(QNO) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo 63 tỉnh, thành tại hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức vừa được tổ chức (ngày 26.7).
Tại điểm cầu Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cùng dự. Phát biểu chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước tình hình còn khó khăn chung hiện nay, đòi hỏi công tác cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức cần phải được chú trọng thực hiện.
Các đồng chí lãnh đọa UBND tỉnh dự hội nghị trực tuyến về CCHC tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: NGUYỄN ĐOAN |
Giảm thủ tục
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa 115 thủ tục hành chính, nâng tổng số thủ tục hành chính được đơn giản hóa lên 3.396 thủ tục hành chính trên tổng số 4.751 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, thực hiện đánh giá tác động 1.053 thủ tục hành chính và ban hành 2.181 quyết định công bổ thủ tục hành chính và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia.
Tại Quảng Nam, từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 24 quyết định công bố thủ tục hành chính mới, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở, ngành. Các sở, ngành, địa phương trên địa bàn đã tích cực triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông góp phần tăng cường năng lực, nghiệp vụ hành chính, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước được đẩy mạnh với hơn 70% cán bộ, công chức tham gia. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho biết, công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Quảng Nam chú trọng thực hiện thời gian qua. Bên cạnh thực hiện đề án 600 của Bộ Nội vụ, địa phương đã và đang triển khai thực hiện đề án 500 về đào tạo cán bộ chủ chốt cấp xã, phường. Năm 2012, UBND tỉnh thực hiện tuyển dụng công chức đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh công bằng, công khai theo quy định được dự luận rất đồng tình ủng hộ. Đối với các thí sinh trúng tuyển công chức nhưng không thuộc diện công chức dự bị thì địa phương bắt buộc thực hiện thử thách một năm, nếu đáp ứng được các nhu cầu cơ quan, đơn vị đặt ra thì mới được công nhận chính thức. “Trong thi tuyển công chức, vấn đề được địa phương quan tâm đó là lực lượng công chức dự bị là những người đã có thời gian đảm nhiệm công việc, làm tốt công tác chuyên môn nhưng thi không trúng tuyển công chức thì sẽ giải quyết như thế nào cho hợp tình, hợp lý” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quang phát biểu.
Chú trọng chất lượng
Ghi nhận ý kiến kiến nghị của các địa phương liên quan đến công tác thi tuyển công chức, công tác cán bộ hiện nay, ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết bộ đang nghiên cứu, trình Chính phủ đổi mới phương thức theo hướng chuyển một số môn thi trong kỳ thi tuyển công chức từ viết sang thi trực tuyến - thi trên máy vi tính. Bộ sẽ hoàn thiện và tổ chức nghiệm thu phần mềm tổ chức thi trên máy vi tính. Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép nhân bản và chuyển giao trọn gói công nghệ thi công chức theo phương pháp trực tuyến cho các bộ, ngành, địa phương cùng thống nhất thực hiện. Theo đó sẽ đảm bảo thực hiện tối đa nguyên tắc khách quan, công bằng, chất lượng, thực tài trong thi tuyển công chức.
“Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào thi công chức. Bảo đảm mục tiêu đến năm 2015, 100% các cơ quan Trung ương và 70% các cơ quan hữu quan ở địa phương thực hiện ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển, thi nâng ngạch công chức. Bộ Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc ứng dụng công nghệ tin học vào tổ chức thi công chức”- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, thời gian qua, công tác cải hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức đã được nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên, qua kết quả đánh giá chung cho thấy công tác này vẫn còn triển khai chậm, mang tính hình thức và chưa đạt yêu cầu đề ra. Theo đó, theo đòi hỏi của tình hình mới, công tác cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức phải được các bộ, ngành, địa phương chú trọng thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất. Trong đó, ngành nội vụ cần tập trung xây dựng vào hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức. Các ngành, địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học vào thi công chức trong phạm vi cả nước; thực hiện tinh giảm biên chế theo hướng chú trọng về chất lượng năng lực của cán bộ, công chức; xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; nêu cao trách nhiệm, kỷ cương kỷ luật đối với cán bộ công chức…
“Trong 6 tháng đầu năm mà chỉ giảm được 115 thủ tục hành chính như Bộ Nội vụ báo cáo là còn quá ít, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nhiệm vụ then chốt đặt ra hiện nay là, gắn liền với công tác cải cách chế độ công vụ, công chức là thực hiện cải cách hành chính nhằm hướng tới việc tinh giảm, tinh gọn hóa hoạt động của bộ máy công quyền. Từ đó mới phục vụ nhanh chóng, thuận lợi cho người dân, tổ chức khi tham gia thực hiện các thủ tục hành chính. Thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền chính là chỉ số hài lòng của người dân” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
NGUYÊN ĐOAN