Trên đời này món gì ngon nhất? Đó là cái lưỡi.
Vậy món gì dở nhất? Cũng là cái lưỡi.
Hãy nghe Ê-dốp, một kẻ nô lệ và là nhà thông thái cổ đại, biện giải: Lưỡi là mối liên lạc trong đời sống xã hội, là chìa khóa mở cửa xã hội, là cơ quan phát ra chân lí và lẽ phải. Nhờ có lưỡi, người ta mới kiến thiết được đô thị và cai quản nó; có lưỡi mới giáo dục được người, thuyết phục người. Có lưỡi mới làm tròn nghĩa vụ đầu tiên của mỗi người là chúc tụng thần linh... Nhưng cái lưỡi cũng là mẹ đẻ của mọi mối bất hòa, mẹ nuôi của mọi vụ kiện tụng, là nguồn gốc của chia rẽ và chiến tranh. Nếu bảo lưỡi là cơ quan phát ra chân lý thì lưỡi cũng là cơ quan phát ra sai lầm và còn tồi tệ hơn, phát ra vu khống. Bằng lưỡi, người ta phá hủy đô thị và xúi giục những điều độc ác. Lưỡi ca ngợi thần linh, nhưng lưỡi cũng báng bổ quyền lực của thần linh.
Minh họa: VĂN THỌ |
Ngàn đời trôi qua, từ thời cổ đại đến hiện đại, từ cái lưỡi đã gây nên bao chuyện thị phi. Có điều dường như cái ngon của món lưỡi thì ít phát huy bằng cái dở. Thấy rõ nhất là cái lưỡi đã tạo ra sự “chia rẽ”, tạo mối “bất hòa”. Mới nhất như chuyện hội nghị các ngoại trưởng ASEAN với Trung Quốc không thể ra tuyên bố chung vì có những lời “khác biệt” về quan điểm xử lý tình hình Biển Đông.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam, ngang nhiên cơi nới bồi đắp, xây dựng cơ sở quân sự, rồi tập trận, mà miệng lưỡi thì luôn “hữu hảo”, “bốn tốt”... Với “giấc mộng Trung Hoa”, họ tự vẽ ra “đường lưỡi bò” chiếm gần hết Biển Đông, buộc Philippines phải kiện ra tòa án quốc tế. Trung Quốc thường nói họ có đầy đủ chứng cứ lịch sử để chứng minh cha ông họ đã phát hiện và khai thác hai quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và làm chủ Biển Đông (trong vùng lưỡi bò) từ cách đây hơn 2.000 năm. Tuy nhiên, trên thực tế họ không đưa ra được bằng chứng xác thực nào mà chỉ dựa vào những trích dẫn từ các sách cổ của các tác giả Trung Quốc rồi giải thích tùy tiện theo ý mình. Trung Quốc đưa ra cái gọi là “chủ quyền lịch sử”, rằng từ thế kỷ II tr.CN, vùng đất nay là Trung Trung Bộ của Việt Nam, từng là quận Nhật Nam của nhà Hán và như vậy, vùng biển, các đảo thuộc quận này là của Trung Quốc. Nếu với lập luận như vậy thì người Mông Cổ có thể đòi chủ quyền toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, vì từ năm 1271 đến năm 1368, người Mông Cổ đã đặt ách thống trị lên Trung Quốc. Hơn thế, người Mông Cổ còn có thể đòi chủ quyền với 16% diện tích đất liền của trái đất mà đế quốc Mông Cổ đã cưỡng chiếm được trong các thế kỷ 13 - 14, khởi đầu từ thảo nguyên Trung Á, trải dài qua Đông Âu, biển Nhật Bản, tiểu lục địa Ấn Độ, cao nguyên Iran, và Trung Đông, nhiều phần rộng lớn của Siberi ở phía bắc và khuếch trương về phía nam đến Đông Nam Á... Chỗ lắt léo này, người Trung Quốc khó mà biện luận được. Tranh luận không xong nhưng Trung Quốc vơ luôn lịch sử đế quốc Mông Cổ vào sách giáo khoa. Báo Giáo dục Việt Nam dẫn lời Giáo sư Tomohide Murai từ Đại học Tokyo, cho biết trên tờ Sankei, sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc năm 1952, từng dạy học sinh cấp 2 của họ rằng các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Nepal, Sikkim, Bhutan, Myanmar, Việt Nam, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và các vùng lãnh thổ Nga như Khabarovsk, Primorsky Krai đều là “một phần lãnh thổ Trung Quốc” đã bị đánh cắp (?!).
Có lẽ do cách tuyên truyền “nhồi sọ” bịa đặt như thế nên mới có những người Trung Quốc trẻ ngày nay ngông cuồng xuyên tạc lịch sử. Vì vậy mới xuất hiện các hướng dẫn viên người Trung Quốc “chui” đến Việt Nam gần đây, từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), đã ngang nhiên nói Biển Đông là của cha ông họ. Từ cái lưỡi phát ra điều bịa đặt sẽ dẫn câu chuyện đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, có thể bùng nổ thành xung đột tồi tệ hơn.
“Đầu môi chót lưỡi” thì cứ tiếp tục nói những lời có cánh trong ngoại giao, nhưng hãy nhớ dân gian đã đúc kết “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” và ngẫm lại triết lý của Ê-dốp.
NGUYỄN ĐIỆN NAM