Vùng Gò Nổi (Điện Bàn) trứ danh “vùng đất đỏ” 40 năm về trước với cụm 3 xã: Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong nay được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Rực sáng Điện Quang
Điện Quang - đất “địa linh nhân kiệt”, “đất học”, “đất khoa bảng” - cũng là vùng đất chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, nổi tiếng với câu truyền tụng “Nhất Củ Chi; nhì Gò Nổi”. Thời kỳ hậu chiến, sớm có ý thức về sự cần thiết phải sắp xếp lại khu dân cư, lãnh đạo địa phương tiến hành quy hoạch theo kiểu ô bàn cờ dọc hai bên tỉnh lộ ĐT610B, đan xen với trục đường giao thông nông thôn (GTNT) thẳng tắp, vuông vức. “An cư lạc nghiệp”, bà con lại ra quân phá gỡ bom mìn, khai hoang phục hóa để có đất gieo trồng với khẩu hiệu: “Thay trời đổi đất/ Sắp đặt giang sơn/ Xóa bỏ nghèo nàn/ Xây đời hạnh phúc”. Họ đâu chỉ đổ mồ hôi công sức mà có 9 người đã ngã xuống, 101 người bị thương tật do đạp phải bom mìn mới khôi phục được 80ha ruộng lúa nước. Xã tiếp tục quy tập lại 3 vạn mồ mả, chuyện không hề dễ dàng. Tính “tháo” nước tưới, trạm bơm Tư Phú được xây dựng. Năm 1977, tổ chức hợp tác xã ra đời, nay là Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Điện Quang nổi tiếng trong vai trò “bà đỡ” cho nông nghiệp. Chương trình hợp tác hóa đi đôi với thủy lợi hóa, cải tạo đồng ruộng, điện khí hóa đất màu, bê tông hóa GTNT triển khai mạnh mẽ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn trao quyết định công nhận xã Điện Quang đạt chuẩn nông thôn mới 2014. Ảnh: CÔNG TÚ |
Được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, sau 4 năm phát động, Điện Quang đã về đích trước thời hạn 1 năm. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã - ông Trần Công Tin khẳng, thành quả đó trước hết là nhờ sự chỉ đạo, hỗ trợ thiết thực từ trung ương, tỉnh đến huyện; sự thông suốt chủ trương, điều hành hiệu quả của đội ngũ cán bộ đảng viên. Đặc biệt, người dân đóng vai trò chủ thể xây dựng NTM, thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm cao triển khai nhiệm vụ. Và nữa, bà con đồng hương luôn dõi theo, động viên bằng cả tinh thần lẫn vật chất “thúc đẩy” quê hương vươn mình. Theo ông Trần Công Tin, Điện Quang chẳng thể đạt chuẩn NTM nếu không thấm nhuần câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nào mong đền bù, bà con tự nguyện hiến 17.770m2 đất, tháo dỡ và di dời 590 tường rào, cổng ngõ, vật kiến trúc để GTNT được chỉnh trang, bê tông hóa thoáng rộng và đã đặt tên đường. Xây dựng NTM, xã huy động tổng kinh phí gần 137 tỷ đồng, thì nhân dân đã đóng góp hơn 31 tỷ đồng.
Người dân tự nguyện di dời tường rào, cổng ngõ và hiến đất chỉnh trang giao thông nông thôn. |
Giao thông thuận lợi tạo động lực cho kinh tế - xã hội Điện Quang phát triển toàn diện. Hầu khắp biền bãi, hơn 42km đường dây điện trung, hạ thế phủ kín. Có điện và nước tưới, nông dân luân canh, xen canh gối vụ hợp lý nên có mô hình trồng trọt mang thu nhập xấp xỉ 200 triệu đồng/ha/năm. Địa phương tập trung công tác dồn điền đổi thửa, áp dụng mô hình “3 giảm 3 tăng” kết hợp công cụ sạ hàng, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nên năng suất lúa luôn đạt cao. Tận dụng nguồn cỏ dồi dào sẵn có và các phụ phẩm từ nông nghiệp, người dân mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo với tổng đàn hơn 3.000 con. Xã cũng thành công “kéo” doanh nghiệp về vùng thấp lụt đầu tư bao tiêu sản phẩm, giải quyết việc làm, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,36%...
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ở Gò Nổi đạt gần 200 triệu đồng/ha/năm. |
Ấn tượng Trung - Phong
Đã từng có gần 4 năm “sát cánh” cùng các xã điểm, ông Đặng Hữu Lên - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Điện Bàn cho rằng, xây dựng NTM là một cuộc cách mạng đối với 3 xã vùng Gò Nổi nói riêng. Không chỉ làm thay đổi hình thức sản xuất, đem lại đời sống ấm no, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp và an toàn cho khu vực nông thôn, phong trào này rõ ràng đã làm cho nhận thức của bà con chuyển biến mạnh mẽ, khẳng định vai trò chủ thể của chính người dân. Giúp họ hình thành ý thức, nếp sống văn hóa mới, hiểu và tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. |
Điện Trung bằng nhiều hình thức và nội dung tuyên truyền phong phú đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cả hệ thống chính trị về tầm quan trọng của xây dựng NTM. Qua 4 năm triển khai, địa phương đã vận động nhân dân hiến hơn 30.000m2 đất, di dời tường rào cổng ngõ để mở rộng GTNT theo quy hoạch. Giao thông nội đồng, kênh mương được kiên cố hóa; xây dựng mới 11,5km đường dây diện thủy lợi hóa đất màu. Chủ tịch UBND xã - ông Trần Tình cho biết, xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân là mục tiêu trọng tâm của xây dựng NTM, Điện Trung chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng con vật nuôi, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và tự bỏ ra, bà con đầu tư mua sắm máy móc, nâng tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đạt 100%. Đất màu biền, màu thổ được thủy lợi hóa góp phần tăng số lần canh tác trên đơn vị diện tích. Nhờ đó, giá trị thu nhập bình quân canh tác/ha/năm từ 80 triệu đồng (năm 2010) nay tăng lên 150 triệu đồng (năm 2014). Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chuyển biến tích cực góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Liên tục 4 năm qua không xảy ra điểm nóng, không có tụ điểm phức tạp… Xã Điện Trung được đạt chuẩn xã NTM năm 2014, về đích trước 1 năm so với kế hoạch.
Điện Phong thiệt thòi hơn do địa hình phức tạp, bị sông ngòi chia cắt, đất ít dân đông. Dân cư chia nhiều khu vực, đất đai sản xuất phân tán nhỏ lẻ, ruộng cấy hầu hết bậc thang gây ảnh hưởng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền đổi thửa... Cạnh đó, cơ sở vật chất còn thiếu, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, cuối năm 2011 mới có 6/19 tiêu chí đạt chuẩn… Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là một chủ trương hợp lòng dân song rất mới mẻ khiến địa phương ban đầu gặp lúng túng, bị động. Nhưng theo ông Trần Văn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Điện Phong, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ chủ trương và triển khai có hiệu quả nhiều mục tiêu quan trọng. Nhờ sự thấu hiểu và đồng thuận, bà con đã tự nguyện hiến 10.350m2 đất, tháo dỡ tường rào, vật kiến trúc để làm đường GTNT, giao thông nội đồng, xây dựng các công trình phúc lợi và đóng góp gần 16 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Cuối 2014, hộ nghèo giảm còn 3,99; có 16 hộ đã đăng ký thoát nghèo bền vững. Vệ sinh môi trường thực hiện từ trong cộng đồng dân cư, đường làng ngõ xóm, xóa bỏ các tụ điểm rác công cộng… Xây dựng NTM ở Điện Phong thật sự tạo đòn bẩy cho kinh tế không ngừng phát triển, đời sống của nhân dân sung túc hơn, bộ mặt quê hương ngày càng “thay da đổi thịt”.
CÔNG TÚ