Cách người xưa khuyến học trọng văn

NGUYỄN DỊ CỔ 27/12/2020 05:53

Tinh thần khuyến học trọng văn của những người con ưu tú xứ Quảng từ xưa đến nay vẫn giữ vững, như là một trong những chỉ dấu về vùng đất học nổi danh một thời...

Phạm Phú Thứ là một trong những trí thức hàng đầu không chỉ của đất Quảng mà còn đối với đất nước trong thế kỷ 19.
Phạm Phú Thứ là một trong những trí thức hàng đầu không chỉ của đất Quảng mà còn đối với đất nước trong thế kỷ 19.

Xây dựng văn từ

Quan niệm của Phạm Phú Thứ là “muôn đời có đức Tiên thánh mà trụ trời nhờ đó được tôn lên, cõi đất nhờ đó được dựng; kỷ cương con người nhờ đó không mất. Những ai đầu đội trời chân đạp đất, ở nhà, ăn cơm, đều nghĩ rộng đến sự kính mến bậc tiên thánh” (Nguyễn Xuân Tảo - NXT dịch). Đỗ Thúc Tịnh “xướng tạo” thánh từ. Văn bia Vinh Lộc văn hội tổng An Phước (thuộc huyện Hòa Vang ngày nay) cũng khắc ghi: “Việc kiến thiết thánh từ là để sùng đạo (Nho học)”. Theo đó, Quảng Nam xưa đã rất chú trọng trong việc xây dựng văn từ để khuyến thưởng giáo dục.

Phạm Phú Thứ gửi thư cho Nguyễn Tường Phổ về việc làm văn chỉ. Bức thư đề ngày Thanh minh năm Nhâm Tý thời Tự Đức (1852): “Huyện ta định dựng từ chỉ của Tiên thánh sư, mười năm nay sĩ phu đều có lòng ấy mà không khỏi bị cười bên đường, chính là vì chưa được người ấy tức là không có cơ hội nên phải đợi vậy. Nghe ngài Tri phủ cũng có tâm ấy thế thì huyện ta đã gặp được ngài tại nền móng dựng xây này, ngài gồm đủ trí huệ. Lúc này thực là sĩ phu huyện ta đã được an ủi được tấm lòng này” (Trần Đại Vinh - TĐV dịch).

Mọi người đều có tinh thần hăng hái trong việc tổ chức kiến thiết văn từ. Người góp của, người góp công. Văn bia “Kiến học từ bi” do Phạm Hữu Nghi soạn, dựng ở Văn miếu Điện Bàn (hiện trưng bày ở Bảo tàng Điện Bàn) cho biết, Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh người Hòa Vang và Cử nhân Nguyễn Thành Châu “xem chọn đất để làm văn miếu”. Văn bia trùng tu đền Tiên thánh Điện Bàn do Phạm Phú Thứ soạn ghi lại công lao “Hội trưởng là quan Huấn đạo Hòa Vang Nguyễn Vũ Du Hiển Doãn, nguyên là Tham tán cho Ông Mục Chi Ích Khiêm, trông coi đến khi công việc hoàn thành; huy động dân có quan Tư giám Hồ Diêu; đi khuyến đạo khắp mười tổng trong huyện là các vị Tư sự, Dự sự, Tú tài và Chánh phó tổng; đi khuyên quyên trợ có Cử nhân Nguyễn Duy Hiệu, Trần Thành Lạc, Tú tài Lí Sĩ Long, Phạm Hữu Dụng, Nguyễn Hiển Dĩnh, Hồ Trung, Văn Hữu Trực…” (NXT dịch).

Nguyễn Tường Phổ đề xuất bản đề nghị danh sách các vị khoa bảng của địa phương để đưa vào thờ trong văn chỉ phủ Điện Bàn. Đó là những hương hiền: Tham nghị Phạm Thanh Hiến công húy Hữu Kính, người làng Khả Phong, thông minh chính trực, người đương thời gọi là thần sống; Lễ bộ viên ngoại lang Trần húy Tú, người Cẩm Đăng, cử nhân khoa Quý Dậu niên hiệu Gia Long, cần cán rất được lòng dân; Lại bộ tả tham tri Nguyễn, húy Đức Chính, người Thăng Bình, cử nhân khoa Tân Mão niên hiệu Minh Mệnh, được mọi người ca ngợi; Biên Hòa án sát Tào húy Quang Lệ, người An Quán, cử nhân khoa Tân Tỵ đời Minh Mạng, nhậm chức huyện Bình Sơn, giữ lòng thanh bạch, bình dị gần dân, dân đều yêu kính, đời Thiệu Trị được truy tặng Thái bộc tự khanh. Danh sách những vị hương hiền này đều được các bậc văn thân tại kinh đô đồng ý lựa chọn. Ngoài ra, Nguyễn Tường Phổ còn đề xuất thêm Nghị Trai tiên sinh Huỳnh, húy Văn Ngữ, người làng Hội An, tú tài khoa Quý Dậu đời Gia Long, hạnh cao mà học rộng, khởi xướng văn phong đầu tiên, tác thành cho nhiều nho sĩ, là người có công với Nho giáo. Mục đích của việt tòng tự các vị hương hiền ở bên tả của văn chỉ là để “khuyến thưởng vậy”.

