Văn chương tự ngàn xưa vẫn được người phương Đông tôn vinh, xem như là một gì cái đó rất đỗi cao sâu, hàm chứa vẻ đẹp và tinh túy của trời đất. Nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường có hai câu thơ nổi tiếng: “Văn chương thiên cổ sự/ Đắc thất thốn tâm tri (Văn chương là chuyện ngàn năm. Được hay mất, chỉ tấc lòng biết thôi).
1. Văn chương đã được xem là tiếng nói của tâm tình, là phương tiện dùng để biểu đạt hoài bão, chí nguyện, tâm tư... nên chắc hẳn nhiều người sẽ vô cùng sửng sốt khi nghe nói có trường dạy viết văn! Dường như trên thế giới chỉ có hai trường dạy viết văn là trường Gorky thuộc Liên bang Xô Viết cũ, và trường Nguyễn Du của Việt Nam?
Người ta có thể lập luận: môn gì cũng có thể dạy và học thì hà cớ gì môn viết văn lại là ngoại lệ? Quan niệm đó cũng chẳng có gì là sai. Hội họa, âm nhạc, điêu khắc đều là những bộ môn nghệ thuật cao cấp, và trong các lĩnh vực đó vẫn phải có thầy dạy. Và lịch sử cho thấy có không ít họa sĩ, nhạc sĩ, điêu khắc gia xuất chúng được đào luyện bởi những danh sư trong các lĩnh vực đó. Nhưng có điều lạ là trong lĩnh vực văn thơ lại không hề có quan niệm thầy trò như trong hội họa, điêu khắc và âm nhạc. Tự cổ chí kim, cả Đông và Tây, chưa hề có một nhà văn hay nhà thơ nổi tiếng nào lại xuất thân dưới sự chỉ dạy của một vị sư phụ nào cả!
Người phương Đông thường cho rằng muốn viết văn cần phải có ba điều kiện. Thứ nhất là có kiến thức, thứ hai là có khiếu văn chương (dân gian gọi là có tay kinh bút), thứ ba là có vốn sống. Điều thứ nhất, đối với ngày xưa phải là kết quả khổ luyện do dùi mài kinh sử, nhưng đối với bây giờ thì quá dễ. Một học sinh phổ thông nếu sử dụng thành thạo máy tính và biết khai thác thông tin từ “cụ Google” thì có thể uyên bác hơn cả cụ Lê Quý Đôn! Điều thứ hai thường là do năng khiếu bẩm sinh, nên có thể xem là chuyện “hên xui”. Nhưng cái thứ ba - vốn sống mới thực sự quan trọng, và quyết định nên cái “chất văn chương” của một người.
Văn chương muốn cảm động được lòng người thì phải là văn chương “thực”, mà “thực” thì không có gì hơn được những gì ta từng trải nghiệm và sống. Không thực thì cho dù có hoa mỹ đến mấy, văn chương cũng chỉ là thứ phù hoa vô vị. Và đã là “vốn sống” thì không ai giống ai, trừ những người đồng cảnh ngộ. Cho nên người phương Tây nói “văn là người” (Le style, c’est l’homme) là vậy. Vốn sống của Thúy Kiều dĩ nhiên phải khác với Thúy Vân, của Kim Trọng phải khác xa Từ Hải. Vốn sống của người này sẽ là cái “bất khả truyền” đối với người kia. Cho nên nếu Thúy Kiều và Thúy Vân cùng viết văn thơ thì văn chương họ hẳn sẽ bất đồng!
2. Người viết văn ngày xưa hiểu thấu lẽ đó nên không nhọc công bắt chước một ai, vì quan niệm cái “vốn sống” đó là “bất khả truyền”, không thể truyền đạt được. Bắt chước mãi theo bất kỳ người nào, dẫu đó một thiên tài, chỉ tự đánh mất đi cái riêng của mình, mà chính “cái riêng” đó mới làm cho ta được là chính ta. Con chim sẻ dĩ nhiên không thể “hoành tráng” như đại bàng, nhưng nó vẫn luôn có vẻ đẹp riêng để tô điểm cho thiên nhiên là nhờ có đường bay riêng của mình, chứ nếu nó cứ lẽo đẽo bay theo sau cánh đại bàng thì sao cho kịp.
Văn chương cũng thế. Không ít người mới viết văn thường hay bắt chước phong cách viết văn của những người nổi tiếng, nhưng những loại văn chương “fake” đó vẫn luôn để lộ sự kệch cỡm vụng về. Giống như Trương Trào từng nói: “Văn chương của đại gia, tôi yêu và hâm mộ, nguyện học theo; văn chương của danh gia, tôi yêu và hâm mộ, nhưng không dám học theo. Học theo đại gia mà không được, kêu bằng “khắc con ngỗng không thành cũng còn ra dáng con cò”; còn học danh gia mà không được, đó là “họa hổ không thành, ắt sẽ biến thành con chó” vậy. (Đại gia chi văn, ngô ái chi, mộ chi, ngô nguyện học chi; danh gia chi văn, ngô ái chi, mộ chi, ngô bất cảm học chi. Học đại gia nhi bất đắc, sở vị “khắc cốc bất thành, thượng loại vụ” dã; học danh gia nhi bất đắc, tắc thị “họa hổ bất thành, phản loại cẩu” hỹ).
“Họa hổ không thành, ắt sẽ biến thành con chó”. Đọc câu này, ta có thể hình dung được văn chương của những người bắt chước, chuyên dùng những ngôn ngữ đại cà sa được cóp nhặt vớ vẩn từ những trang sách của các văn hào. Giống như đem cái áo rộng thùng khoác lên cái thân thể gầy nhom.
Sách của Trang Tử có kể một câu chuyện. Tây Thi là một giai nhân tuyệt đại, điều đó thì ai cũng biết. Bình thường nàng đã quá xinh đẹp rồi, đặc biệt khi đau bụng, tay ôm bụng, mặt mày nhăn nhó thì lại càng xinh đẹp hơn. (Đúng là chuyện lạ!). Có cô hàng xóm thấy vậy liền bắt chước. Nhưng khi cô ta nhăn mặt thì con nít trông thấy đều phải khóc thét lên, còn người lớn thì vội lo tìm chỗ nấp. Đó là sự khác biệt giữa sự tự nhiên và bắt chước, nói nôm na theo ngôn ngữ bây giờ thì đó là sự khác biệt giữa “hàng zin” và “hàng nhái”.
Những danh gia có chân tài thực học bẩm sinh, nhấc bút thành văn, mở miệng thành thơ thì dĩ nhiên không cần phải bắt chước ai, còn những người viết văn bình thường như chúng ta cũng chẳng cần phải bắt chước ai, vì cứ viết thực theo những gì ta cảm nhận và sống thực thì văn chương ta tự nó vẫn có nét riêng. Cái đó mới hấp dẫn người đọc. Cũng như khi ta đi tham quan một bộ tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, điều ta quan tâm và thích thú là xem trong sinh hoạt đời thường, họ có cái gì đặc biệt của riêng họ, chứ đâu phải tìm hiểu xem họ bắt chước được người đồng bằng ở mức độ nào. Văn thơ cũng vậy, đâu có khác gì?