Phát huy truyền thống của phong trào Duy Tân xưa, Trường Đại học Dân lập Duy Tân - Đà Nẵng (ĐH Duy Tân) huy động tối đa nội lực, hợp tác chặt chẽ với các đối tác, phấn đấu trở thành trường ĐH đa ngành, đa cấp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đẳng cấp quốc tế... Đó là giấc mơ có thật, diễn ra từng ngày trong 20 năm qua tại ĐH Duy Tân và vẫn luôn tiếp diễn.
Năm 2014, Trường Đại học Duy Tân đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế ComManTel về máy tính, quản lý và truyền thông. |
GS.Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam nhận xét: “Tôi luôn ngạc nhiên và bất ngờ mỗi lần đến với ĐH Duy Tân. Mỗi lần đến đây lại có một cái mới. Trong cộng đồng các trường ngoài công lập, ĐH Duy Tân nổi lên như là một điểm sáng”.
Có thể nói, trong 20 năm qua, ĐH Duy Tân được gắn với nhiều dấu mốc “đầu tiên” của giáo dục ĐH Việt Nam mang tính quốc tế hóa. Trước hết, Duy Tân là trường ĐH tư thục đầu tiên và lớn nhất miền Trung “lĩnh ấn tiên phong” đổi mới sự nghiệp “trồng người” (trường thành lập theo Quyết định số 666 của Thủ tướng Chính phủ ngày 11.11.1994). Tập thể Hội đồng quản trị và Ban Giám hiệu ĐH Duy Tân, đứng đầu là Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, đã đoàn kết nhất trí, phát huy tối đa nội lực, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tạo nên cơ sở đầu tiên tại 21 Nguyễn Văn Linh, TP.Đà Nẵng vào tháng 11.1997. Đến nay ĐH Duy Tân đã có 7 cơ sở đào tạo với tổng diện tích hơn 35ha, trong đó tổng diện tích xây dựng 58.214m2. Trường trang bị hệ thống 70 phòng thí nghiệm và thực hành, 13.089 tài liệu in và 59.802 tài liệu điện tử tại thư viện, 1.216 máy tính… cùng hệ thống giảng đường khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học cho thầy và trò của trường gắn kết với nhu cầu xã hội.
Thành tích tiêu biểu của ĐH Duy Tân 20 năm qua: Huân chương Lao động hạng Ba; Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ trong 2 năm liên tiếp (2010 - 2011); Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT trong 3 năm học liên tiếp (2010 - 2012); Cúp Vàng thương hiệu Việt Nam 2005. Thời gian qua, sinh viên của trường đã đạt được 166 giải thưởng trong nước và 8 giải thưởng quốc tế. |
ĐH Duy Tân cũng đã xây dựng được mô hình quản lý năng động, hiệu quả. Từ những năm 1995 - 1996 trường đã đề ra yêu cầu “tin học hóa”, “Anh ngữ hóa”, “chuyên nghiệp hóa” chương trình và đội ngũ giảng dạy, vì “có thầy giỏi mới đào tạo được trò giỏi”. Với đội ngũ hơn 925 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 697 giảng viên (14,35% số giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; 72% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên) đảm nhiệm 90% chương trình giảng dạy tại trường. Ngoài ra, có hơn 200 giảng viên thính giảng đến từ các trường ĐH uy tín trong và ngoài nước. Song song với công tác đào tạo, giảng viên ĐH Duy Tân đẩy mạnh nghiên cứu khoa học với 73 tham luận khoa học tham gia tại hội thảo trong nước và 72 tham luận khoa học tại hội thảo quốc tế; số lượng bài báo đăng tạp chí chuyên ngành trong nước và trường là 288 bài, bài báo quốc tế là 87 bài (64 bài có chỉ số trích dẫn ISI). Đáng chú ý, ĐH Duy Tân là đơn vị ngoài công lập trúng thầu đề tài nghiên cứu cấp bộ về công nghệ thông tin. Các nhà nghiên cứu của trường đang triển khai 6 đề tài do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) tài trợ trong các lĩnh vực điện - điện tử, sinh học, dược liệu, vật lý, quang học, cùng một số hợp tác nghiên cứu quốc tế với các viện, trường ở Anh, Mỹ, Đức. Nền tảng mới mẻ về nghiên cứu giúp ĐH Duy Tân tổ chức và chủ trì nhiều hội nghị trong nước và quốc tế.
Năm 2014, ĐH Duy Tân đã tuyển sinh khóa tiến sĩ đầu tiên (20 nghiên cứu sinh), là trường ĐH ngoài công lập đầu tiên được đào tạo tiến sĩ ( ngành quản trị kinh doanh và máy tính). Trường cũng đã đào tạo 11 khóa thạc sĩ với hơn 1.200 học viên (289 đã tốt nghiệp); 20 khóa đào tạo đại học, cao đẳng với 64.702 sinh viên. Ngoài ra, trường còn đào tạo 12.400 sinh viên cao đẳng nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Tỷ lệ sinh viên ĐH Duy Tân có việc làm ngay trong 6 tháng đầu sau khi tốt nghiệp đạt 89%, đặc biệt 100% sinh viên ngành công nghệ phần mềm có việc làm ngay tại thời điểm ra trường.
Trong hoạt động GD-ĐT, vấn đề hợp tác quốc tế là chiến lược được ĐH Duy Tân đặt ra ngay từ những ngày đầu tiên thành lập trường. Khi dư luận xã hội đang còn nhiều tranh cãi để tìm con đường nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong nước thì ĐH Duy Tân đã có một hướng đi cho riêng mình. Năm 2008, cùng với các thành viên khác của Liên hiệp các trường đại học và doanh nghiệp đào tạo công nghệ thông tin Việt Nam (SEG), ĐH Duy Tân đã ký kết hợp tác đào tạo với Carnegie Mellon University (CMU) - ĐH số 1 của Mỹ về công nghệ thông tin. Chương trình hợp tác này đã tạo nên bước ngoặt lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này ở miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Tiếp đó, năm 2010 trường ký kết hợp tác với ĐH Penn State (PSU) - một trong 5 hệ thống ĐH công lớn của Mỹ, đào tạo sinh viên chuyên ngành kinh tế theo những phương pháp hiện đại nhất hiện nay. Mới đây, ĐH Duy Tân ký hợp tác đào tạo với ĐH bang California ở Fullerton (CSU) - một trong 10 ĐH công lập hàng đầu bờ tây nước Mỹ. Tham gia khóa học, sinh viên sẽ được đào tạo theo chương trình của CSU với mức học phí 800USD/năm (16 triệu đồng/năm), là chương trình đào tạo quốc tế về xây dựng và kiến trúc đầu tiên ở miền Trung. Đáng kể, ĐH Duy Tân có 7 chương trình liên kết đào tạo quốc tế như vậy với “học phí Việt Nam, bằng cấp quốc tế” góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc đổi mới đất nước.
XUÂN LAN