Khuyến học

Không chỉ tại địa phương, những người con đất Quảng khi làm quan ở địa phương khác cũng xướng xuất khuyến khích giáo dục. Trong thời gian nhậm quan ở Khánh Hòa, Đỗ Thúc Tịnh cũng đã ra sức “triệu tập văn thân” dời đền thờ văn chỉ Diên Khánh về dựng ở phía đông phủ lỵ, đồng thời “làm tờ thông báo và khuyên người trong hạt gắng sức đóng góp tài lực, ra sức xây dựng” (Võ Nhân dịch). Phạm Như Xương khi làm quan ở Nghệ An cũng đứng ra soạn thảo khắc đá văn bia Nho học cho địa phương, có tên Đông Thành huyện Vạn Phần xã hiền chỉ bi ký.

Cùng với việc xây dựng văn từ là việc vận động thành lập các hội tư văn. Minh Hương Hội An có Hội Minh Văn, tổng An Phước Hòa Vang có Hội văn Vinh Lộc, vùng đất Gò Nổi có Hội “Văn Xương xã”. Phạm Phú Thứ nhận xét về Hội “Văn Xương xã”: “trang trọng duyệt kỹ lại, thấy rằng tất cả những điều vui làm điều thiện, thích việc nghĩa đều từ cái gốc tốt”, “làm cho phong tục thuần hậu, đức nhân hưng thịnh, rồi học hành thi cử, ý nguyện công danh sự nghiệp tiến lên không biết mệt mỏi”.  

Khi quan Thái thường tự Thiếu khanh Nguyễn Đoan Cẩn (là thầy dạy của Phạm Phú Thứ) mất, “những học trò đang làm quan đều xin về” để dự lễ tang của thầy, rồi “dựng bia nêu công đức” cho thầy. Học trò còn bàn nhau “mua ruộng tế” là đóng tiền mua ruộng để đến ngày giỗ thầy thì làm lễ tế bái. Nhà thờ ân sư vì lâu năm hư hỏng thì học trò góp tiền tu sửa, cho rằng “đó là trách nhiệm của các học trò”.

Phạm Phú Thứ soạn văn bia để “kể lại ân đức tót vời” của vị ân sư Nguyễn tiên sinh ở Trà Kiệu: “Vẻ vang tiên sinh/Trời cho thuần đức/Hiếu đầu nhân luân/Hành vi rất mực/Yêu mến hết lễ/Hòa thuận hợp thơ/Họ hàng làng xóm/Người người yêu vì/Đức nghiệp văn chương/Học sâu thực dụng/Tiếng khen bậc hiền/Giữ đạo tự trọng/Khéo dạy khéo bảo/Nho thân họp đông/Khe Trà lũ lượt/Nghìn đời dấu chung/Hang chi ngát hương/Ao sen xanh mượt (…)” (NXT dịch).

Việt Nam có truyền thống đối liễn, nhất là khi đỗ đạt, người ta thường làm câu đối chúc tặng nhau. Phạm Phú Thứ chúc mừng Đỗ Thúc Tịnh đỗ tiến sĩ: “Vân trình giá ẩn, liên song tiệp/ Quỳnh uyển xuân thâm, phổ bát tiên = Đường mây xe giấu, hai lần thắng/Vườn ngọc xuân sâu, ghi bát tiên” (TĐV dịch).

Phạm Phú Thứ cũng làm bài văn Hạ La Châu Đỗ đài đăng tiến sĩ (Mừng ông Đỗ ở La Châu đỗ tiến sĩ): “Tỉnh ta là đất gần kinh kỳ, thanh giáo nối tiếp khen văn học Kinh đô, nổi tiếng khắp bốn biển. Từ năm Mậu Tuất thời vua Minh Mạng trở về sau, cũng đã có người được lên Bảng Xuân, khoảng giữa chừng hơi dừng lại, đâu phải tuyển chọn khéo léo, như tôi mới bước theo sau, mà những kẻ sĩ tài tuấn tỉnh ta lại không hòng tiến lên phía trước sao? Nếu không thế thì chắc còn đợi đó. Năm Tự Đức nguyên niên, vua ta ra phép tắc chọn nhân tài, kẻ sĩ trong thiên hạ như mây họp, được nêu tên trên bảng chính có tám người, tỉnh được một, nghe ra là Đỗ quý đài ở La Giang. Như vậy há chẳng yên ủi, chẳng mừng tặng và càng trông mong hay sao? Ông Đỗ, gia thế thi thư, tính trời hiếu thuận, độ lượng, tao nhã, không một vế gì với người đời. Vốn tư chất trầm tĩnh, học hỏi sâu rộng. Mặc dầu có xem rộng các sách bói tướng, thuật số, nhưng việc làm không xa cách thói đời, mà chí thường tìm ở người xưa. Trong bè bạn ngày thường đều coi ông là người có đức độ. Ngày nay xem ra thực là điều đáng yên ủi” (NXT dịch).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cách người xưa khuyến học trọng văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO