Chuỗi ngày dài mà cô bé Hồ Thị Dôm (SN 2001, trú xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) cắn răng chịu đựng những cơn đau “chết người” để phẫu thuật, “tìm lại cái chân đã mất” là quãng thời gian mà nếu không có nghị lực sẽ không thể vượt qua.
Bạn thân Hồ Thị Phưng đưa Dôm (bên trái) nhập học trở lại. Ảnh: N.TRANG |
365 ngày “tìm lại chân đã mất”
Hai năm trước, câu chuyện về nghị lực vượt khó học giỏi của Hồ Thị Dôm được phản ánh trên báo Quảng Nam và nhiều tờ báo khác. Nhiều bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt dành cho cô bé. Khâm phục, xúc động và cả những giọt nước mắt thương xót là những cung bậc cảm xúc mà bạn đọc dành cho “Dôm một chân”. Trong vô vàn sẻ chia, Dôm may mắn đón nhận “món quà” trong mơ mà cô bé vẫn thầm ao ước: Đó là được trèo non, lội suối đến trường bằng đôi chân lành lặn. Chính những “ông bụt, bà tiên” trong nhóm Mô tô học bổng của nhà văn Nguyễn Đông Thức đã lo toàn bộ chi phí phẫu thuật cho Dôm. Tôi nhớ như in, một ngày tháng 6 năm ngoái, trò chuyện qua điện thoại, Dôm reo cười vì vui sướng. Cô bé hồ hởi báo tin mình vừa bắt xe đò xuống TP.Đà Nẵng và đang có mặt ở Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng. Đó là lần đầu tiên Dôm mạnh dạn ra khỏi tán rừng của huyện miền núi Phước Sơn, là lần đầu tiên vượt quãng đường xa hàng trăm cây số...
Kể từ thời điểm Dôm nhập viện, tôi vẫn âm thầm dõi theo từng bước chân khập khiễng của cô bé. Sau 3 lần phẫu thuật ghép da, 1 lần phẫu thuật kéo khớp gối, chân phải của Dôm dần dần “tái sinh”. Khi ấy bác sĩ Văn Ngọc Kỳ - người trực tiếp điều trị cho Dôm, thốt lên rằng, ngay cả bản thân ông cũng không nghĩ mọi việc lại diễn tiến theo chiều hướng tích cực đến vậy. Nhưng rồi, chính vị bác sĩ này phải thừa nhận, chính nỗ lực tập luyện không biết mệt mỏi sau mỗi ca phẫu thuật và bản lĩnh vượt lên nỗi đau đã giúp Dôm rút ngắn thời gian “tìm lại chân đã mất”. Cuối năm 2016, Dôm xuất viện và cần thêm 6 tháng tập vận động cho chân phải nhuần nhuyễn. Vậy là quãng đường 4 cây số từ trung tâm xã băng qua những ngọn đồi gồ ghề đầy sỏi đá đã đón bước chân Dôm tập tễnh về nhà.
Chín năm cắp sách đến trường là thời gian Dôm đã quen với việc di chuyển một chân và đoạn đường dài ấy đã in đậm bóng hình của cô bé “lò cò”. Giờ đây, con đường ngoằn ngoèo nơi núi rừng lại chứng kiến cô học trò Giẻ Triêng Hồ Thị Dôm đi lại bằng đôi chân lành lặn. Và tôi cùng mọi người bắt gặp Dôm cười. Đó là nụ cười đầy mãn nguyện sau đúng 365 ngày cô bé miệt mài “tìm lại chân đã mất”.
Dôm không độc bước
Gặp Dôm ở Trường THPT Khâm Đức, trước mắt tôi là một cô nữ sinh duyên dáng. Chứng kiến hình ảnh Dôm sánh bước cùng bạn bè vào lớp học, không ai tin rằng chỉ mới một năm trước thôi, Dôm còn di chuyển loạng choạng bằng cách nhảy lò cò. Dôm may mắn đón nhận sự chung tay giúp sức của rất nhiều nhà hảo tâm. Nhờ nhóm Mô tô học bổng, bây giờ, đều đặn mỗi tháng cô bé nhận được 500 nghìn đồng hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Cô học trò nghèo cũng vơi bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai mà yên tâm đến lớp. Chặng đường đến trường trở nên ý nghĩa hơn khi Dôm có cô bạn Hồ Thị Phưng kề vai sát cánh. Dôm chia sẻ: “Trong tháng ngày khó khăn ở bệnh viện, chính bạn Phưng đã tình nguyện bảo lưu kết quả học tập rồi bắt xe ra Đà Nẵng chăm sóc cho em, động viên em. Ngày em tìm lại được cái chân đã mất, em và Phưng lại cùng nhau mang hồ sơ đi đăng ký nhập học trở lại. Chúng em may mắn học chung một lớp và tự hứa sẽ phấn đấu học thật giỏi!”.
Để có được ngày như hôm nay, Dôm đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của rất nhiều người. Hơn hết, những người thầy, người bạn luôn đồng hành với em, giúp em có thêm nghị lực và niềm tin vào cuộc sống. Nỗi bất hạnh khi Dôm mới chào đời được hai tháng tuổi. Cha mẹ đi rẫy, một hôm Dôm lăn lê và rớt vào bếp lửa, một chân bị cháy da thịt đến gần đầu gối. Nhờ những tấm lòng nhân ái, em được phẫu thuật chỉnh hình kéo dài chân để viết tiếp ước mơ của đời mình. Giờ đây có được đôi chân như bao người bình thường khác, Dôm đến trường kiếm cái chữ xây đắp tương lai, hệt như những gì em từng ao ước từ tấm bé. Nói về Hồ Thị Dôm, thầy Nguyễn Xuân Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Khâm Đức, nhận xét: “Hồ Thị Dôm là một tấm gương giàu nghị lực, xứng đáng để các bạn khác noi theo. Trong 3 năm Dôm học dưới mái trường này, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em ấy thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học”.
NHƯ TRANG