Cái khó của bảo trì đường bộ

CÔNG TÚ 02/02/2021 08:58

Bảo trì hệ thống đường bộ là yếu tố quan trọng đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), duy trì tuổi thọ công trình. Tuy nhiên, công tác này vấp phải những cái khó ảnh hưởng đến chất lượng duy tu, bảo dưỡng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Duy tu, bảo dưỡng tuyến đường QL14D qua địa bàn Nam Giang. Ảnh: C.T
Duy tu, bảo dưỡng tuyến đường QL14D qua địa bàn Nam Giang. Ảnh: C.T

Nhiều cái khó

Kết cấu hạ tầng đường bộ thường xuyên bị xâm phạm, tính chất ngày càng phức tạp. Ngược lại, việc quản lý, bảo vệ có nơi, có lúc địa phương thiếu quan tâm dẫn đến tình trạng san lấp mặt bằng hoặc xây dựng nhà cửa, lều quán trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) chưa phát hiện kịp thời.

Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Ngọc Thanh cho biết, có trường hợp phát hiện ra nhưng nhà thầu, cơ quan quản lý đường bộ, thanh tra đường bộ, UBND cấp xã, cấp huyện xử lý thiếu kiên quyết hoặc chưa ngăn chặn giải quyết sớm. Về nguyên nhân khách quan, nhân dân xây dựng công trình trong đất HLATĐB song rất khó xử lý, bởi phần đất ấy được pháp luật thừa nhận mà chưa bồi thường phần hạn chế xây dựng.

Quan sát ven các tuyến đường trọng điểm, có thể nhận thấy diện tích đất rừng trồng keo rất lớn. Vì thế, người dân mở đường lâm sinh để vận chuyển keo làm đất đá tràn ra mặt đường gây mất ATGT, hư hỏng hệ thống rãnh dọc. Thậm chí, tình trạng trên còn tạo ra điểm đọng nước mới gây khó khăn cho công tác bảo trì. Đến khi khai thác keo, người dân không ngần ngại vứt cành lá lấp rãnh dọc, trên lề và mặt đường làm cản trở dòng nước chảy, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Xe vận chuyển keo thường xuyên chở quá tải (thường là xe 1 trục) đã nhanh chóng khiến nền, mặt đường nứt nẻ, sụt lún nghiêm trọng. Bà con còn tưới cho xe keo làm mặt đường tại những vị trí này đọng nước và hư hỏng, gây khó khăn cho bảo trì cũng như ATGT.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam - ông Nguyễn Văn Sỹ chia sẻ, đơn vị được giao quản lý, bảo trì nhiều tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, kết cấu áo đường các tuyến giao thông tiếp cận mỏ vật liệu, khu, cụm công nghiệp thường nhanh chóng bị xuống cấp do xe tải trọng nặng lưu thông, vật liệu rơi vãi xuống bề mặt ảnh hưởng ATGT, ô nhiễm môi trường sống.

Lãnh đạo Sở GTVT cho hay, ngành chưa có Ban Quản lý dự án bảo trì đường bộ trực thuộc; kinh phí chỉ được tính trong chi phí quản lý dự án sửa chữa, còn công tác quản lý, bảo trì thường xuyên chưa được xem xét bố trí nên hoạt động tuần tra, kiểm soát gặp khó khăn. Ngoài ra, định mức kinh phí sửa chữa mặt đường lại không đáp ứng đủ cho một số tuyến hư hỏng nặng như quốc lộ (QL) 14E, QL40B.

Cần tháo gỡ “nút thắt”

Để công tác quản lý, bảo trì đường bộ ngày càng tốt hơn, ngành chức năng cho biết sẽ kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép thành lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở GTVT để quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng, thực hiện đầy đủ chức năng theo quy định của pháp luật; tăng biên chế cho thanh tra và hỗ trợ kinh phí để lực lượng này thực hiện kiểm tra, kiểm soát.

Cùng với đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cần tăng cường nhân sự cho phòng quản lý bảo trì, bảo đảm tần suất kiểm tra tuyến tối thiểu 1 lần/tháng; ứng dụng khoa học công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ.

Theo ông Trần Ngọc Thanh, các đơn vị bảo trì được yêu cầu tuyển dụng và tăng cường nhân sự có năng lực để thực hiện công tác bảo trì thường xuyên, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng làm việc của đội ngũ tuần đường. Đặc biệt, nhân lực lựa chọn nên có nhà ở khu vực trên tuyến để kiểm tra và nắm bắt thông tin kịp thời hơn. Các đơn vị bảo trì cũng được khuyến cáo phải đầu tư trang bị xe và thiết bị kiểm tra cầu chuyên dụng, thiết bị vá mặt đường bằng tái chế nóng tại chỗ…

Trước thực trạng chính quyền địa phương tỏ ra hời hợt, lơ là trong quản lý, xử lý vi phạm HLATĐB, Sở GTVT kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 29.5.2018 của UBND tỉnh về Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh nhằm phù hợp với các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ.

Một câu chuyện khác được nhiều đơn vị quản lý bảo trì quan tâm, đó là QL14E được đầu tư xây dựng vào năm 2002, qua nhiều năm khai thác sử dụng nên mặt đường bị “lão hóa”, xuất hiện vô số vết nứt, lún gãy cục bộ nghiêm trọng. Tuy nhiên, khối lượng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng lại quá ít so với khối lượng hư hỏng thực tế nên năm nào cũng phải tiến hành bảo trì mà hư hỏng vẫn hoàn hư hỏng. Chính vì vậy, nhiều đơn vị quản lý cho rằng Tổng Cục đường bộ Việt Nam cần nâng khối lượng bảo trì trong kế hoạch cao hơn, chú trọng thay đổi kết cấu móng, nền và lề đường nhằm khai thác lâu dài, đảm bảo ATGT. Đặc biệt, cần sớm nâng cấp, mở rộng tuyến QL14E này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cái khó của bảo trì đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO