Cách nào giữ chân người lao động?

M.M.T 20/08/2019 15:14

Tình trạng nhiều người phải khăn gói xa quê mưu sinh nơi đất khách quê người; tình trạng di dân tự do tạo ra sự biến động cơ học về dân số… là một thực tế khá nhức nhối hiện nay, đòi hỏi phải có giải pháp khả thi để khắc phục. 

Câu hỏi đặt ra là làm sao giữ chân người lao động (NLĐ)? Giải được bài toán này chính là đáp án tốt nhất để giữ “chất xám” của người dân địa phương không phải trôi nổi mưu sinh nơi khác, kể cả “chất xám” chảy ra cả ngoài nước như dư luận hằng quan tâm lâu nay, để bảo đảm NLĐ yên tâm bám trụ quê hương, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình vì sự giàu mạnh của mỗi địa phương.

Chắc chắn khi NLĐ làm việc tại nơi mình cư trú thường xuyên sẽ có điều kiện đóng góp đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước và chính quyền địa phương. Từ thực tế cho thấy, NLĐ đi làm ở nơi xa sẽ “quên” hoặc không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ theo quy định, do đó vô tình tạo ra sự mất công bằng xã hội. Đặc biệt đối với NLĐ nằm trong độ tuổi phải thi hành trách nhiệm công dân theo Luật Nghĩa vụ quân sự thì chuyện “né luật” là khó tránh khỏi. Nếu không có các giải pháp có tính khả thi thì chuyện công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển quân hằng năm coi như bị “bỏ ngỏ” (?).

Muốn giữ chân, thu hút NLĐ làm việc tại địa phương thì vấn đề đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp rất quan trọng. Phải tạo việc làm thường xuyên cho NLĐ phù hợp với tay nghề truyền thống ở địa phương. Việc này đòi hỏi các địa phương phải lập các dự án khai thác, thu hút cho bằng được năng lực lao động thực tế tại địa phương. Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư lập các đề án khai thác, phát triển tiềm năng, thế mạnh nội lực của mỗi địa phương, tránh cho được tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động tại chỗ, thiếu việc làm cho NLĐ thường trú tại địa phương.

Theo một dẫn chứng trên báo chí tại hội nghị cải tiến năng suất lao động tổ chức gần đây, báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, năng suất lao động của Việt Nam tăng đều trong mấy năm gần đây, đạt 4,88% trong giai đoạn 2011 – 2018. Tính đến năm 2018, năng suất lao động toàn nền kinh tế đạt 102 triệu đồng/lao động, tương đương 4.521 USD/lao động, cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011. Tuy nhiên, nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động của nước ta đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore, bằng 19% của Malaysia, bằng 37% của Thái Lan, bằng 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% của Philippines”. Rõ ràng những con số trên đã phản ánh về chất lượng của nguồn lao động, cũng là vấn đề cần được giải quyết để giữ ổn định thị trường lao động.

Những năm gần đây, chúng ta đã tiến hành nhiều hội chợ việc làm cùng nhiều chủ trương, chính sách thu hút khác. Đã tạo được nhiều việc làm cho NLĐ, cho nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp ra trường, nhưng theo ý kiến của những nhà nghiên cứu lao động, ý tưởng tìm việc làm thu hút NLĐ tại chỗ đang còn có một khoảng trống khá lớn so với nhu cầu cần việc làm ổn định của NLĐ. Vấn đề này xin dành cho chính quyền các địa phương và nhà tuyển dụng lao động.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cách nào giữ chân người lao động?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO