Không chỉ được ứng dụng trong phát triển vắc xin phòng Covid-19 với tốc độ kỷ lục, công nghệ mang tính đột phá mRNA được kỳ vọng giúp thế giới giải quyết được nhiều căn bệnh như cúm, sốt rét, thậm chí là HIV/AIDS.
Chỉ trong thời gian ngắn sau khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng khắp thế giới, nhiều loại vắc xin phòng bệnh này nhanh chóng ra đời, trở thành “vũ khí đắc lực” trong cuộc chiến chống đại dịch và được đánh giá là một kỷ lục y học của thế kỷ 21.
Dù không mang lại hiệu quả 100% trong phòng chống bệnh, các loại vắc xin phòng Covid-19 hiện có trên thế giới góp phần giảm số người nhiễm vi rút corona, giảm nguy cơ tiến triển bệnh nặng ở người nhiễm, giảm số người phải nhập viện điều trị và giảm nguy cơ tử vong.
Vắc xin phòng Covid-19 là công cụ hữu hiệu có thể giúp thế giới trở lại cuộc sống bình thường mới. Đến nay, có 2 loại vắc xin Covid-19 sản xuất theo công nghệ mRNA được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt là của hãng Pfizer (Mỹ) hợp tác với BioNTech (Đức) và của Moderna (Mỹ).
Vắc xin mRNA Covid-19 là loại vắc xin mới, dạy các tế bào của cơ thể con người cách tạo ra một loại protein hoặc thậm chí chỉ là một phần của protein để kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể, tạo ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh nếu vi rút thực sự xâm nhập.
Vắc xin mRNA hứa hẹn hiệu quả hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, ít tác dụng phụ hơn. Do đó, các nhà khoa học cho biết, câu chuyện của mRNA có thể sẽ không kết thúc với Covid-19 mà tiềm năng ứng dụng còn lâu dài.
Trong khi thế giới vẫn tập trung triển khai vắc xin Covid-19, cuộc chạy đua cho thế hệ tiếp theo của vắc xin mRNA nhắm vào nhiều loại bệnh khác thực sự bùng nổ. Moderna và BioNTech mỗi bên có 9 ứng viên vắc xin đang trong giai đoạn phát triển hoặc thử nghiệm lâm sàng ban đầu cho một số căn bệnh gây tử vong hàng triệu người mỗi năm.
Hiện có ít nhất 6 loại vắc xin mRNA chống lại bệnh cúm, HIV, Zika, sốt xuất huyết, viêm gan và sốt rét... đã được công bố.
Các đại gia dược phẩm săn đón các nhà nghiên cứu, các công ty công nghệ mRNA với những hợp đồng khổng lồ. Như hãng dược phẩm Sanofi (Pháp) mới đây chi đến 425 triệu USD để hợp tác với công ty công nghệ sinh học mRNA của Mỹ là Translate Bio hay hãng dược GSK (Anh) trả 294 triệu USD để hợp tác với công ty sinh học CureVac của Đức.
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale của Mỹ cũng vừa được cấp bằng sáng chế cho công nghệ vắc xin mRNA phòng chống bệnh sốt rét trong khi Pfizer cho biết họ đang có kế hoạch sử dụng mRNA để chống lại bệnh cúm mùa nguy hiểm.
Hãng dược BioNTech đang phát triển các liệu pháp có thể tạo ra các protein theo yêu cầu liên kết với các khối u cụ thể để dạy cơ thể chống lại sự tiến triển của bệnh ung thư. Trong các thử nghiệm trên chuột, liệu pháp mRNA tổng hợp được chứng minh làm chậm và đảo ngược tác động của bệnh đa xơ cứng.
Có thể nói, công nghệ mRNA đang thực sự bước vào thời kỳ bùng nổ ứng dụng. Nhà khoa học Mỹ gốc Hungary, bà Kariko Katalin là người đưa công nghệ mRNA vào điều chế vắc xin Covid-19 của Pfizer và Moderna.
Vào những năm 1980, sự hiểu biết về mRNA vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, bà Kariko Katalin sớm nhận ra công nghệ mRNA có chức năng truyền đạt thông tin quy định cấu trúc của protein, nắm bí quyết tạo ra hàng tỷ tỷ protein trong cơ thể con người nên tin chắc nó sẽ có tác động rất lớn đến thế giới trong tương lai. Quả vậy, cuộc cách mạng công nghệ mRNA đang thực sự bắt đầu.