Cải cách bộ máy hành chính nhà nước phải gắn với cải cách chế độ chính sách tiền lương

NHO TUẤN 01/11/2017 18:57

(QNO) - Một trong những nội dung chính của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV là xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2018 - 2020).

Đại biểu Phan Thái Bình – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: NHO TUẤN
Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: NHO TUẤN

Sau các phiên thảo luận tổ, Quốc hội đã dành hơn 2 ngày thảo luận tại hội trường về nội dung trên. Theo báo cáo của Chính phủ, dự báo kinh tế - xã hội năm 2017 sẽ đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Chính phủ đề xuất: GDP tăng 6,5 - 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Các ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường đã cho thấy bức tranh khá toàn diện về nền kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua. Bên cạnh những mặt tích cực, sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành trung ương và các địa phương, nhiều ĐBQH bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng như tăng trưởng chưa bền vững và phụ thuộc vào một số yếu tố ngắn hạn; khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn; tình trạng buôn lậu, lãng phí; bộ máy nhà nước cồng kềnh, nợ công cao... Các ĐBQH cũng đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bày tỏ đồng tình, thống nhất với đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và những định hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Chính phủ. Theo đó kinh tế - xã hội phát triển tích cực, lần đầu tiên trong nhiều năm, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Nhiều chính sách mới được ban hành, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển là động lực mới quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả đạt được đã tạo niềm tin trong cử tri về sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành năng động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đại biểu Phan Thái Bình kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương một số nội dung cụ thể, đó là:

Thứ nhất, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành, phê duyệt nhiều chiến lược, đề án, chương trình cấp quốc gia như: Chiến lược phát triển văn hóa xã hội, Chiến lược phát triển thể dục thể thao, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam... Riêng đối với tỉnh Quảng Nam, Chính phủ phê duyệt 3 đề án: Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích văn hóa Mỹ Sơn; Quy hoạch phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa; Quy hoạch tổng thể đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An. Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tổ chức tổng rà soát các chương trình, đề án, chiến lược này để xem xét bố trí nguồn lực để đảm bảo thực thi có hiệu quả.

Thứ hai, về phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đại biểu đồng tình với các giải pháp của Chính phủ đề ra, song đề nghị cần có cái nhìn đúng và toàn diện hơn về cải cách bộ máy hành chính, xây dựng nền hành chính kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả; trong đó cần đặt vấn đề cải cách bộ máy hành chính nhà nước phải gắn với cải cách chế độ chính sách tiền lương. Từ năm 1960 đến nay, chế độ chính sách tiền lương đã trải qua 3 lần cải cách lớn và từ năm 2004 đến nay đã có hàng chục lần nâng mức lương tối thiểu. Tuy vậy, số tăng ngạch, bậc lương còn nặng về bằng cấp, thâm niên, chưa phù hợp với nhu cầu công việc. Hệ số giãn cách giữa các bậc lương còn thấp, làm giảm tính kích thích tăng lương trong công chức và tăng tính bình quân trong trả lương. Cách tính lương của công chức dựa vào mức lương tối thiểu nên mức lương thấp hơn mức lương bình quân chung trên thị trường, do đó mức lương của công chức chưa phù hợp với giá trị cống hiến của người lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, không thu hút được người tài. Hiện nay có quá nhiều loại phụ cấp tăng thêm, chưa tạo sự công bằng giữa những người làm việc trong hệ thống chính trị. Vấn đề này cử tri đã kiến nghị nhiều lần, Chính phủ cũng đã chỉ đạo, nhưng các bộ, ngành vẫn chưa đề xuất được phương án căn bản cải cách chế độ tiền lương, nhất là đổi mới hệ thống thang bảng lương, ngạch bậc lương nhằm tạo ra sự công bằng trong đội ngũ công chức. Để cải cách bộ máy nhà nước, cần thiết phải mạnh dạn cải cách, đổi mới hệ thống thang, bảng lương theo hướng trả lương theo vị trí việc làm, tăng hệ số giãn cách giữa các bậc lương, hoàn thiện các loại phụ cấp cho phù hợp. Trong đó chú trọng các ngành nghề chuyên môn chất lượng cao, phụ cấp chức vụ để khuyến khích, tạo động lực cho công chức phấn đấu, thu hút được nhân tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước: thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy nhà nước, xây dựng bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật kỷ cương. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí thật sự hiệu quả khi gắn với cải cách chế độ chính sách tiền lương, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, xây dựng nền công vụ hiện đại, phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, trong cải cách chế độ tiền lương, đại biểu đề nghị phải đặc biệt quan tâm đến việc tăng lương cho những người nghỉ hưu trước năm 1993 vì hầu hết những người này có lương hưu rất thấp.

Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết của Quốc hội về cải cách bộ máy hành chính nội dung: phương pháp tiếp cận thực hiện cải cách bộ máy hành chính phải thực hiện từ trên xuống, các bộ ngành trung ương làm trước, nêu gương và hướng dẫn cấp dưới làm theo; nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, giảm hội họp để tăng cường đi cơ sở, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người dân, giải quyết các vấn đề từ cơ sở.

Đại biểu Phan Thái Bình cũng chuyển đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành một số kiến nghị của cử tri Quảng Nam nhiều lần kiến nghị trong thời gian qua như: sớm xúc tiến đầu tư phát triển sân bay Chu Lai theo quy hoạch, trở thành sân bay trung chuyển quốc tế, trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay thế giới, phát huy tiềm năng của sân bay lớn ở khu vực miền Trung, nằm giữa hai khu kinh tế lớn Dung Quốc và Chu Lai; sớm khởi động dự án khí Cá Voi Xanh; sửa chữa, nâng cấp các tuyến quốc lộ 14E, 40B và đặc biệt là tuyến quốc lộ 14G nối với cửa khẩu phụ Kà Lừm - Tây Giang nhằm phát triển vận tải xuyên biên giới, kết nối phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây.  

NHO TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải cách bộ máy hành chính nhà nước phải gắn với cải cách chế độ chính sách tiền lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO