Quản lý, bảo trì đường bộ đang gặp khó do những nguyên nhân chủ quan và cả khách quan. Số là, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh phần lớn chưa vào cấp, mặt đường hẹp; xe muốn tránh nhau phải lấn ra lề đường làm lề lún võng, sình lầy gây mất an toàn giao thông (ATGT) và khiến bảo trì gặp trở ngại.
Qua thời gian dài khai thác sử dụng, mặt đường đã lão hóa, xuất hiện vết rạn nứt, lún gãy cục bộ. Mặc dù hàng năm, chủ đầu tư đã bố trí kinh phí để sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ nhưng do khối lượng hư hỏng quá lớn so với kế hoạch được giao, nên chẳng thấm vào đâu.
Với quốc lộ 14E, mặt đường nhiều chỗ bị biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng vì vốn là nền móng nằm trên đất yếu, cộng thêm xe tải nặng lưu thông tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Gần đây, hệ thống ATGT được quan tâm đầu tư bổ sung, thay thế. Tuy nhiên, hệ thống biển báo hiệu, tường hộ lan tôn lượn sóng, sơn kẻ đường… còn ở tình trạng rỉ rét, sơn bị phai màu. Biển báo phần lớn tận dụng lại biển báo cũ nhưng nay đã có sự thay đổi quy chuẩn về báo hiệu đường bộ, dẫn tới biển báo cũ không đảm bảo quy định.
Ở tuyến đường đang khai thác qua khu dân cư sinh sống hai bên, người dân tự ý lấp rãnh để xe cộ qua lại, tập kết rác trong rãnh dọc gây đọng nước. Không ít trường hợp đổ đất xây dựng nhà cửa, lấp luôn hạ lưu cống thoát nước ngang.
Các tuyến đường dẫn vào mỏ vật liệu xây dựng có mật độ xe tải trọng lớn lưu thông đông đúc đã làm ảnh hưởng đến kết cấu áo đường, rơi vãi vật liệu gây mất vệ sinh mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Một vị lãnh đạo của đơn vị được giao quản lý, bảo trì nhiều tuyến tỉnh lộ, quốc lộ chia sẻ, người dân để đi vào sâu các cánh rừng khai thác và vận chuyển cây keo đã ngang nhiên lấp rãnh thoát nước và mở đường ngang trái phép.
Chính vì vậy, mỗi lần có mưa lớn, nước chảy theo con đường mở trái phép tuôn xuống như suối, kéo theo đất đá tràn ra mặt đường đang phục vụ lưu thông. Khai thác keo xong, họ vứt cành lá, vỏ cây lấp rãnh dọc và mặt đường, tập kết thân cây trong hành lang đường bộ gây mất ATGT. Đơn vị quản lý từng phối hợp với cơ quan chức năng xử lý, nhưng vi phạm cứ tiếp diễn.
Theo ngành chuyên môn, ý thức của một bộ phận nhân dân chưa cao, ngược lại địa phương cấp huyện, cấp xã chẳng mấy quan tâm đến việc thực hiện theo Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn. Tại nhiều nơi, người có trách nhiệm của địa phương chưa xử lý triệt để vi phạm của cư dân, điều đó đã góp phần khiến cho họ “nhờn luật”, bảo sao trật tự ATGT không luôn ở trong tình trạng “nóng - lạnh” thất thường.