Cãi, cải và... cãi

NGUYỄN ĐIỆN NAM 27/05/2018 08:52

Chuyện “hay cãi” tưởng chỉ tính cách của người Quảng Nam, nhưng nào đâu phải thế. Người ở nơi mô cũng có thể cãi vì bây giờ có nhiều chuyện đáng cãi quá.

Cãi như người Sài Gòn, sau mấy cơn mưa vừa rồi ngập tùm lum vậy mà ngành giao thông ở đó cứ bảo chỉ có 10 điểm ngập còn lại là các điểm “tụ nước”. Chữ “ngập” hay “tụ” trong trường hợp này khác gì nhau? Có người suy đoán vì dự án chống ngập không hiệu quả nên nói né qua… tụ nước để giảm trách nhiệm (!)

Còn ở phía bắc,  dự án nạo vét sông Sào Khê của Ninh Bình, ban đầu chỉ dự toán 72 tỷ đồng, dần dần “nở” to tới 2.595 tỷ đồng. Cái chuyện “nở dần” như thế gây tranh cãi về trách nhiệm thẩm định, phê duyệt, rồi đổ lỗi cơ chế, và nghi vấn có hay không việc “chạy” dự án từ việc đưa vào danh mục đầu tư để xin cho.

Vụ cãi “toàn tập”, cãi khắp nơi,  đang bùng nổ liên quan đến cái tên gọi trạm BOT. Từ lâu loại trạm này đã mang tên là “trạm thu phí”. Sau những cuộc phản ứng của cánh tài xế thì ngành giao thông “nghiên cứu” để rồi chỉ cải cái tên thành “trạm thu giá”.  Một bên ủng hộ cho rằng việc cải tên dựa trên luật Phí và luật Giá là có cơ sở, còn ông Bộ trưởng Bộ GTVT giải thích cách làm đó để “linh động” trong việc quyết định thu tiền qua trạm BOT. Những lý lẽ này xem ra không vững, khiến dư luận từ báo chí đến mạng xã hội phản bác gay gắt. Ngay chữ nghĩa đã không ổn, có người tỉ mẩn tra cứu từ điển để chỉ ra có 22 từ giá đồng âm, và khái quát “cái gì đáng bao nhiêu gọi là giá” (Từ điển Thiều Chửu). Như vậy, “giá” là cái để so sánh trong trường hợp chung đơn vị đo như phẩm giá, danh giá, trị giá... Trong kinh tế, giá cả là sự so sánh vật chất với đơn vị đo bằng tiền; còn giá trị có thể đo bằng nhiều thông số, có thể là tiền và những thứ khác. “Giá” chỉ có một trường hợp cụ thể hướng đến việc đánh giá bằng tiền, còn chung nhất là một từ dùng để hình dung, so sánh sự vật. Vậy, thu phí là có nghĩa thu tiền, rất rõ ràng, còn thu giá - không lẽ là thu cái thuộc tính đáng bao nhiêu tiền của sự vật (?), vô nghĩa. Hơn nữa, điều cấm kỵ trong việc dùng chữ nghĩa có thể gây tranh cãi về cách hiểu để thực thi (như đùa là thu giá đậu, giá đỡ hay sao); vì thế có ý kiến cho việc “dán đè” lên chữ “phí” bằng chữ “giá” là sự đánh tráo khái niệm, trí trá. Điều đáng nói thêm sau một hồi tranh cãi, cái lõi vấn đề không phải ở chữ nghĩa mà sự không minh bạch trong thu tiền phí/giá qua trạm BOT. Dư luận đòi hỏi việc làm đường phải công khai rõ ràng về kinh phí đầu tư rồi mới ấn định mức phí và thời gian thu. Đáng lẽ bộ chủ quản cần cải sửa, cải thiện, cải đổi cách làm bất hợp lý, thiếu minh bạch từ đầu tư đến thu tiền phí qua các trạm BOT dựng ở “nút thắt” gom cả đường làm mới và đường cũ trên tuyến độc đạo. Chính phủ cũng đã có hội thảo về logistics, ghi nhận ý kiến nhiều chuyên gia, các nhà doanh nghiệp đề xuất làm sao để cải cách, cắt giảm chi phí vận tải, kho bãi (chiếm đến 20 - 25% GDP) làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa. Vậy mà chỉ lo cải mỗi cái chữ “phí” thành “giá”, rồi vẫn bắt người ta cam chịu tình trạng lạm thu (cam giá), để trạm dày đặc, qua trạm này (xuất giá) lại đến trạm khác (tái giá), cãi, cười, đau!  

Không riêng lĩnh vực giao thông, còn nhiều thứ đáng cãi nữa. Ví như ngành y, qua vụ xử bác sĩ Lương, chuyện bác sĩ khám bệnh và ra y lệnh có phải chịu trách nhiệm kiểm định thuốc, phương tiện chữa trị hay không, còn tiếp tục gây tranh cãi. Hay như ngành giáo, việc phong giáo sư làm dậy sóng bao cơn bão chỉ trích hết người này đến người khác xem xét có xứng đáng hay không. 

Làm sai bị cãi thì cải sửa. Những gì lạc hậu, phản tiến bộ thì cần cãi để cải cách. Đổi mới rồi mà có khiếm khuyết vẫn bị cãi thì cải thiện để hoàn chỉnh. Một quá trình cãi, cải và cãi như vậy đã từng hình thành trong lịch sử, như phong trào Duy tân đã từng khởi xướng ở Quảng Nam và cả nước. Nhưng cãi hay cải đều cần có chuẩn tắc, không thể tùy tiện. Và trong trường hợp nào cũng phải dùng đến lời nói, chữ nghĩa, khái niệm có quy chuẩn cả. Thế nào là quy chuẩn đúng, phù hợp để bớt tranh cãi? Rất khó giải thích đầy đủ, chỉ biết yêu cầu thông thường là cần phải gọi đúng tên và mô tả rõ ràng sự vật, hiện tượng, vừa khoa học vừa đại chúng, như cháo gà được làm từ thịt gà, cháo vịt làm từ thịt vịt, cháo bò làm từ thịt bò. Nhưng nên lưu ý có thứ gọi tên theo kiểu tương tự nhưng nghĩa không phải vậy, như cháo heo không phải làm từ thịt heo mà là thức ăn dành cho heo.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cãi, cải và... cãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO