Cách làm thiết thực ở trường Trà Leng

NGÔ TRẦN HÀ VŨ 30/05/2018 13:07

Từ 10 triệu đồng tiền vốn được hỗ trợ ban đầu của một nhà hảo tâm, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT-THCS) Trà Leng đã xây dựng được mô hình hỗ trợ học sinh khó khăn một cách hiệu quả, gắn kết trách nhiệm chung.

Anh Nguyễn Trần Vỹ và học sinh bên đàn heo được hỗ trợ. ẢNH: N.T.H.V
Anh Nguyễn Trần Vỹ và học sinh bên đàn heo được hỗ trợ. ẢNH: N.T.H.V

1. Như nhiều xã khác ở huyện Nam Trà My, xã Trà Leng thường nhận được sự quan tâm hỗ trợ về vật chất, trang thiết bị, nhu yếu phẩm của các tổ chức, cá nhân hảo tâm dành cho các đơn vị trường học trên địa bàn xã. Những nguồn hỗ trợ đó đã đến được với học sinh, nhất là những hoàn cảnh khó khăn, góp phần động viên tinh thần và giúp các em khắc phục một phần khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, những nguồn hỗ trợ đó cũng chỉ tạm thời, không thể giúp các em ổn định nhu cầu sinh hoạt trong suốt thời gian học tập. Rồi những khó khăn, thiếu thốn lại đè nặng lên các em, đi cả vào giấc ngủ, khiến các em không yên tâm học tập, dù nhiều em rất có ý chí, quyết tâm vượt lên hoàn cảnh không may mắn như các bạn. Điều đó cũng là nỗi day dứt của Ban giám hiệu, Công đoàn và các thầy cô giáo Trường PTDTBT- THCS Trà Leng. Giải được bài toán khó này cho các em, đặc biệt là với học sinh khuyết tật, giúp các em yên tâm học tập, cũng chính là chìa khóa để duy trì sĩ số và giữ vững chất lượng học tập của nhà trường.

Suy nghĩ của cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT- THCS Trà Leng, được anh Nguyễn Trần Vỹ  - Chủ nhiệm CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My, động viên khích lệ và hỗ trợ. Đó là số tiền 10 triệu đồng do một cá nhân hảo tâm ủng hộ để xây dựng mô hình giúp cho học sinh khuyết tật nói riêng, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường nói chung. Nhận thấy sự hạn chế của việc hỗ trợ nhu yếu phẩm, hoặc tiền mặt cho các em, cô giáo Nguyễn Trần Vân Anh đã bàn với Ban giám hiệu và Công đoàn trường thực hiện mô hình nuôi heo đen bản địa nhằm tận dụng nguồn thức ăn trong bếp nội trú của trường, đồng thời gắn trách nhiệm chăm sóc và giáo dục học sinh về kiến thức chăn nuôi, cũng như ý thức làm kinh tế gia đình cho phụ huynh thông qua các em. Ý tưởng đó nhanh chóng được hiện thực vào đầu năm học 2017 - 2018. Nhà trường mua 11 con heo đen bản địa làm “phần quà” cho 11 học sinh khuyết tật của nhà trường. Cả thầy trò cùng bắt tay làm chuồng trại, tranh thủ thời gian sau mỗi buổi học để nấu thức ăn, chăm sóc cho đàn heo. Những ngày cuối tuần, trách nhiệm chăm sóc được các nhân viên cấp dưỡng, bảo vệ cùng tham gia.

Nhờ nguồn thức ăn dồi dào, được chăm sóc chu đáo, đàn heo lớn rất nhanh. Dịp Tết Mậu Tuất 2018, nhà trường xuất bán 6 con với giá bình quân 80 nghìn đồng/kg heo hơi. Số tiền thu được, nhà trường đã mua nhu yếu phẩm và tặng kèm 100 nghìn tiền mặt cho 11 học sinh về ăn tết cùng gia đình, tặng nhiều phần quà bánh cho các học sinh khó khăn khác. Bên cạnh đó, nhà trường cũng mua lại 7 heo con để tiếp tục quay vòng đàn, chủ động nguồn thực phẩm cho học sinh nội trú; đồng thời giữ nguồn quỹ khi có trường hợp cần hỗ trợ…

2. Việc xây dựng các mô hình hỗ trợ học tập cho học sinh, đặc biệt là những trường hợp khuyết tật, học sinh nghèo… không phải là việc làm mới ở nhiều đơn vị trường học ở huyện Nam Trà My. Cũng đã có nhiều đơn vị trường thực hiện mô hình chăn nuôi, kết hợp phong trào kế hoạch nhỏ trong nhà trường, tuy nhiên, kết quả thực hiện và duy trì còn rất hạn chế, thiếu tính bền vững. Với mô hình chăn nuôi heo của Trường PTDTBT-THCS Trà Leng thực hiện, bên cạnh những ý nghĩa thiết thực, có tính khả thi cao, khả năng duy trì lâu dài, còn giáo dục cho các em về tình yêu lao động, kỹ thuật chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời đó cũng là cách tận dụng nguồn thức ăn thừa của bếp ăn nội trú nhà trường, giảm thiểu việc bỏ các chất thải hữu cơ gây ô nhiễm trong khuôn viên trường.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thịt heo đen bản địa rất cao, giá bán dao động 90 - 120 nghìn đồng/kg heo hơi. Việc thu hồi vốn để gây quỹ hỗ trợ cho học sinh, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ cung cấp cho bếp ăn tập thể, cũng như quay vòng nguồn vốn để duy trì đàn heo có nhiều thuận lợi. Từ thực tế mô hình của Trường PTDTBT- THCS Trà Leng, Công đoàn ngành giáo dục huyện đã phát động các đơn vị trường học trên địa bàn hưởng ứng, nhằm có điều kiện cải thiện bữa ăn tập thể và giúp đỡ học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Với cách làm chủ động, sáng tạo, sát thực tế và mang tính giáo dục cao của thầy và trò Trường PTDTBT-THCS Trà Leng một khi được nhân rộng sẽ phát huy hiệu quả ở nhiều đơn vị trường khác trên địa bàn huyện.

NGÔ TRẦN HÀ VŨ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cách làm thiết thực ở trường Trà Leng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO