà ngoại giao châu Âu, hiện trong EU đang "xung đột" về sáng kiến COVAX của WHO. Một mặt, EU muốn hỗ trợ việc cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển, song mặt khác chính phủ các nước thành viên cũng muốn đảm bảo có vaccine cho người dân của mình. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đóng góp 400 triệu Euro từ ngân sách phát triển của khối cho chương trình COVAX, trong khi Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, Chính phủ Đức hiện chưa quyết định về hình thức hỗ trợ chương trình này. Ông Spahn cũng bày tỏ hy vọng Đức sẽ có vaccine vào đầu năm tới và những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine là những người cao tuổi và các y, bác sĩ.
Trước đó, Bộ trưởng Spahn cho biết, Berlin đã đảm bảo được số liều vaccine tiềm năng nhiều hơn số dân nước này, một chiến lược chung của các nước giàu khi còn chưa rõ loại vaccine nào sẽ có hiệu quả. Cụ thể, Đức đã đặt hàng trước tổng cộng 94 triệu liều vaccine từ các nhà cung cấp khác nhau. Hiện trên thế giới có 8 loại vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm thứ 3, trong đó có vaccine của công ty Đức. Khoản tài trợ 750 triệu Euro được Chính phủ Đức rót cho nghiên cứu và bào chế vaccine cũng được sử dụng để mở rộng năng lực sản xuất.
Theo Bộ trưởng Spahn, Chính phủ Đức nhấn mạnh yếu tố ưu tiên hàng đầu là an toàn và tin cậy, chứ không nhất thiết phải là nước có vaccine đầu tiên, trong tiến trình nghiên cứu và bào chế vaccine. Trong khi đó, công ty Biontech thông báo sẽ sản xuất mỗi năm 750 triệu liều vaccine. Biontech đang thảo luận để mua lại xưởng sản xuất của công ty Novartis ở thành phố Marburg để thực hiện sản xuất hàng loạt.
khu vực Nam Mỹ, cũng trong ngày 18/9, công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Chính phủ Peru 9,9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 có tên gọi BNT162b2 do công ty này hợp tác sản xuất cùng với hãng BioNTech của Đức. Số vaccine trên sẽ được cung cấp cho phía Peru sau khi Cơ quan quản lý Thuốc và Dược phẩm (DIGEMID) của nước này cấp phép.
* Ấn Độ sẽ công bố vaccine Covid-19 nội địa sớm nhất vào đầu năm 2021. Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cho biết, hiện vẫn chưa ấn định ngày công bố vaccine Covid-19 do nước này sản xuất. Tuy nhiên, ông chia sẻ: "Vaccine COVID-19 có thể sẵn sàng vào quý I/2021".
Bình luận của Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ được đưa ra một ngày sau khi "gã khổng lồ" dược phẩm Astrazeneca thông báo được phép tiếp tục thử nghiệm vaccine Covid-19. Đối tác phía Ấn Độ là Viện Huyết thanh Ấn Độ cũng đã khởi động trở lại các cuộc thử nghiệm vaccine của Đại học Oxford sau khi nhận được giấy phép của Cơ quan Kiểm soát Dược phẩm Ấn Độ.
Bộ trưởng Harsh Vardhan khẳng định, Chính phủ Ấn Độ đang thực hiện đầy đủ những biện pháp an toàn trong việc tiến hành các thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người. Ông nói: "Các vấn đề như an ninh vaccine, chi phí, phân phối, yêu cầu dây chuyền lạnh, tiến độ sản xuất... đang được thảo luận tích cực".
Khi đã sẵn sàng, vaccine Covid-19 của Ấn Độ sẽ được cung cấp cho những nhóm người cần nhất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Harsh Vardhan cho biết, ông sẽ rất vui nếu được tiêm liều vaccine đầu tiên.
* Trong khi đó ở Mỹ, tại phiên điều trần trước Thượng viện ngày 16/9, Giám đốc CDC Robert Redfield nói rằng, dù Mỹ có vaccine vào tháng 11 hoặc tháng 12 thì "nguồn cung cũng sẽ rất hạn chế", chỉ được dành cho nhân viên chống dịch và nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Ông ước tính vaccine sẽ không được cung cấp rộng rãi cho công chúng Mỹ cho đến mùa Xuân hoặc mùa Hè năm 2021.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Trump ngày 16/9 nói rằng, Redfield "đã nhầm lẫn", nói rằng ít nhất 100 triệu liều vaccine có thể được phân phối vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, khi cuộc đua ra mắt một loại vaccine ngừa Covid-19 ra thị trường đang ngày càng nóng lên, phản ứng của công chúng xung quanh vấn đề này lại hoàn toàn ngược lại. Một cuộc khảo sát mới từ Morning Consult cho thấy, chỉ 51% người dân Mỹ sẽ sẵn sàng tiêm vaccine ngừa Covid-19 nếu chúng có sẵn, một con số sụt giảm đáng kể so với 72% dân số Mỹ cho biết, họ sẽ tiêm vaccine trong cuộc khảo sát hồi tháng 4.
* Theo Bộ Ngoại giao Peru, công ty Pfizer đang tiến hành các nghiên cứu vaccine giai đoạn 3 tại Mỹ, Đức, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.
Cùng ngày, Cơ quan Giám sát Y tế Quốc gia (Anvisa) của Brazil ra quyết định cho phép công ty Pfizer tăng gấp đôi số lượng tình nguyện viên để thử nghiệm vaccine BNT162b2, từ 1.000 người theo kế hoạch ban đầu lên 2.000 người. Cơ quan này cũng cho phép những người từ 16 tuổi trở lên tham gia thử nghiệm vaccine. Trước đó, chỉ những người đủ 18 tuổi mới được tham gia các chương trình thử nghiệm vaccine.
Anvisa cho biết các cuộc thử nghiệm sẽ được thực hiện ở các bang Bahía và Sao Paulo, với 1.000 tình nguyện viên tại mỗi bang.