(QNO) - Từ ngày 1/7/2023, cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8%. Công thức tính lương được chia theo từng nhóm.
Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 10 hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội.
Từ ngày 1/7/2023, theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành.
Theo thông tư mới, cách tính lương cơ sở được chia theo 4 nhóm đối tượng.
Nhóm 1, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động căn cứ vào hệ số lương và phụ cấp hiện hưởng quy định tại các văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 24 ngày 14/5/2023 của Chính phủ để tính mức lương, mức phụ cấp và mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).
Công thức tính mức lương như sau: mức lương thực hiện từ ngày 1/7/2023 = mức lương cơ sở (1,8 triệu đồng) x hệ số lương hiện hưởng.
Công thức tính mức phụ cấp được chia theo 3 khoản.
Đối với các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở: mức phụ cấp thực hiện từ ngày 1/7/2023 = mức lương cơ sở (1,8 triệu đồng) x hệ số phụ cấp hiện hưởng.
Đối với các khoản phụ cấp tính theo phần trăm mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có): mức phụ cấp thực hiện từ ngày 1/7/2023 = mức lương hiện hưởng từ ngày 1/7 + mức phụ cấp lãnh đạo thực hiện từ ngày 1/7/2023 + mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ ngày 1/7/2023 x tỷ lệ phần trăm phụ cấp được hưởng theo quy định.
Đối với các khoản phụ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể thì giữ nguyên theo quy định hiện hành.
Đối với mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có): mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu thực hiện từ ngày 1/7/2023 = mức lương cơ sở x với hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng (nếu có).
Nhóm 2, đối với đại biểu HĐND các cấp, căn cứ vào hệ số hoạt động phí đối với đại biểu HĐND các cấp theo quy định của pháp luật hiện hành để tính mức hoạt động phí. Mức hoạt động phí thực hiện từ ngày 1/7/2023 = mức lương cơ sở x hệ số hoạt động phí theo quy định.
Nhóm 3, đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, từ ngày 1/7/2023, quỹ phụ cấp được ngân sách nhà nước khoán đối với mỗi cấp xã, mỗi thôn, tổ dân phố quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 2 Nghị định số 34 ngày 24/4/2019 của Chính phủ được tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng. Việc quy định cụ thể mức phụ cấp đối với các đối tượng này thực hiện theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 2 Nghị định số 34.
Từ ngày 1/8/2023, quỹ phụ cấp được ngân sách nhà nước khoán đối với mỗi cấp xã, mỗi thôn, tổ dân phố quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 34 Nghị định số 33 ngày 10/6/2023 của Chính phủ được tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng. Việc quy định cụ thể mức phụ cấp đối với các đối tượng này thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 34 Nghị định số 33.
Nhóm 4, đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu. Cụ thể, người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an.
Người làm việc trong tổ chức cơ yếu trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an), thực hiện tính mức lương, mức phụ cấp và mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo cách tính của nhóm 1.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, thay thế Thông tư 04 về thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội.
Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến nay, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố trong nước và quốc tế, đặc biệt là tác động của COVID-19 nên chưa có điều kiện để tiếp tục điều chỉnh mức lương cơ sở.
Mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng đã được giữ từ ngày 1/7/2019 đến nay. Nếu so với mức lương tối thiểu vùng của người lao động khu vực doanh nghiệp thì mức lương 1,49 triệu đồng/tháng (áp dụng đối với đối tượng hưởng lương ngân sách) mới đạt 37,89% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2022 (3,93 triệu đồng/tháng), dẫn đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, Bộ Nội vụ cho rằng, việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng thêm 20,8%), thực hiện từ ngày 1/7 là cần thiết nhằm góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.