“Cách ly toàn xã hội” là chuyện vì nỗi phòng tránh dịch cho đỡ lịch kịch giao tiếp đám đông, bớt chạy lông nhông từ vùng này qua vùng khác mà mang vi rút lây lan. Chứ còn bao chuyện, những cái chi chi cần thiết thì cũng phải làm.
Bây giờ, nếu không nói việc làm ăn chi nữa thì cũng có việc phải làm vì cái tình. Như người Quảng hay nói, cái tình là cái chi chi, dẫu chi chi cũng chi chi với tình vậy. Mùa đại dịch, để qua cơn hoạn nạn này cần biết bao việc tình nghĩa, tương thân tương ái đồng bào.
Cấp cơm, cấp bánh mì cho người nghèo thất nghiệp chẳng hạn. Thật ấm áp với những quán cơm Nụ cười của người Sài Gòn mở ra, doanh nghiệp gạo Cỏ May cho gạo nấu rồi phát cho người nghèo; những thùng trà đá, xe bánh mì để phát miễn phí. Ông “vua bánh mì” Kao Siêu Lực sau đợt đầu làm ba ngàn ổ, nay làm tiếp một vạn ổ bánh mì “siêu dinh dưỡng” để tặng cho các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Ở tỉnh thu nhập còn thấp như Quảng Nam cũng có cách làm hay, ngay doanh nghiệp dù khó khăn cũng bóp bụng tặng cho quỹ phòng chống dịch cả tỷ đồng. Nhà khoa học nổi tiếng như GS.Trần Văn Thọ, người Quảng đang ở Nhật, cũng tìm cách vận động các chuyên gia giúp chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở cho đất nước. Rồi mẹ chị may khẩu trang, thanh niên làm kính chắn, phụ lão đi ủng hộ, tất cả chỉ mong góp ít nhiều cùng Nhà nước chống dịch…
Rõ, không ai mong có tình huống “khẩn cấp” phải “cách ly” như thế này, bởi khổ đau vì chiến tranh, thiên tai, dịch hại cho đất Việt, người Việt đã quá nhiều. Nhưng quả thực phải nhận ra một điều, chính trong hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau.
Kỳ diệu thay sức mạnh tinh thần dân tộc lại dâng trào mạnh mẽ mỗi khi gặp sóng gió, nó có thể khiến người ta tạm quên đi những nhọc nhằn gian khó, những phiền muộn ưu tư vì thế sự nhiễu nhương, để cùng đứng vào chiến hào “chống dịch như chống giặc”. Thiển nghĩ, nếu lãnh đạo đất nước luôn coi “sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết” thì dù có cái chi chi đó chưa thể hài lòng tất cả nhưng người dân cũng sẵn sàng làm chiến sĩ - “vui gì hơn làm người lính đi đầu” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Và sức mạnh của Việt Nam không phải ở tiền nhiều, vì GDP mỗi năm chỉ vài ba trăm tỷ USD, mà là ở trí tuệ, ở tấm lòng, ở cái ứng xử theo - nghĩa - đồng - bào không gì thay thế được. Huy động được nguồn lực tinh thần đó là có được sức mạnh Việt Nam!
Nhưng thôi bàn việc chánh trị, tranh thủ lúc cách ly này mà đọc chuyện xưa ngẫm chuyện nay. Có lẽ để hiểu về sự quái đản của con vi rút lây lan, thử đọc lại cụ Phan Khôi xem. Vui lạ như bài “Cấm hun” (Thần chung, số 8.1.1930), cụ viết về cái sự hun (hôn) khác nhau giữa Tây và ta: “Khác nhau là cái cách hun và cái chỗ hun mà thôi. Như người Tây họ hun bằng môi, An Nam ta hun bằng lỗ mũi (vì hun bằng mũi, cho nên tiếng ta cũng có nói tiếng đôi là hun-hít), ấy là cái cách hun khác. Còn người Tây họ hun giữa công chúng; An Nam ta hun con nít thì hun chán chường, khi hun người lớn thì hun trong buồng cùng chỗ khuất, ấy là cái chỗ hun khác”.
Thú vị là cụ Phan nói đến chuyện cấm hun để phòng… vi trùng xâm nhập. Dẫn theo lệnh cấm của nước Nga, cụ Phan thuật lại: “Trên tường, trên các bao thơ qua nhà giây thép, đều có thấy những chữ như vầy: “Mỗi một khi hun ai, người bị hun đó phải rước lấy một lần bốn vạn con vi trùng!”.
Phải chăng cụ Phan Khôi là người Quảng, người Việt đầu tiên đề cập việc cấm hun để phòng dịch? Lời cảnh báo trước cả thế kỷ mà bây giờ phòng dịch khắp nơi đều khuyên “cách ly”, cách xa 2 mét, chắc phải bỏ ôm, bắt tay, hun hít... Kể chuyện chi chi rứa để mua vui một vài trống canh trong ngày rảnh rỗi vậy!