Bất chấp xu hướng ảo hóa đang trở nên phổ biến trong sáng tạo văn chương, nghệ thuật, nhiều văn nghệ sĩ Quảng Nam vẫn lặng lẽ và bền bỉ sáng tạo theo hướng giữ lại hiện thực gần với nguyên mẫu nhất.
“Dưới nắng” của Đặng Kế Đông, một tác phẩm được chụp không qua dàn dựng và đoạt huy chương đồng IF năm 2015. |
Xem vở “Thủ Thiệm” của Đoàn Ca kịch Quảng Nam, rất nhiều khán giả nhận xét: “Đúng y sì Thủ Thiệm, coi sướng quá chừng”. Là nói vậy chứ thực ra có ai biết Thủ Thiệm là người thế nào đâu, chẳng qua chỉ “biết” về nhân vật này qua giai thoại dân gian. Nhưng cái “biết” ấy, trong tâm khảm mỗi người và trong không gian giai thoại, chính là “hiện thực”. Và trên thực tế, vở “Thủ Thiệm” đã được dàn dựng khá trung thành từ những câu chuyện “hiện thực” ấy; từng lời ăn tiếng nói, hành tung nhân vật đến mỗi không gian sự kiện đều rất “nguyên mẫu”. Vở diễn được đông đảo khán giả yêu thích nên được diễn đi diễn lại không biết bao nhiêu lần. Đến như ông Huỳnh Nhật Lệ, Trưởng đoàn Ca kịch, còn bảo được vậy là nhờ vở này được dựng “y như thật”.
Cũng bằng cách phác dựng gần giống với nguyên mẫu nhất, mấy năm gần đây các cây bút văn xuôi của Quảng Nam như Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Tam Mỹ, Phạm Thông đã có được những tác phẩm thành công. Đúng như tên gọi tập sách, cuốn “Mười Chấp và một thời” của Hồ Duy Lệ được những người trong cuộc đánh giá là “viết rất đúng và đủ về nhân vật Đỗ Thế Chấp (Mười Chấp) và một thời chiến tranh máu lửa ở Quảng Nam”. Ngoài tập sách này, ông còn có một số tác phẩm giàu giá trị hiện thực như “Không có gì trôi đi mất”, “Trong lớp bụi thời gian”, “Mạ tôi”, “Chuyện kể ngày nào”, “Người sót lại”, “Khu vườn kỷ niệm”, “Lửa Núi Thành”... Với Nguyễn Bá Thâm, hai tập bút ký “Đất của máu và lửa” và “Di dọc đường biên” đều được xem là những bức chân dung trực họa về cuộc sống. Đến mức, mỗi khi có việc lên miền núi, nhiều người lại lôi tập “Đi dọc đường biên” ra đọc lại, để hiểu đường đi nước bước và những ứng xử cần thiết khi đến các vùng đất miền tây xứ Quảng. Với Phạm Thông, mỗi bút ký trong các tập sách “Ám ảnh vùng Đông”, “Tam Kỳ thời lửa đạn”, “Những bình thường lấp lánh” là một câu chuyện kể về người và việc sinh động và chân thật. Cái cách tả thực, kể thực ấy cũng được Nguyễn Tam Mỹ sử dụng nhưng có phần ngồn ngộn và trần trụi hơn trong nhiều sáng tác của anh. Đặc biệt là ở tiểu thuyết “Máu và tội ác”, sự thật được kể lại thật đến mức rùng rợn và đau đớn; là tiểu thuyết nhưng “chính sử lấn át cả dã sử”. Mới đây, Nguyễn Tam Mỹ giành được giải 3 cuộc thi truyện ngắn về ngành giao thông vận tải với tác phẩm “Con đường trong mây” và đây cũng là một câu chuyện người thật việc thật.
Với nhiếp ảnh, sự ra đời của các tiện ích công nghệ tuyệt vời đã “xui khiến” nhiều người can thiệp, làm lệch hình ảnh thực để có những tác phẩm “mướt mát” hơn. Tuy nhiên, vẫn có những khoảnh khắc thật trong cuộc sống được các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) giữ nguyên, và tác phẩm vẫn đẹp trong sự vẹn nguyên chân thật ấy. Năm ngoái, NSNA Lê Vấn trình làng một tác phẩm có tên “Về tết”, chụp một người lính quê Nam Phước (Duy Xuyên) lưng mang ba lô, vai vác cành hoa đào, sải bước tự tin, hớn hở trên đường về nhà. Bức ảnh đẹp vì “có thần” và, mỗi người sẽ cảm thấy nó đẹp hơn khi biết rằng, để có bức ảnh này, Lê Vấn phải vác máy đi theo người lính trẻ ấy trên đoạn đường hơn một cây số và bí mật bấm máy không dưới 50 lần. Trước đó 2 năm, trong một chuyến lên Tây Giang, Lê Vấn đã “chụp mộc” được một cặp vợ chồng cựu chiến binh trên đường đi dự lễ về. Tác phẩm này (được đặt tên là “Ngày trở về”) sau đó đã giành được tới 3 giải thưởng khác nhau.
Tính chân thực là một yếu tố quan trọng làm cho tác phẩm VHNT có tính hấp dẫn, thuyết phục và độ tin cậy cao. Trong ảnh: Một cảnh trong vở kịch ngắn “Thủ Thiệm ở chợ Được” của Đoàn Ca kịch Quảng Nam, được dựng từ “nguyên mẫu” nhân vật Thủ Thiệm. |
Cũng bằng cách chụp không dàn dựng, nhiều NSNA Quảng Nam đã có được những tác phẩm đẹp cả về màu sắc, góc độ lẫn ý tưởng nhờ vào tính chân thực cũng như sự sinh động và độc đáo. Tình cờ bắt gặp và chụp một nhóm phụ nữ bán hàng rong ngồi nghỉ trên vỉa hè, Thái Bích Thuận có tác phẩm “Đợi”, sau này vừa được giải thưởng của tỉnh vừa được giải thưởng khu vực. Chụp hết một đêm hội của đồng bào Cơ Tu, Nguyễn Đức Thắng có tác phẩm “Lửa thiêng”, sau được giải của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Riêng năm nay, cũng với những tác phẩm không dàn dựng, không đẽo gọt, một số NSNA Quảng Nam đã giành được nhiều giải thưởng lớn. Đặng Kế Đức đoạt huy chương vàng tại Serbia với tác phẩm “Vụ mùa”, huy chương bạc VAPA với tác phẩm “Bên trong cuộc sống”; Đặng Kế Đông đoạt huy chương bạc tại Nga với tác phẩm “Thân quen”, huy chương đồng ISF với tác phẩm “Dưới nắng”; Lê Trọng Khang đoạt huy chương bạc VAPA với tác phẩm “Ánh đèn đêm hội”, giải nhất cuộc thi ảnh di sản 2015 và giải B Giải thưởng ảnh xuất sắc 2015 của Hội NSNA Việt Nam với tác phẩm “Đêm hội hoa đăng”. Mới đây, một tác giả khác là Mai Thành Chương đã giành được huy chương vàng FIAP ảnh về đề tài thiên nhiên tại cuộc thi ảnh quốc tế “Balkan Circuit 2015” với tác phẩm “Voọc chà vá chân đỏ” - một bức ảnh “sao nguyên cảnh thực” trên đỉnh Sơn Trà (Đà Nẵng).
Mới hay, những vẻ đẹp của sự chân thực, không bị can thiệp quá đà bởi các loại “dao kéo” mang tên thủ pháp sáng tạo, luôn lung linh và tươi ròng sự sống.
BẢO ANH