Các xã vùng biên ở huyện Tây Giang: Mong chờ điện lưới quốc gia

HOÀNG LIÊN 15/11/2018 06:19

Cho tới nay, các xã vùng biên giới ở Tây Giang là A Xan, Ch’ơm, Ga ri vẫn chưa được đấu nối lưới điện quốc gia. Chính quyền và người dân vùng biên ngày đêm mong chờ nguồn điện phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Xã A Xan hiện nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Ảnh: H.L
Xã A Xan hiện nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Ảnh: H.L

Chờ đấu nối điện lưới

Hiện, các xã vùng biên là A Xan, Ga ri, Ch’ơm vẫn chưa đấu nối được nguồn điện lưới quốc gia, trừ thôn Atur 2 và Ch’nốc - 2 thôn của xã Ch’ơm sát vùng biên đã được đóng điện. Theo ông Alăng Nhép - Phó Chủ tịch UBND xã Ch’ơm, 6 thôn còn lại của xã vẫn đang chờ điện. Trước đây, xã có 4 thôn có điện được cấp bởi nhà máy thủy điện nhỏ Ga ri - Ch’ơm do UBND huyện quản lý, tuy nhiên điện chập chờn, lúc có lúc không. Từ khi nhà máy thủy điện bị sự cố hư hỏng, vùng cao này “trắng điện” lưới. “Việc in ấn văn bản, gửi/nhận email rất khó khăn, muốn photo tài liệu cũng phải chạy về trung tâm huyện cách xa hơn 40 cây số. Xã có trang bị máy nổ nhưng tốn kém nhiên liệu nên mỗi ngày chỉ nổ máy phát điện 1 - 2 giờ. Hạ tầng, lưới điện, đường dây, đồng hồ, bóng điện nhà dân đã có sẵn, chỉ chờ có điện lưới đấu nối mà thôi” - ông Nhép chia sẻ.

Thiếu điện, việc dạy và học của thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS liên xã Ch’Ơm & Ga ri khó khăn trăm bề. Việc soạn và giảng bài bằng giáo án điện tử không thể triển khai được. Năm giờ chiều, thầy trò phải tranh thủ ăn tối và dọn dẹp... để 6 giờ trường nổ máy phát điện cho các em học bài đến 8 giờ tối. Thầy Nguyễn Đông Vũ - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, thiếu điện, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy gặp khó, bộ môn tin học, các em chỉ được học chay lý thuyết vì không có máy tính, không có điện để thực hành. “Từ hiệu trưởng cho đến nam giáo viên, ai cũng có kinh nghiệm sửa máy nổ, sửa thiết bị đèn điện, đường dây... Chuyện thầy hiệu trưởng phải thắp đèn, sử dụng pin hì hục sửa máy nổ để phát điện cho các em học bài là thường ở đây” - một cô giáo tâm sự.

Tại xã A Xan, tình hình cũng chẳng khả quan hơn. Bà Thi Thị Quý ở thôn A Rầng 1 cho hay, không có điện, người nghèo chỉ biết thắp đèn dầu, nhóm hộ nào có điều kiện thì chung tiền mua tuabin, kéo đường dây về tận nhà rất tốn kém. Chị Bríu Thị Nhứa ở thôn A rầng 3 tâm sự: “Chỉ mong có điện lưới quốc gia kéo về làng cho dân đỡ khổ, con cái học hành thuận lợi hơn”. Ông Ploong A Nghệ - Phó Chủ tịch UBND xã A Xan cho biết, xã có 4 trường học, 1 đồn biên phòng và 9 thôn (sẽ sáp nhập còn 6 thôn). “Địa phương kiến nghị nhiều rồi, mong huyện và  ngành điện lực tạo điều kiện sớm nhất cho A Xan có điện. Đường điện quốc gia chạy trên đầu mà chịu, thắp đèn dầu, hay điện thủy luân. Điều kiện sinh hoạt, cuộc sống sinh hoạt của người dân khó khăn. Không có điện thì người vùng cao chẳng thể nào thoát nghèo, chẳng thể thay đổi diện mạo được” - Ploong A Nghệ nói.

Đang bàn phương án

Khu vực huyện Tây Giang thuộc địa bàn được ưu tiên đầu tư của Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo ở giai đoạn 2013 - 2020 theo quyết định 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, dự án được UBND tỉnh giao cho Sở Công Thương cùng Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) và Công ty Điện lực Quảng Nam triển khai thực hiện. Giữa năm 2015, dự án được khởi công và dự kiến đến cuối năm 2016, người dân ở các xã vùng cao như Ch’Ơm, A Xan, Ga Ri... của huyện sẽ có điện để sử dụng. Tuy nhiên, đến nay điện vẫn chưa được thắp sáng ở các xã biên giới. Năm 2011, từ nguồn vốn tài trợ của tổ chức SIDA - Thụy Điển thông qua dự án “Phát triển năng lượng nông thôn Việt Nam”, UBND tỉnh cho xây dựng hai thủy điện nhỏ tại xã Ga ri, A xan và bàn giao cho huyện Tây Giang quản lý vận hành. Hiện, hai nhà máy thủy điện bị xuống cấp, hư hỏng nặng; huyện Tây Giang đã bàn giao toàn bộ hệ thống lưới điện cho ngành điện quản lý, khai thác.

Được biết, hệ thống đường dây trung và hạ thế và trạm biến áp đang có của 2 nhà máy thủy điện A Xan và Ga ri cơ bản còn hoạt động tốt nhưng 2 nhà máy phát điện đã bị hư hỏng nặng, trong đó đường dây trung thế của lưới điện quốc gia nằm cách đó không xa (20m) nên việc đấu nối rất thuận lợi. Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ, UBND huyện đã có văn bản đề nghị Công ty Điện lực Quảng Nam đấu nối điện ở khu vực này, tạo điều kiện để người dân sinh hoạt, ổn định đời sống, đảm bảo công tác quốc phòng - an ninh. Địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngành điện nhanh chóng đấu nối hòa lưới điện. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho hay, vừa qua, UBND tỉnh và Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đã làm việc để thống nhất việc đấu nối, sửa chữa và cấp điện cho khu vực trên. Theo sự thống nhất giữa các bên, EVN CPC sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm đấu nối, hòa lưới điện ở khu vực trên. Hiện, UBND tỉnh và EVN CPC đang tiếp tục trao đổi, bàn bạc, thống nhất các phương án đảm bảo cấp điện cho khu vực biên giới Tây Giang. Mục tiêu đảm bảo 100% số xã trên địa bàn huyện được cấp điện lưới quốc gia trong thời gian tới.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Các xã vùng biên ở huyện Tây Giang: Mong chờ điện lưới quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO