Cái cao cả của sự giản dị

TẦN HOÀI DẠ VŨ 11/10/2013 08:22

Tháng 5.1975, giữa những ngày đất nước hân hoan mừng hội vui Thống nhất, có một sự kiện đáng nhớ đến với thầy - trò trường Quốc học Huế chúng tôi: Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm trường.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm trường Quốc học Huế, tháng 5.1975. Người bên trái Đại tướng là Hiệu trưởng Nguyễn Văn Bổn; người bên phải Đại tướng là cố nhạc sĩ Trần Hoàn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm trường Quốc học Huế, tháng 5.1975. Người bên trái Đại tướng là Hiệu trưởng Nguyễn Văn Bổn; người bên phải Đại tướng là cố nhạc sĩ Trần Hoàn.

Tôi nói đó là một sự kiện quan trọng, đáng nhớ đối với thầy - trò trường Quốc học Huế vì được đón tiếp một danh tướng lẫy lừng thế giới, một bậc thiên tài quân sự như vậy đã là một vinh dự quá lớn, mà vinh dự ấy lại càng lớn lao hơn nữa, đáng hãnh diện, đáng tự hào hơn nữa vì Đại tướng về thăm trường với tư cách một người học trò cũ về thăm lại trường xưa.

Với riêng tôi, đấy lại là một sự kiện có tác động sâu sắc đến cả cuộc đời và cách xử thế của tôi về sau, từ những năm tháng đó cho đến mãi tận bây giờ, và có lẽ còn mãi đến lúc tôi thanh thản rời bỏ cõi đời này.

Vào chiều hôm trước ngày Đại tướng về trường, tôi đã nhận được tin báo, nên một mặt huy động thầy trò toàn trường chuẩn bị thật chu đáo để có thể đón mừng ngày trở về của người học trò kiệt xuất, người con ưu tú của dân tộc Việt. Riêng tôi, trong vai trò của người Hiệu trưởng, còn có một nhiệm vụ rất đáng hãnh diện, được viết bài diễn văn chào mừng Đại tướng.

Đúng 8 giờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến.

Tôi đón Đại tướng ngay tại cổng trường. Vừa bước xuống xe, tiến về phía chúng tôi, vừa thân mật, tươi cười đưa tay ra bắt, Đại tướng vừa nói luôn: “Đi, đi vào đây, tôi chỉ chỗ tôi ngồi học ngày xưa!”. Tôi bước theo Đại tướng mà trong bụng thầm lo, chương trình đã sắp đặt sẵn có cơ không thể thực hiện được.
Nơi Đại tướng ngồi học ngày xưa là căn phòng thứ hai trên dãy lầu phía bên trái, nếu nhìn từ cổng trường vào; và đấy là đầu bàn của dãy bàn thứ ba. Đại tướng thân mật xoa đầu em học sinh lớp 10 đang ngồi nơi ấy và dặn: “Ngồi chỗ này thì phải ráng học cho giỏi, nghe!”. Rồi Đại tướng quay ra, nhanh nhẹn đúng tác phong quân sự. Bước xuống cầu thang, Đại tướng quay qua tôi, hỏi: “Nghe nói có cho tôi trồng cây lưu niệm phải không? Đi, cho tôi trồng cây!”. Tôi vội vã chạy theo, vì Đại tướng đi rất nhanh.
Sau khi trồng cây, Đại tướng bước lên khán đài, được kê bằng những bục gỗ thấp ngay giữa sân trường, phía trên có che tấm bạt, và trang trí cũng rất giản dị. Đại tướng thân mật nói chuyện với thầy - trò trường Quốc học, có cả một số thầy cô và học sinh trường Trưng Trắc cũng qua đón chào Đại tướng.

Tôi nhớ, Đại tướng đã nói đến hai lần, là chỉ nói chuyện với thầy trò chúng tôi với tư cách của một người học trò cũ của trường. Chỉ riêng chi tiết ấy, chỉ riêng cách nói ấy thôi, đã đủ bộc lộ hết cái khiêm cung, giản dị, chân thành của một bậc danh tướng thế giới, nhưng cư xử bình dị như bất cứ một con người bình thường nào khác mà ta vẫn gặp trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng chính sự giản dị ấy lại là cái cao cả của một nhân cách vĩ đại, tuyệt vời. (Nhiều năm tháng sau, ngoài uy đức của một nhà quân sự thiên tài hàng đầu thế giới, Đại tướng còn là bậc thức giả cao vời, không để cho những nỗi đời ấm lạnh chạm đến được cái Tâm vẫn sáng vằng vặc với non sông!).

Bài diễn văn chào mừng hoàn toàn trở thành vô nghĩa. Khi Đại tướng dứt lời, tôi bước lên bục, ứng khẩu những lời cảm tạ. Bằng tất cả tấm lòng, tôi thay mặt thầy - trò trường Quốc học hứa sẽ cố gắng sống xứng đáng với những lời dặn dò chí tình của Đại tướng, và nhất là sẽ cố gắng đến cùng để noi gương “yêu nước thương nòi” của Đại tướng, người học trò vĩ đại của trường Quốc học, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, bậc danh tướng làm rạng danh non sông Tổ quốc.

Khi tôi bước xuống bục, Đại tướng đứng dậy tươi cười bắt tay tôi, rồi nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi, nói nhỏ: “Cố gắng lên, nghe!”.

Tôi xúc động đến nghẹn lời. Đó không chỉ là lời dặn dò của một người lãnh đạo, một danh tướng mà toàn thế giới phải nghiêng mình kính phục, mà đấy còn là lời dặn dò của một người bác đối với một đứa cháu nhỏ. (Khi ấy, tôi mới bước tới tuổi ba mươi mà Đại tướng đã ở vào tuổi 64).

Tôi đã phải trải qua nhiều biến động trong đời, sau cái ngày đáng nhớ và xúc động ấy, nhưng dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào, phải chấp nhận bất cứ nỗi bất hạnh nào, không bao giờ tôi có thể quên được lời dặn dò thân tình của bậc danh tướng ấy: “Cố gắng lên, nghe!”. Chỉ giản dị thế thôi, nhưng lại hàm chứa bao nhiêu tình cảm chân thật, và cả sự quan tâm đáng quý.

Tôi đã đọc rất nhiều sách, báo viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và từ chính trải nghiệm bản thân, tôi hiểu tại sao mọi người - kể cả những nhà báo và các sử gia người nước ngoài - đều ca ngợi tình thương yêu mà Đại tướng dành cho đồng đội và những người lính của mình. Đối với một người thầy giáo không hề quen biết và nhỏ tuổi như tôi mà Đại tướng còn ân cần, thân mật động viên như vậy, huống hồ là đối với những chiến sĩ vào sinh ra tử với Đại tướng trên các chiến trường.

*
*           *

Ngay chiều ngày 4.10.2013, TS. Phan Văn Hoàng từ TP.Hồ Chí Minh, đã gửi email cho tôi, báo tin sự ra đi của bậc thiên tài quân sự của dân tộc ta. Và khi ngồi trước màn hình, nhìn thấy những hình ảnh tươi cười hồn hậu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bỗng dưng nước mắt tôi chảy dài. Trong căn phòng riêng mà trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng dành cho tôi làm chỗ lưu trú, tôi không cần phải giữ gìn, không phải e ngại trước bất cứ ai, nên có thể để mặc cho nước mắt lăn dài trên má. Từ ngày ba tôi mất, đã chín năm trước (ba tôi nhỏ hơn Đại tướng 2 tuổi), đến nay tôi mới lại để mặc cho nước mắt chảy dài như vậy.

Tôi không chỉ tiếc thương một người con vĩ đại của dân tộc, mà không sợ vô lễ, tôi còn tiếc thương vô hạn một trái tim nhân hậu, vì ít ra trong đời, tôi đã có một lần may mắn được bác coi như con cháu, để có lời dặn dò, động viên, mà nhờ đó suốt đời tôi đã cố gắng sống giữ mình để làm một người tốt, cho dù xã hội có biến động thế nào đi chăng nữa.

Xin cho phép tôi được một lần khóc, như một đứa cháu: “Bác Văn ơi, cháu mãi mãi vẫn nhớ lời dặn của bác để sống xứng đáng làm người!”.

Và cháu sẽ xin tháp tùng đoàn đại biểu của trường Đại học Duy Tân ra Quảng Bình để được lần cuối cùng tiễn biệt bác với tất cả tấm lòng biết ơn dành cho một trái tim vĩ đại, một người con vĩ đại của dân tộc, vị anh hùng, vị danh tướng chắc chắn sẽ được dân gian thờ tự như dân tộc ta đã thờ tự Đức Thánh Trần.

TẦN HOÀI DẠ VŨ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cái cao cả của sự giản dị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO