Cái khó của ngành thuế

Trịnh Dũng 08/05/2013 08:45

Khả năng đạt được con số thu ngân sách nhà nước đúng như dự toán giao năm 2013 là rất khó khi 4 tháng đầu năm chỉ mới thu đạt 29%.

Giao nhiều, thu thấp

Cục Thuế Quảng Nam công bố, Bộ Tài chính đã giao tổng thu ngân sách Quảng Nam năm 2013 là 4.328 tỷ đồng, tăng 16,4% so với thực hiện năm 2012. Nếu loại trừ khoản thu tiền sử dụng đất thì dự toán năm 2013 khoảng 3.850 tỷ đồng, tăng 16,7% so năm 2012. Số giao này căn cứ vào một số doanh nghiệp mạnh như Công ty Sản xuất và lắp ráp ô tô du lịch Trường Hải – KIA (tiêu thụ 12.000 xe, nộp thuế 1.308 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng tiêu thụ 1.000 xe), Công ty TNHH Khai thác vàng Phước Sơn (sản lượng 800kg vàng, nộp thuế 223 tỷ đồng), Công ty Bia Quảng Nam (sản lượng 24 triệu lít, thuế phải nộp 84 tỷ đồng), Công ty CP Thủy điện A Vương (100 tỷ đồng), Thủy điện Sông Tranh 2 (70 tỷ đồng)... Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã tính tới năng lực sản xuất tăng thêm năm 2013 của 3 dự án nhà máy thủy điện thuộc lưu vực sông Bung (Sông Bung 4A, Sông Bung 5 và Sông Bung 6) với tổng sản lượng điện bình quân hàng năm theo thiết kế là 546 triệu kWh thì số thu ngân sách là 40 tỷ đồng. Đó là trên kế hoạch, còn thực tế thì “u ám” hơn. Tính đến cuối tháng 4, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn mới chỉ đạt 1.790 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 1.300 tỷ đồng, đạt hơn 29% dự toán năm. So với dự toán, chỉ có 5 khoản thu, sắc thuế đạt tiến độ thực hiện dự toán (trên 25%). Đó là khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt 30,4%, thuế thu nhập cá nhân (27,9%), lệ phí trước bạ (25,5%), phí - lệ phí (53,1%), thu cố định tại xã (25,8%); còn lại 8 khoản thu, sắc thuế khác như doanh nghiệp FDI, DNNN trung ương, thu tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuê đất… chưa đạt được dự toán giao.

Khó giải phóng hàng tồn kho... nên thu thuế sẽ khó tăng.                                                                                                                                Ảnh: T.DŨNG
Khó giải phóng hàng tồn kho... nên thu thuế sẽ khó tăng. Ảnh: T.DŨNG

Theo ông Lê Mai Khắc Hưng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, nếu đánh giá, rà soát tất cả nguồn thu thì dự toán đưa ra cho năm 2013 rất cao. Để đạt được chỉ tiêu này thì nền kinh tế phải thực sự vượt qua khó khăn, giá trị một số ngành công nghiệp trọng điểm phải có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Thị trường ô tô du lịch phải có tốc độ tăng trưởng trên 40% và việc vận hành ổn định các nhà máy thủy điện lẫn các năng lực mới đưa vào hoạt động năm 2013 đúng tiến độ, đạt công suất thiết kế, sản lượng khai thác và tiêu thụ vàng mang tính ổn định. Thế nhưng, hiện tại các doanh nghiệp thủy điện nộp ngân sách giảm đột biến so cùng kỳ. Cụ thể, A Vương giảm 11,8 tỷ đồng (chỉ nộp 3,3 tỷ đồng), Geruco Sông Côn nộp 2,09 tỷ đồng, giảm 5,1 tỷ đồng và thủy điện Sông Tranh 2 chỉ nộp ngân sách 5,1 tỷ đồng, giảm đến 15,2 tỷ đồng vì chưa tích được nước hồ chứa. Khả năng của thủy điện sẽ bị hụt đến 60 tỷ đồng nộp ngân sách năm 2013. Ngoài ra, sản lượng khai thác vàng không ổn định, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn chỉ khai thác và tiêu thụ 213kg vàng (giảm 129kg) nên chỉ nộp ngân sách 72,8 tỷ đồng (giảm 59,3 tỷ đồng). Còn ô tô du lịch của Trường Hải - KIA chưa có dấu hiệu hồi phục. Sản lượng tiêu thụ vừa qua chỉ 1.675 xe (giảm 1.193 xe so với cùng kỳ), bình quân mỗi tháng chỉ tiêu thụ 560 xe dẫn đến số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp giảm 84 tỷ đồng.

Khó tăng thu

Tại cuộc họp với Cục Thuế Quảng Nam vừa qua, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng cho rằng, hiện nguồn vốn không đủ để đầu tư phát triển. Ngay cả việc mở rộng giao thông cũng không đủ điều kiện nên chỉ dừng lại ở việc nâng cấp các tuyến đường thiết yếu. Thế nhưng, cân đối cũng chỉ mới được hơn 1/3 vốn đầu tư nên cần có nguồn thu lớn. Theo ông Hùng, để thực hiện bảo đảm thu theo dự toán ngân sách là 4.478 tỷ đồng, Cục Thuế cần tiến hành đánh giá, rà soát các nguồn thu, sắc thuế và tình hình phát sinh kinh tế trên địa bàn, sắp xếp bộ máy hoàn chỉnh, chuyên nghiệp và phân cấp để công tác thu thuế linh hoạt… nhằm dự lường con số thuế thu theo kế hoạch tương đối “chính xác” cho năm 2013 và các năm đến, chấm dứt tình trạng loay hoay thiếu hụt mỗi năm.

“Giải cứu” nguồn thu là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam Đinh Văn Minh, khả năng hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh là rất khó khi “sức khỏe” của doanh nghiệp ngày càng sụt giảm. Những giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khuyến khích sức mua của thị trường đạt hiệu quả thì còn có hy vọng, nhưng nếu tình hình tiêu thụ không có dấu hiệu tăng trưởng thì dự báo nguồn thu ngân sách nhà nước ở lĩnh vực này sẽ gặp rất nhiều khó khăn để hoàn thành dự toán được giao. Thị trường bất động sản vẫn “đóng băng” dù các dự án khai thác quỹ đất tại nhiều địa phương đã hoàn thành nhưng nhu cầu người mua giảm nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thu thuế… “Khi sản xuất hay tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp “bị sự cố” là sẽ hụt thu ngay” - ông Minh nói.

Một kế hoạch tăng thu đã được đưa ra, nhưng dự báo vẫn sẽ khó thực hiện như mong muốn. Ông Lê Mai Khắc Hưng nói Cục Thuế cần các địa phương, cơ quan hữu quan phối hợp hỗ trợ thu ngân sách trên địa bàn, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản vãng lai ngoại tỉnh, khai thác tài nguyên khoáng sản… để chống thất thu, phấn đấu hoàn thành dự toán giao. Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Võ Hồng cho rằng, do không dự lường được năng lực sản xuất, tiêu thụ của thị trường… nên gặp khó khăn khi đưa ra dự toán. Cái gốc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp mới là vấn đề quan trọng. Vì vậy, ngoài các biện pháp tăng thu, thu hồi nợ đọng, chống thất thu, gia tăng quản lý, điều hành ngân sách, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, hạn chế thấp nhất tình trạng bổ sung ngoài dự toán… thì tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho của doanh nghiệp… cần được quan tâm hàng đầu để bớt gánh nặng cho ngân sách địa phương.

Trịnh Dũng

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cái khó của ngành thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO